xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng để người lao động bị ép lương

Bài và ảnh: ĐÌNH VIÊN

Việc sửa đổi chính sách tiền lương tuyệt đối không nên cắt bỏ hay cắt giảm quyền lợi người lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế một số điều Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động. Trong đó đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 7, chương III theo 2 phương án. Phương án 1: Bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% và để "số bậc của thang, bảng lương do doanh nghiệp (DN) quyết định". Phương án 2: Giảm từ 5% còn 3%, tiến tới bỏ hẳn quy định này.

Tạo kẽ hở cho doanh nghiệp

Tham khảo dự thảo nội dung nghị định này, đại đa số cán bộ Công đoàn (CĐ) phản ứng quyết liệt. Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 49/2013/NĐ-CP đang thực thi ổn định, do vậy không nên đặt vấn đề sửa đổi trong thời điểm hiện nay. "Quy định bảo đảm khoảng cách giữa các bậc lương là 5% lâu nay được các DN thực hiện khá tốt thì hà cớ gì mà cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi? Tôi dám chắc nếu bỏ quy định này sẽ gặp phải phản ứng từ phía người lao động (NLĐ)" - ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), bày tỏ.

Đừng để người lao động bị ép lương - Ảnh 1.

Sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương phải chú ý bảo đảm quyền lợi của người lao động

Đồng tình với nhận định này, bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), chia sẻ: "Qua giám sát thực hiện chính sách tại đơn vị, tôi cho rằng quy định bảo đảm khoảng cách giữa các bậc lương trong Nghị định 49/2013/NĐ-CP là hoàn toàn hợp lý. Thực tế, đó chỉ là mức sàn nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và cũng là cơ sở để DN xây dựng thang, bảng lương phù hợp. Nếu làm ăn khá, chủ DN có thể tăng cao hơn mức này và điều đó càng có lợi cho NLĐ. Do vậy, tại sao cơ quan soạn thảo lại đặt ra vấn đề bỏ các quy định cứng đó đi?".

Theo ý kiến của nhiều cán bộ CĐ ở các DN có đông lao động tại TP HCM, các quy định trong Nghị định 49/2013/NĐ-CP chỉ là mức sàn để DN không được trả thấp hơn nhằm bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho NLĐ, do vậy nếu bỏ đi, NLĐ chắc chắn sẽ thiệt thòi. Theo nhiều cán bộ CĐ, đề xuất trên của ban soạn thảo nếu được thông qua không chỉ tạo kẽ hở cho DN o ép tiền lương NLĐ mà còn gây ra những mâu thuẫn không đáng có giữa DN và NLĐ. Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thu nhập trung bình của NLĐ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập tăng thêm của NLĐ ngoài lương cơ bản chủ yếu phụ thuộc tăng ca. Thu nhập của NLĐ còn thấp, lương tối thiểu (LTT) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Do đó rất cần bàn tay can thiệp của nhà nước. Nhà nước phải tham gia can thiệp, điều chỉnh quan hệ này để bảo đảm sự hài hòa, tiến bộ. Vì vậy, đặt ra vấn đề sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP ở thời điểm này là chưa hợp lý.

Cái gì ổn định thì nên giữ

Không chỉ có cán bộ CĐ, nhiều chuyên gia lao động và cả lãnh đạo DN, cũng bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất trên của cơ quan soạn thảo.

Theo các chuyên gia lao động, nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP đã góp phần hạn chế tình trạng o ép tiền lương của NLĐ. Thời gian qua, những quy định này cũng đã góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động tại các DN, đồng thời tạo động lực cho NLĐ cống hiến. "Chính sách tiền lương trước tiên phải bảo đảm được quyền lợi của NLĐ, do vậy khi đề xuất những vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền lợi số đông công nhân thì cơ quan soạn thảo phải hết sức cân nhắc" - ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Everwin (KCN Bình Chiểu; quận Thủ Đức, TP HCM), lưu ý. Tại Công ty TNHH Everwin, từ nhiều năm qua, nhờ DN tuân thủ khá tốt chính sách tiền lương, trong đó có việc bảo đảm khoảng cách giữa các bậc lương; khu biệt giữa lao động phổ thông và công nhân có tay nghề nên đời sống NLĐ ổn định, DN chưa từng xảy ra tranh chấp lao động.

Tại TP HCM, nền LTT quá thấp khiến đời sống NLĐ bị ảnh hưởng. Do vậy, ở những đợt điều chỉnh LTT vùng hằng năm, các DN đều tuân thủ tốt chính sách tiền lương, trong đó có việc bảo đảm khoảng cách giữa các bậc lương cho NLĐ. Nhiều DN trong quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với CĐ cơ sở còn nâng lên 7%-10% nhằm tạo động lực làm việc lâu dài cho NLĐ. Theo ý kiến của nhiều DN, chính sách tiền lương về lâu dài vẫn cần phải có sự tham gia can thiệp của nhà nước, không nên giao hẳn quyền chủ động cho DN. Mục tiêu khi hoàn thiện chính sách tiền lương là phải bảo đảm đời sống lâu dài cho NLĐ. "Vài phần trăm tiền lương có ý nghĩa đặc biệt đối với NLĐ, nhất là trong bối cảnh LTT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của họ. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa trước tiên là phải bảo đảm được quyền lợi của NLĐ. Nếu DN thực hiện tốt quy định của nhà nước thì không nhất thiết phải sửa đổi" - ông Hà Kiến Hùng, Giám đốc Công ty Kiến Hùng (huyện Bình Chánh, TP HCM), góp ý. 

Ông NGỌ DUY HIỂU, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Không nên cắt giảm quyền lợi NLĐ

Không có tiến bộ nào lại có thể ra đời trên sự bất ổn, sự tiến bộ chỉ ra đời khi quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Nghị định 49/2013/NĐ-CP chỉ có thể sửa đổi cách thức để bảo đảm linh hoạt cho chủ sử dụng lao động, tuyệt đối không cắt bỏ hay cắt giảm theo 2 phương án như dự thảo vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Sửa nghị định không được tạo cơ hội cho các DN ép lương NLĐ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo