xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng để công nhân tự phát thương lượng tiền lương

Phạm Hồ

Tiền lương phải bảo đảm cho người lao động đủ sống. Nếu không đủ sống, họ phải yêu cầu thương lượng lại tiền lương...

Khi nhìn nhận lại vấn đề tranh chấp lao động từ đầu năm đến nay trên địa bàn TPHCM, các cơ quan chức năng đánh giá toàn bộ gần 140 cuộc ngừng việc tập thể xảy ra không theo trình tự của pháp luật. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) lại cho rằng công nhân (CN) đòi lợi ích nhưng không báo trước. Thế nhưng ít ai quan tâm có đến 100/140 cuộc ngừng việc vì lương quá thấp, lại bị chẻ nhỏ thành nhiều khoản để dễ cắt xén; tăng ca quá mức nhưng không được trả công đầy đủ; bữa ăn quá tệ, điều kiện làm việc quá kém; CN bị đối xử thô bạo...

“Không ai làm việc để kiệt sức và chết đói”

Tại các cuộc ngừng việc tập thể vừa qua, nhiều CN cho biết: “Chúng tôi đã làm hết sức mình mà vẫn không đủ sống. Thử hỏi, có ai muốn làm việc để kiệt sức và nhận đồng lương chết đói? Vì vậy, chúng tôi phải yêu cầu trả thêm tiền công. Thế nhưng công ty đã né tránh, không giải quyết, không thương lượng, buộc lòng chúng tôi phải tạo áp lực bằng cách ngừng việc”.

Từ đầu năm 2008, khi giá cả gia tăng vượt quá sức chịu đựng của CN, nhiều DN đã kịp thời chia sẻ bằng cách tiết giảm lợi nhuận; đưa ra các giải pháp để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành. Thế nhưng, không ít DN vẫn dửng dưng. Tại KCX Tân Thuận - TPHCM, CN của gần 20 DN đồng loạt ngừng việc yêu cầu tăng lương. Tại các quận, huyện khác như quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Củ Chi... ngừng việc xảy ra liên tục tại các công ty Woyang Vina, Kukjin, Hoa Son, Chính Nghĩa... cũng với yêu sách tăng lương, tăng phụ cấp...

DN biết rõ với tình hình trượt giá như hiện nay, tiền lương thực tế của CN đã giảm sút nghiêm trọng; thậm chí chỉ còn tương đương 50% so với 10 năm trước đây. Vấn đề đặt ra là tiền lương phải bảo đảm cho người lao động đủ sống. Nếu không đủ sống, họ phải yêu sách, đấu tranh. Một cán bộ công đoàn chuyên trách tại các KCX-KCN TP nhận định: Thực chất của các cuộc ngừng việc trên là do CN tự phát yêu cầu thương lượng lại tiền lương.

Tăng lương chiếu lệ: Tác dụng ngược

Ông Phạm Ngọc Đoàn, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp –TPHCM, cho biết: Tiền lương thấp là nguyên nhân chính của tranh chấp lao động nhưng nhiều DN không muốn giải quyết căn cơ vấn đề này. Cụ thể là sau các cuộc ngừng việc tập thể, nhiều DN tăng thu nhập cho người lao động. Điều này không giải quyết tận gốc tranh chấp nếu không nói là gây tác dụng ngược vì khiến CN nhận thức: Có ngừng việc mới được tăng lương!

Chẳng hạn, tại KCX Linh Trung – TPHCM, điểm nóng tranh chấp lao động trong thời gian qua, cứ sau các cuộc ngừng việc, nhiều DN lại tăng một ít thu nhập, nhưng chỉ tăng phụ cấp chứ không tăng lương. Điều này làm cho DN không phải mất thêm chi phí cho các chế độ khác. Cuộc khảo sát của LĐLĐ TPHCM tại 34 DN ở khu vực này cho thấy mức lương khởi điểm của người lao động chỉ khoảng 1,1 triệu – 1,2 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương tương đương mức lương tối thiểu này, DN chỉ trả thêm một khoản phụ cấp không đáng kể. Đơn cử như tại Công ty Charming, lương tháng chưa đến 1,2 triệu đồng/người, phụ cấp chuyên cần 45.000 đồng/tháng. Hoặc Công ty Latek trả lương 1,07 triệu đồng/tháng, phụ cấp thâm niên 50.000 đồng/tháng. Tại Công ty Domex - Lyntex, mức lương của CN khoảng 1,07 triệu đồng/tháng; mỗi tháng CN chỉ được phụ cấp chuyên cần 100.000 đồng, làm việc trên 2 năm được thêm phụ cấp thâm niên 20.000 đồng/tháng. Mức phụ cấp trên là phổ biến nhưng điều oái oăm là chỉ cần CN nghỉ một ngày trong tháng thì số tiền chuyên cần trên sẽ bị cắt.

Lương phải đủ để sống

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty An Phú APP (quận 12-TPHCM), cho rằng để có được đội ngũ CN lành nghề, gắn bó, DN phải trả lương tương xứng để họ đủ trang trải cuộc sống, có tích lũy. Tại công ty, sau 6 tháng, ban giám đốc sẽ họp với các tổ trưởng xem xét về việc nâng lương của từng bộ phận. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của người lao động tại công ty đã đạt khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Tại Công ty Nhựa Phát Thành (quận 11 - TPHCM), từ đầu năm 2008 đến nay, công ty đã điều chỉnh tiền lương 3 lần để CN có thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Ông Trung Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty Phát Thành, chia sẻ: Lãnh đạo công ty hiểu rõ giá cả thị trường, mức sống của CN nên việc điều chỉnh tiền lương luôn là quan tâm hàng đầu. Có như thế CN mới an tâm làm việc.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Công ty Tân Phú Cường - TPHCM:

CN có quyền “ra giá”...

Cần phải khẳng định: CN có quyền bán sức lao động, tay nghề của mình theo giá của từng thời điểm cụ thể. Chúng ta phải nhìn nhận các cuộc ngừng việc vừa qua là một cách mặc cả tiền công của sức lao động, tay nghề. Nếu DN tạo cơ chế thỏa thuận sòng phẳng thì không xảy ra việc CN tự phát đòi thương lượng lại tiền công.

Bà Nguyễn Hồng Hà, phụ trách Văn phòng giới chủ lao động - VCCI TPHCM:

Tạo cơ chế đối thoại

Tiền lương phải được điều tiết theo cơ chế thị trường. Cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần có thiện chí tìm tiếng nói chung để thỏa thuận về tiền lương. Trả lương tương xứng chính là lợi ích lâu dài của DN vì có được lực lượng lao động ổn định, có tay nghề tốt.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo