xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

DOANH NGHIỆP CHỜ NGƯỜI LAO ĐỘNG (*): Cơ hội nào để công nhân trở lại nhà máy?

NHÓM PHÓNG VIÊN

Doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng trong khi người lao động muốn được đi làm nhưng gặp nhiều rào cản từ việc tiêm vắc-xin đến đi lại

Những rào cản đang khiến doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) khó gặp nhau khi tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phía Nam đang được kiểm soát tốt. Theo các DN, họ cần Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn này để sớm ổn định sản xuất - kinh doanh khi quý IV, quý quan trọng nhất trong kinh doanh, đang bước sang ngày thứ 12.

Lúng túng

Là DN sử dụng nhiều lao động nhất tại TP HCM, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) đang rất khó khăn để khởi động các chuyền sản xuất vì thiếu lao động.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết công ty bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 6-10 với khoảng 13.000 lao động (đạt tỉ lệ 23%), đến nay số lao động đã tăng lên khoảng 23.000 người. Dự kiến theo lộ trình, mỗi tuần công ty sẽ có thêm 10.000 lao động trở lại làm việc. Trong giai đoạn đầu sẽ ưu tiên cho khoảng 41.000 công nhân (CN) đang cư trú tại TP HCM, riêng khoảng 15.000 CN ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… dù rất nóng lòng quay lại làm việc nhưng gặp một số khó khăn chưa thể thực hiện.

DOANH NGHIỆP CHỜ NGƯỜI LAO ĐỘNG (*): Cơ hội nào để công nhân trở lại nhà máy? - Ảnh 1.

Người lao động ở các tỉnh miền Tây đã bắt đầu trở lại TP HCM làm việc. Ảnh: HUẾ XUÂN

Hiện công ty có khoảng 47.000/55.616 CN được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1 và hơn 24.000 người tiêm đủ 2 mũi. Chính quyền quận Bình Tân cũng đang hỗ trợ công ty đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin cho CN nhưng đa số chưa được tiêm mũi 1, mũi 2 lại đang sống tại các tỉnh và khi các địa phương này triển khai tiêm vắc-xin, họ lại không thuộc diện ưu tiên nên không đủ điều kiện trở lại làm việc. Thêm vào đó, các tỉnh yêu cầu NLĐ phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính định kỳ khi di chuyển giữa các địa phương để làm việc.

"Nếu muốn có giấy xác nhận, NLĐ phải tự đi xét nghiệm, khá tốn kém và mất thời gian. Bên cạnh đó, NLĐ cũng chưa nghĩ đến phương án thuê trọ tại TP vì vẫn chưa thấy đủ an toàn trong thời điểm hiện tại" - ông Củ Phát Nghiệp nói.

Tương tự, Công ty TNHH Nissei Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP HCM) đến nay mới chỉ có 1.381 CN (chiếm 80,2% lao động) làm việc. Số CN chưa thể đi làm chủ yếu sinh sống ở Bình Dương và Đồng Nai. "Số lao động đang ở Bình Dương, Đồng Nai rất muốn trở lại nhà máy làm việc. Hiện NLĐ ở Bình Dương có thể đi và về hằng ngày và được công ty xét nghiệm PCR 1 lần/tuần. Riêng số lao động ở Đồng Nai không thể đi làm được vì vướng thủ tục đi đường. Trước đó, công ty đã thực hiện "3 tại chỗ", bố trí cho NLĐ vào ở nhà lưu trú của công ty, trong đó có người ở Đồng Nai. Sau gần 3 tháng thực hiện "3 tại chỗ", số lao động này cũng muốn về nhà. Vì thế, chúng tôi mong TP HCM và các tỉnh có sự kết nối để NLĐ có thể đi và về hằng ngày" - bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Việt Nam, đề xuất.

Gỡ khó

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi), cho rằng lúc này điều cần nhất để NLĐ quay trở lại là vắc-xin.

Theo ông Triết, nhiều NLĐ rất muốn quay lại nhà máy để làm việc, để có thu nhập sau thời gian dài thất nghiệp nhưng họ bị vướng ngay khi ra khỏi cửa nhà mình. Rất nhiều người chưa được tiêm vắc-xin mũi nào và đa số đang ở quê. Họ về quê khi chiến dịch tiêm chủng của TP mới bắt đầu và không phải là đối tượng ưu tiên. Về quê thì ở quê lại không được phân bổ vắc-xin nhiều như ở TP nên họ chưa được tiêm là điều dễ hiểu.

"Điều DN cần là một cơ chế nhất quán trên phạm vi cả nước để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ từ các tỉnh nhanh chóng được quay lại mà không gặp bất cứ rào cản nào về mặt thủ tục. DN cũng mong được nhà nước quan tâm hỗ trợ nguồn vắc-xin để tiêm cho NLĐ" - ông Triết nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group, cho biết theo khảo sát của Navigos, gần 57% DN cho biết sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, cái khó của cả DN và NLĐ hiện nay ngoài vắc-xin còn là việc đi lại. "Tôi thấy Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản tạm thời cho phép xe khách liên tỉnh đi lại từ ngày 11-10 nhưng các điều kiện để hành khách có thể di chuyển khá ngặt nghèo. Trong khi DN chờ NLĐ thì NLĐ cũng đang chờ vắc-xin và đường di chuyển. Vậy có thể tạo điều kiện để DN đi đón NLĐ được không? DN sẽ tổ chức đưa đón NLĐ trên cơ sở an toàn phòng chống dịch và triển khai tiêm vắc-xin khi NLĐ chưa được tiêm" - bà Linh bày tỏ.

Theo các chuyên gia lao động - việc làm, tình trạng vừa thừa vừa thiếu NLĐ trong giai đoạn "hậu Covid-19" sẽ là bài toán nan giải. Thực tế, sẽ có nhiều địa phương sau khi đón NLĐ trở về không sử dụng hết lực lượng lao động này. Khi đó, cần tính bài toán cung ứng, giới thiệu NLĐ cho địa phương khác thông qua chương trình kết nối. Nếu làm được như vậy mới có thể chống đứt gãy lao động một cách hiệu quả, bền vững. Nơi thiếu NLĐ thì sản xuất bị đình trệ, còn nơi thừa thì tình trạng thất nghiệp cùng các vấn đề xã hội phức tạp sẽ gia tăng. Để ổn định thị trường lao động, giúp DN có nhân công để hồi phục sản xuất, cần sự hỗ trợ, kết nối từ phía nhà nước và địa phương để cung - cầu gặp nhau. Khi dịch bệnh qua đi, NLĐ cần trở lại làm việc. Quan trọng là sự phối hợp, kết nối để họ trở lại thị trường, bên cạnh việc tiếp tục giữ chân NLĐ đang phân vân giữa trụ lại hay rời đi. Đó mới là giải pháp căn cơ.

Cần sự phối hợp chặt giữa các địa phương

Ông Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nói khi NLĐ xa quê không thể tiếp tục trụ ở TP lớn và phải về quê trong tình trạng mất việc làm, thu nhập, không còn nguồn sống là điều đáng buồn. Đáng lo hơn, khi họ rời đi sẽ để lại khoảng trống thiếu hụt lao động rất lớn. Để giữ chân NLĐ, cần làm sao để họ yên tâm, không lo lắng về dịch bệnh, về cuộc sống và tin tưởng có thể sớm trở lại thị trường lao động.

Theo ông Lợi, trong bối cảnh "bình thường mới", cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và giữa địa phương với DN trong việc tạo thuận lợi cho CN trở lại nhà máy. Nếu vấn đề này không được giải quyết rốt ráo, thị trường lao động sẽ đứt gãy.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-10

Kỳ tới: Vì việc làm, phúc lợi bền vững

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo