xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đột phá trong cải cách tiền lương, phúc lợi xã hội

Bài và ảnh: THANH NGA

Việc đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ thể hiện tinh thần dân chủ mà còn phát huy được trí tuệ, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại TP HCM với sự tham gia của cán bộ chủ chốt LĐLĐ các tỉnh, TP, Công đoàn ngành trung ương và tương đương khu vực miền Trung và Nam Bộ. Nhiều vấn đề lớn, thiết thân với người lao động (NLĐ) đã được đại biểu tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ; cải cách chính sách tiền lương, phúc lợi xã hội.

Nâng chất nguồn nhân lực

Làm thế nào để tạo đòn bẩy nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp NLĐ nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động là chủ đề được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội nghị.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, khẳng định thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đưa đất nước ta lên một vị thế chưa từng có, đội ngũ công nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp. Theo số liệu năm 2019 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cung cấp, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam là 13,1 - 5,1 - 2,6 và 2,2 lần.

Trong nhiều yếu tố đưa đến kết quả trên, ý thức, kỷ luật và kỹ năng lao động là quan trọng. Ngoài ra, khả năng thích ứng với những yêu cầu của tình hình mới, sự thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, việc làm, lao động và quan hệ lao động còn hạn chế. Từ thực tế này, ông Lâm cho rằng cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chính sách phù hợp cơ chế quản lý, phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đồng thời hỗ trợ hình thành và phát triển các mô hình khởi nghiệp, xây dựng lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, hợp tác đào tạo quốc tế.

Đột phá trong cải cách tiền lương, phúc lợi xã hội - Ảnh 1.

Ngoài tiền lương, người lao động cần được quan tâm về chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ

Theo nhiều đại biểu, cần thay đổi chính sách về đào tạo và đào tạo lại cho NLĐ. Bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ đã được quy định trong Luật Việc làm. Thế nhưng, đến nay chưa có doanh nghiệp (DN) nào gửi hồ sơ xin hỗ trợ từ nguồn kinh phí của bảo hiểm thất nghiệp do điều kiện tiếp cận quá khắt khe.

Ngoài ra, mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp quá thấp (1 triệu đồng/người/tháng) và tối đa không quá 6 tháng. NLĐ muốn học những ngành nghề kỹ thuật cao thì phải đóng thêm chi phí trong khi bản thân đang thất nghiệp. "Để đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của DN và giúp NLĐ sớm quay lại thị trường lao động, cần sửa đổi Luật Việc làm và các quy định liên quan đến dạy nghề phù hợp; gắn kết dạy nghề với thị trường lao động với sự tham gia của DN cũng như tăng mức hỗ trợ dạy nghề cho NLĐ" - bà Mai đề xuất.

Giảm xung đột trong quan hệ lao động

Cải cách tiền lương cũng là chủ đề được các đại biểu quan tâm góp ý. Theo các đại biểu, qua 5 lần cải cách, tiền lương đã cải thiện phần nào cuộc sống của NLĐ. Tuy nhiên, chính sách tiền lương vẫn bộc lộ nhiều bất cập và chỉ đáp ứng được 90% - 95% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Việc trả lương thấp, không tương xứng với công sức của NLĐ đã dẫn đến quan hệ lao động căng thẳng và đình công gia tăng, đặc biệt là ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ở nhiều địa phương, hơn 80% cuộc tranh chấp lao động tập thể chủ yếu về vấn đề tiền lương, tiền thưởng, ăn giữa ca…

Theo ông Nguyễn Đăng Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, chính sách tiền lương phải thể hiện giá trị sức lao động và bảo đảm công bằng xã hội, khắc phục phân hóa tầng lớp trong giai cấp công nhân nói riêng, trong nhân dân nói chung. Hiện nay, vấn đề trả lương trong hệ thống nhà nước còn bất hợp lý giữa các ngành, các lĩnh vực, mức chênh lệch thu nhập có khoảng cách lớn. Vì vậy, các văn kiện Đại hội XIII cần đề cập vấn đề này.

"Đối với khu vực tư nhân, nhà nước cần có chính sách quản lý và khuyến khích DN trả lương thích đáng cho NLĐ, không vì thu hút đầu tư, chính sách thuế mà xem nhẹ việc đãi ngộ tiền lương của NLĐ. Đối với khu vực công, nhà nước cần trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo phù hợp, lấy năng suất lao động là cơ sở để tăng lương" - ông Bảo kiến nghị.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự gần gũi, phản ánh tình hình thực tế, khát vọng của cả dân tộc, đề cập đến hệ thống chính sách phúc lợi xã hội, các chính sách liên quan đến NLĐ một cách căn bản và có tính đột phá.

Khái niệm tiền lương lần này khá toàn diện, vừa phản ánh thị trường sức lao động, kết quả sự phát triển nền kinh tế của đất nước, đồng thời đề cập đến sự quan tâm về mặt chính sách đối với NLĐ. Hy vọng với sự thay đổi ấy, cuộc sống NLĐ không chỉ được cải thiện mà khoảng cách về thu nhập giữa các lĩnh vực, tầng lớp trong xã hội sẽ được thu hẹp lại.

"Điều tôi tâm đắc nhất trong dự thảo văn kiện lần này là xác định động lực phát triển mới, lấy nền tảng là con người Việt Nam với 3 trụ cột chính: người Việt yêu nước, tài năng và khát vọng phát triển đất nước. Với hệ thống các giải pháp từ đào tạo, chăm sóc, tạo điều kiện để phát triển, chúng ta hy vọng nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò quyết định cho tương lai phát triển đất nước" - ông Trần Thanh Hải bày tỏ.

Ông PHẠM VĂN LINH, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương:

Thể hiện trách nhiệm, quyền làm chủ

Tôi đánh giá cao cách thức chỉ đạo, tổ chức của Tổng LĐLĐ Việt Nam để góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội của Đảng. Đại hội XIII của Đảng không chỉ đề ra các chủ trương, chính sách, chương trình hành động trong 5, 10 năm mà còn có tầm nhìn xa hơn. Do vậy, quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện của đại hội cần có sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong các lĩnh vực cụ thể. Việc đóng góp này không chỉ thể hiện sự dân chủ mà còn phát huy được trí tuệ, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân để đóng góp cho các văn kiện một cách tốt nhất, hoàn thiện nhất và phải mang hơi thở cuộc sống.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo