xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hết sức là công nhân về vườn

NHÓM PHÓNG VIÊN

Với nhiều công nhân, tìm kế sinh nhai sau khi mất việc ở độ tuổi trung niên là một bài toán không đơn giản khi tuổi tác và sức khỏe là một bất lợi lớn

Kết quả điều tra của Viện Công nhân (CN) - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) về thu nhập, đời sống của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) cho thấy, bình quân độ tuổi của NLĐ trong các DN chỉ 31,2 tuổi. Trong đó, độ tuổi lao động trong ngành điện - điện tử là 26,9 tuổi; dệt may - giày da 29,5; chế biến - chế tạo 30,9… Đáng lưu ý là thời gian làm việc bình quân tại một DN của NLĐ chỉ 6,7 năm. Vấn đề đặt ra ở đây là số lao động trung niên chưa đến tuổi nghỉ hưởng BHXH sẽ đi đâu, làm gì khi cơ hội tìm việc làm đóng sập trước mắt?

Bươn chải đủ kiểu

Bà Lương Huệ Cam và hai chị em khác trong gia đình cùng làm việc cho Công ty CP Giày Sài Gòn (quận 10, TP HCM). Gia đình bà có nhiều thế hệ cùng làm CN cho công ty từ hơn nửa thế kỷ qua.

Năm 2008, một người em của bà Cam sinh con, nghỉ việc và đi buôn bán bên ngoài. Đến năm 2015, Công ty CP Giày Sài Gòn ngừng hoạt động, bà Cam cùng người em còn lại rơi vào cảnh mất việc. Cả gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, 10 người cả lớn nhỏ đều sống trong căn nhà cấp 4 chỉ rộng hơn 70 m2 nên sinh hoạt rất khó khăn. So với các em, bà Cam đỡ nhọc hơn vì khi mất việc vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu dù không nhiều và không vướng bận con cái. Tuy nhiên, người em còn lại, mất việc khi mới hơn 35 tuổi lại có con nhỏ đang đi học nên khó khăn hơn. May mắn chị tìm được công việc tạp vụ ở một trường học nhưng thu nhập bấp bênh, nhất là những tháng hè khi học sinh nghỉ học.

Hết sức là công nhân về vườn - Ảnh 1.

Mất việc, bà Lương Huệ Cam chỉ có thể làm công việc lặt vặt phụ giúp em gái Ảnh: BẠCH ĐẰNG

Cả nhà 10 người thì có 6 đứa trẻ đang đi học, 4 người lớn tất bật xoay xở đủ kiểu. Bà Cam tranh thủ thời gian buôn bán vặt và giúp người em còn lại mưu sinh bằng việc bán đồ ăn sáng vỉa hè cho sinh viên một trường học gần nhà. Từ chiều hôm trước, bà đã phải ra chợ mua thực phẩm. Ba giờ sáng hôm sau đã phải thức dậy lo nấu ăn, chế biến, tới sáng thì dọn hàng ra bán. "Ra đường buôn bán cũng không đến nỗi khổ hơn hồi làm CN nhưng thu nhập phập phù vì mình buôn bán nhỏ, chỉ đủ sống. Gặp lúc sinh viên nghỉ hè hay mưa gió là coi như lỗ. Nhiều anh, chị em CN lớn tuổi khác như tôi cũng sống hết sức chật vật bởi xin việc không nơi nào nhận. Giờ ai may mắn lắm thì kiếm được chân tạp vụ ở trường hoặc phụ bếp ở các quán xá" - bà Cam thở dài.

Chông chênh việc làm

Trong bối cảnh các DN chỉ ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ dưới 35 tuổi, nhiều lao động phổ thông trung niên khi mất việc buộc phải chuyển sang làm những công việc phi chính thức hoặc làm việc cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo diện công nhật mà không có hợp đồng lao động hay chế độ BHXH.

Chị Phạm Thị Bích Liên (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) làm CN cho Công ty Dệt Sài Gòn Joubo TNHH (quận 8, TP HCM) hơn 20 năm. Là công ty liên doanh giữa công ty trong nước và đối tác nước ngoài, năm 2017 công ty hết hạn hoạt động và các bên góp vốn cũng không gia hạn thêm thời hạn nên tiến hành giải thể. Hơn một năm qua, do công ty ngừng sản xuất, chị Liên và gần 200 đồng nghiệp khác rơi vào cảnh mất việc làm. Thời gian đầu, chị nhận trông con cho hàng xóm để kiếm đồng vô đồng ra. Sau đó, theo giới thiệu của bạn bè, chị tìm được việc mới cùng ngành nghề nhưng được vài hôm cũng nghỉ vì không kham nổi. Do công ty mới nằm quá xa nơi ở khiến việc đi lại hết sức khó khăn, song đó chưa phải là trở ngại chính của người nữ CN đã ngoài 40.

Hết sức là công nhân về vườn - Ảnh 2.

Lao động lớn tuổi tại tìm việc tại một sàn giao dịch việc làm Ảnh: GIANG NAM

Chị Liên cho biết ở công ty cũ, công đoạn sản xuất của chị có 3 người, trong đó một đầu việc có CN nam hỗ trợ vì khiên vác nặng. Trong khi đó, ở công ty mới toàn bộ công đoạn này chỉ có chị đứng máy, đặc biệt hơn, công ty mới có nhiều robot tự động khiến công việc cứ chạy liên tục không ngừng. Chịu không nổi, chị chỉ cố gắng trụ thêm được 2 tháng rồi cũng nghỉ việc. "Công ty cũ chỉ có 2 robot thì sang đây có 4 robot, lại không có CN nam hỗ trợ nên tôi cứ phải tất bật lên xuống từ đầu đến cuối, không ngơi được. Lơi tay một tí là có vấn đề vì không theo kịp tốc độ của robot. Vậy nên dù công ty mới muốn giữ ở lại nhưng tôi cũng đành xin nghỉ" - chị Liên tâm sự. Hoàn cảnh gần 60 đồng nghiệp khác của chị Liên cũng chẳng khá hơn. Do tuổi cao nên họ chỉ được các cơ sở gia công hoặc các DN có quy mô sản xuất nhỏ nhận làm thời vụ. Ngoài lương, họ không được hưởng bất kỳ chế độ nào.

Khi Công ty TNHH Giày da Central Supply (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) giải thể bộ phận sản xuất vào đầu tháng 6-2018, chị Nguyễn Thị Thắm (36 tuổi; ngụ quận 6, TP HCM) và 50 nữ CN khác bị mất việc. Sau khi mất việc, cả nhóm chị Thắm về làm cho một hộ gia công tại địa phương. Nếu như chỗ làm cũ, chị Thắm được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội thì ở nơi làm việc mới, họ chỉ được trả lương. Là lao động có tay nghề và có thể may hoàn chỉnh một đôi giày nên chị Thắm được chủ mới trả lương cao. Tuy nhiên, đồng nghiệp của chị lại không được như vậy. Ở chỗ mới, họ phải làm 9 giờ/ngày nhưng thu nhập cao nhất chỉ khoảng 6 triệu đồng, chẳng có bất cứ loại bảo hiểm hay khoảng thưởng nào đi kèm. "CN phổ thông, nhất là những người lớn tuổi khi mất việc phải chịu thiệt thòi đủ thứ. Lâu nay, do sản xuất theo công đoạn nên không ai có thể làm hoàn chỉnh một sản phẩm và điều này càng khiến họ khó thỏa thuận tiền lương với ông chủ. Thực tình tôi không biết họ sẽ về đâu khi sức cùng lực kiệt?" - chị Thắm chia sẻ. 

Chấp nhận đánh đổi

BHXH Việt Nam ngày 31-7 cho biết 7 tháng đầu năm 2018 toàn ngành đã giải quyết gần 457.000 hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH 1 lần, trong đó riêng tháng 7 có 80.469 người. Thống kê cho thấy gần đây, bình quân mỗi năm, có khoảng 700.000 người làm thủ tục nhận trợ cấp hưởng BHXH một lần.

Qua khảo sát của Viện CN - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), đa số NLĐ xin nghỉ việc và nhận trợ cấp BHXH một lần ở độ tuổi từ 35-40, chủ yếu làm việc tại các DN thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên nhân khiến lao động nhận BHXH thất nghiệp gia tăng do bị mất việc, trong đó có nhiều người phải nghỉ việc ở độ tuổi 35-40 tuổi. "Tình trạng NLĐ trong độ tuổi từ 35-40 tuổi bị sa thải, hoặc bất đắc dĩ "phải chọn" nghỉ việc ở độ tuổi 35-40 vì không thể đảm đương tiếp được công việc trong điều kiện sức khỏe không thể đáp ứng rất đáng quan ngại" - ông Quảng bày tỏ.

N.DUNG

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 31-7

Kỳ tới: Đừng vì cái lợi trước mắt

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo