xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàn Quốc tăng hạn ngạch lao động

Bài và ảnh: GIANG NAM

Thiếu hụt lao động trong nhiều lĩnh vực, Hàn Quốc đang nỗ lực thu hút lao động nước ngoài bằng những chính sách mới

Năm 2022, tổng số lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc là 9.968 người, gấp 10 lần so với năm 2021 (1.036 lao động). Đây được xem là thị trường truyền thống với thời gian làm việc dài, nhiều ngành nghề phù hợp và thu nhập cao. Các chuyên gia dự báo trong năm 2023, Hàn Quốc sẽ là điểm đến được nhiều người lao động (NLĐ) Việt Nam lựa chọn.

Rút ngắn thời gian cấp visa

Tháng 8-2022, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng hạn ngạch lao động nước ngoài trong 5 ngành công nghiệp nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang trở nên trầm trọng, gồm: nông nghiệp, sản xuất cơ bản, lương thực, vận tải và đóng tàu đang đối mặt tình trạng thiếu lao động nhiều nhất.

Hiệp hội đóng tàu và hàng hải Hàn Quốc (KOSHIPA) cho biết tình hình đơn hàng đóng tàu được cải thiện nên ngành đóng tàu trong nước đang thiếu hơn 14.000 nhân lực trong năm 2023. Trong năm 2022, KOSHIPA tiến cử hơn 1.600 người nước ngoài vào các vị trí công việc như: thợ hàn, thợ sơn, thợ điện và kỹ sư nhà máy cho ngành đóng tàu nhưng tính đến ngày 12-12-2022, mới có 412 người được cấp thị thực. Để đẩy nhanh quy trình cấp visa cho lao động nước ngoài, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã phái cử 20 người là nhân viên hỗ trợ thẩm định đặc biệt về thị thực cho lao động ở ngành đóng tàu tới các thành phố Busan, Ulsan, Changwon và Geoje (tỉnh Nam Gyeongsang), Mokpo (tỉnh Nam Jeolla).

Những du học sinh người nước ngoài tốt nghiệp chuyên ngành liên quan tới đóng tàu tại các trường đại học ở Hàn Quốc sẽ được miễn giấy xác minh năng lực thực tế khi xin cấp visa (E-7-3). Hạn ngạch cấp visa lao động tay nghề cao (E-7-4) cũng được nâng từ 2.000 người lên 5.000 người, trong đó lĩnh vực đóng tàu được chỉ tiêu là 400 người. Ngày 6-1, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định rút ngắn thời gian tiến hành thủ tục hành chính trong nước để nhanh chóng bảo đảm nguồn lao động người nước ngoài cho ngành đóng tàu trước tình trạng thiếu nhân lực. Theo quy định mới, thời gian từ lúc thẩm định cho tới khi được cấp visa sẽ được rút ngắn từ 5 tuần còn trong vòng 10 ngày.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco (quận Tân Bình, TP HCM), không chỉ ngành đóng tàu, rất nhiều ngành nghề đang thiếu lao động tại Hàn Quốc, từ nông nghiệp, ngư nghiệp cho đến sản xuất, chế tạo và cả dịch vụ. Với hàng loạt chính sách thu hút lao động nước ngoài mà chính phủ Hàn Quốc triển khai trong thời gian gần đây cho thấy cánh cửa đã mở rộng với NLĐ Việt Nam tại xứ sở kim chi.

Trong các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống thì Hàn Quốc là nơi có mức thu nhập cao hơn cả. "Đó cũng là lý do mà NLĐ lựa chọn thị trường này ngày một nhiều sau thời gian bị hạn chế vì tỉ lệ lao động bất hợp pháp cao. Năm nay, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước hai bên, NLĐ sẽ có nhiều cơ hội sang Hàn Quốc làm việc" - ông Trung nói.

Hàn Quốc tăng hạn ngạch lao động - Ảnh 1.

Đóng tàu là ngành công nghiệp rất quan trọng tại Hàn Quốc đang rất thiếu lao động

Mở rộng ngành nghề mới

Cuối năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thông qua kế hoạch tuyển dụng thêm 26.788 lao động thời vụ người nước ngoài trong nửa đầu năm 2023. Người nước ngoài làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong thời hạn 3 tháng hoặc 5 tháng sẽ được cấp visa C-4 hoặc E-8 với công việc chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản nông sản… Đợt tuyển dụng này, Hàn Quốc không yêu cầu về trình độ, bằng cấp. Thu nhập của lao động từ 40 - 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, kế hoạch cũng lưu ý từ năm 2023, những quốc gia có tỉ lệ lao động thời vụ bỏ trốn cao sẽ bị hạn chế tuyển dụng trong 3 năm. Riêng một số nước bị hạn chế tuyển dụng 1 năm.

Trước đó, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc có phương án sửa đổi chế độ cấp phép tuyển dụng đối với lao động nước ngoài. Theo đó, Hàn Quốc sẽ áp dụng đặc cách có điều kiện để thời gian cư trú của lao động người nước ngoài kéo dài từ 4 năm 10 tháng như hiện nay lên thành 10 năm. Đây là nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này bảo đảm nguồn lực lao động, giảm tác động tới thị trường lao động, kịp thời bổ sung nguồn nhân lực lành nghề tham gia hoạt động sản xuất.

Trong buổi tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam trong thời gian tới, mở rộng các ngành nghề tiếp nhận mới mà Hàn Quốc đang có nhu cầu như lao động kỹ thuật lành nghề, điều dưỡng, công nghệ thông tin...

Bộ trưởng mong muốn hai bên tăng cường trao đổi thông tin NLĐ Việt Nam cư trú làm việc tại Hàn Quốc để phối hợp quản lý nhằm giảm tỉ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị ngoài tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý NLĐ nước ngoài làm việc bất hợp pháp, Hàn Quốc cần xử phạt đối với các DN tiếp nhận, sử dụng NLĐ bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết cục đang đẩy mạnh thực hiện chương trình hợp tác đưa lao động kỹ thuật (E-7) sang Hàn Quốc làm việc bởi đây là cơ hội có việc làm tốt, thu nhập cao cho NLĐ, cũng là định hướng phái cử lao động trong thời gian tới.

"Trong hợp tác phái cử và tiếp nhận lao động, Hàn Quốc và Việt Nam có sự làm việc chặt chẽ, tìm cách giải quyết vấn đề tồn đọng trên quan điểm tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ. Bảo đảm các quyền lợi của NLĐ và tuân thủ đúng quy định pháp luật của hai nước. Đặc biệt, xử lý nghiêm trường hợp những tổ chức, cá nhân lợi dụng thu các khoản phí của NLĐ trái với quy định của pháp luật" - ông Liêm nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo