xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giúp công nhân trút gánh lo

MAI CHI - HỒNG ĐÀO

Nhiều doanh nghiệp chủ động cải thiện tiền lương để hỗ trợ người lao động vượt khó trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và giá cả thị trường biến động bất lợi

Đầu năm 2022, 1.300 công nhân (CN) Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) được tăng lương từ 1% đến 8%, tùy vị trí công việc. Cùng với đó, các khoản phụ cấp về nhà ở (400.000 đồng/người/tháng), xăng xe (200.000 - 300.000 đồng/người/tháng), hỗ trợ nuôi con nhỏ (200.000 đồng/cháu/tháng)… tiếp tục được công ty duy trì đã góp phần cải thiện cuộc sống cho người lao động (NLĐ).

Tăng lương, phụ cấp kịp thời

Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam, cho biết 2 năm qua, do nhà nước không điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng nên đời sống CN rất khó khăn. Đồng cảm với NLĐ, Công đoàn cơ sở đã thuyết phục ban giám đốc công ty tăng lương và được chấp thuận. Việc tăng lương không chỉ ổn định đời sống CN mà còn giúp doanh nghiệp (DN) ổn định nguồn nhân lực trong bối cảnh khan hiếm lao động như hiện nay.

Giúp công nhân trút gánh lo - Ảnh 1.

Công nhân làm việc giản đơn tại Công ty TNHH May mặc Song Ngọc được tăng lương 350.000 đồng/người/tháng. Ảnh: CAO HƯỜNG

Cũng chịu tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19 nhưng từ đầu năm 2022, Công ty TNHH Sài Gòn Precision (KCX Linh Trung I và II, TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn tăng lương cho CN với mức 150.000 đồng/người. Ngoài ra, NLĐ còn được hưởng nhiều khoản phụ cấp như tiền nhà (150.000 đồng/tháng), tiền xăng (100.000 đồng/tháng), nuôi con nhỏ (300.000 đồng/tháng)… Bên cạnh đó, công ty đang thực hiện thí điểm tăng 8% lương và phụ cấp (2 triệu đồng/tháng) cho CN trực tiếp sản xuất để bảo đảm thu nhập cho NLĐ khi bị giảm thời gian tăng ca.

"Trước đây, công ty tổ chức làm 2 ca (ngày và đêm), bình quân mỗi ngày NLĐ làm việc hơn 10 giờ/ca. Nay để phù hợp với quy định mới về giờ làm thêm, công ty chỉ bố trí CN tăng ca 1 giờ/ngày, không quá 25 giờ/tuần và 300 giờ/năm. Việc nâng lương cộng với các phụ cấp sẽ bảo đảm thu nhập của CN mới vào đạt tối thiểu 10 triệu đồng/tháng. Trong tháng 2, công ty đã tăng lương, phụ cấp cho 300 CN và dự kiến đến tháng 4, toàn bộ NLĐ đều được điều chỉnh. Việc điều chỉnh này bảo đảm thu nhập của NLĐ không bị giảm nhưng thời gian làm việc ít đi, họ có thời gian nghỉ ngơi và chăm lo cho gia đình" - ông Huỳnh Tấn Diệp, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho hay.

Chia sẻ khó khăn với công nhân

Hai năm qua, LTT vùng không tăng trong khi chi phí sinh hoạt và giá cả các mặt hàng tăng cao khiến đời sống CN vốn đã khó càng thêm khó.

Bà Nguyễn Thị Lĩnh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP HCM), cho biết khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao và duy trì đến nay. Trước đây, 1 miếng đậu hũ giá 2.500 đồng thì nay lên 4.000 đồng; 1 chai dầu ăn mua hôm trước thì hôm sau đã tăng thêm 6.000 đồng...

Trước nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai NLĐ, khi Công đoàn đề xuất, Ban Giám đốc Công ty TNHH Wooyang Vina II đã chấp thuận tăng lương cho họ từ tháng 3-2022. Trong đó, lương cơ bản tăng 350.000 đồng/người, phụ cấp 150.000 đồng/người. Sau khi điều chỉnh, mức lương cơ bản thấp nhất của CN đạt hơn 5,3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lương, NLĐ còn hưởng thêm các khoản phụ cấp từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, dù đối mặt nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH Sambu Vina Sports (huyện Hóc Môn, TP HCM) cũng đã tăng lương cho NLĐ với mức 300.000 đồng/người/tháng. CN Lê Thị Hoa nhìn nhận: "Tuy mức tăng không cao nhưng cùng với việc duy trì các khoản phụ cấp như chuyên cần, xăng xe, nhà trọ, chức vụ khoảng 570.000 đồng/tháng, DN đã thể hiện sự sẻ chia đối với chúng tôi trong giai đoạn khó khăn này".

Tại Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), CN thâm niên có thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng. Song, khoảng 25% CN mới, làm công việc giản đơn (thợ phụ) được trả lương khởi điểm khá thấp, bằng mức LTT vùng. Công ty đã thực hiện điều chỉnh lương hằng năm theo quy định về LTT vùng của nhà nước, đồng nghĩa với việc 2 năm qua, đối tượng này cũng không được tăng lương. Để cải thiện thu nhập cho NLĐ, vừa qua, Công đoàn cơ sở đã đề xuất ban giám đốc công ty tăng lương cho đối tượng này. Kết quả, từ tháng 3-2022, CN được tăng thêm 350.000 đồng/người.

Song song đó, Công đoàn đã cùng công ty xây dựng các giải pháp hợp lý hóa dây chuyền sản xuất nhằm tăng năng suất lao động. Do CN hưởng lương sản phẩm nên khi năng suất lao động tăng, thu nhập của NLĐ cũng cải thiện đáng kể. Nếu tính luôn cả thời gian tăng ca, thu nhập của NLĐ có thể đạt 11-12 triệu đồng/tháng. 

Cần sớm điều chỉnh lương tối thiểu vùng

"Hiện nay, nhiều DN trả lương bằng mức LTT vùng và dựa vào Nghị định điều chỉnh LTT vùng hằng năm của Chính phủ để điều chỉnh lương cho NLĐ. Do vậy, lương của NLĐ còn rất thấp, không thể đáp ứng mức sống tối thiểu, kể cả khi DN có điều chỉnh lương thì cũng không theo kịp vật giá leo thang như hiện nay. Cùng với việc chủ động tăng lương của DN, Chính phủ cần sớm điều chỉnh mức LTT vùng, đồng thời có giải pháp khả thi nhằm kìm giá các mặt hàng thiết yếu để NLĐ bớt khó khăn" - bà Nguyễn Thị Lĩnh mong mỏi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo