xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khó quản lý lao động trẻ em

HƯƠNG HUYỀN

Cần thay đổi nhận thức của người dân và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn ngừa tình trạng lao động trẻ em tại TP HCM

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP HCM là địa phương thu hút lao động nhập cư từ các tỉnh, TP đến sinh sống và làm việc, trong đó có lao động trẻ em (LĐTE). Theo Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), TP có hơn 80.000 trẻ em tham gia hoạt động kinh tế và hơn 50% trong số đó là LĐTE (lao động trái quy định pháp luật). Hiện tình trạng LĐTE từ các tỉnh đổ về TP vẫn diễn biến khá phức tạp, hình thành các đường dây môi giới và gây nguy cơ cao trẻ em bị xâm hại.

Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em nghèo

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Nông, cho biết những năm trước ở tỉnh chưa xảy ra trường hợp trẻ em nào lao động trái quy định pháp luật. Thế nhưng, từ đầu năm 2018 đã có một số đối tượng từ TP HCM đến 2 xã Quảng Phú và Nâm N’Đir (huyện Krông Nô) dụ dỗ, đưa 54 em xuống TP HCM làm việc.

Các em này có độ tuổi từ 12-16, chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ thấp (học cao nhất là lớp 5, có em không biết chữ). Các đối tượng dụ dỗ được chủ cơ sở trả 1 triệu đồng tiền công/em. Theo điều tra của cơ quan công an, để lôi kéo các em, các đối tượng hứa hẹn sẽ bố trí cho các em làm việc tại những cơ sở may mặc, giày da tại TP HCM với mức lương từ 18-20 triệu đồng/năm (bao ăn, ở). Hứa hẹn là vậy nhưng thực tế các em bị chủ sử dụng lao động ép làm việc quá sức. Mỗi ngày, có khi các em phải làm việc 3 ca từ 7 giờ đến 23 giờ, chỗ ngủ được bố trí tại kho hàng và không được phép ra ngoài. "Sau khi xác minh thông tin, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các gia đình đưa các em trở về. Kết quả, có 30/35 em ở xã Nâm N’Đir đã trở về với gia đình. Tuy nhiên, sau đó một số em lại quay lại TP làm việc. Hiện tại, xã này vẫn còn 22 em đang làm việc tại TP HCM" - bà Hương cho biết.

Tại tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, cho biết từ đầu năm 2015, tại các buôn, thôn ở các xã có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Lắk, Ea Kar, Krông Pắk, Krông Bông, Cư Kuin xuất hiện một số người đến dụ dỗ các hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, có con em từ 13-16 tuổi đã bỏ học đi làm việc tại các xưởng may, sản xuất bao bì nhựa tái chế, xưởng cơ khí ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… với mức tiền công thỏa thuận miệng là 15-20 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, đã có 161 em bị dụ dỗ đưa đi làm việc. Qua vận động người dân và tiến hành nhiều giải pháp như: miễn giảm học phí, cấp học bổng nhằm khuyến khích các em đi học trở lại; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh; trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất… đã có 61 em trở về địa phương. Thế nhưng, tình trạng trẻ em rời địa phương đến TP HCM làm việc vẫn tái diễn. Hiện vẫn còn 144 LĐTE đang làm việc tại TP HCM.

Khó quản lý lao động trẻ em - Ảnh 1.

Lao động trẻ em đang làm việc tại cơ sở sửa chữa xe máy tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khó xử lý sai phạm

Là nơi tiếp nhận LĐTE từ các địa phương, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở LĐ-TB-XH TP HCM, thừa nhận công tác quản lý, bảo vệ LĐTE tại TP gặp rất nhiều khó khăn.

Lý giải nguyên nhân, bà Thanh cho biết do các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP đa dạng, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động nên rất khó quản lý. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về trẻ em chưa được tích hợp, kết nối giữa các ngành, các cấp tại TP và cả nước nên càng khó quản lý việc dịch chuyển của trẻ em. Năm 2017, Sở LĐ-TB-XH TP đã thanh - kiểm tra đột xuất tại 33 cơ sở có nghi vấn sử dụng LĐTE theo tố giác của người dân. Tuy nhiên, kết quả không phát hiện có LĐTE hoặc chủ cơ sở chứng minh được trẻ là con, em, họ hàng vào cơ sở để học nghề và có cam kết của cha mẹ. "Nếu không có sự điều tiết, phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nhân hộ khẩu giữa các tỉnh, TP, giữa các quận, huyện trong TP thì việc giải quyết tận gốc rễ LĐTE là một thách thức lớn đối với TP HCM" - bà Thanh nhìn nhận.

Tại hội thảo về giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE trên địa bàn TP HCM mới đây, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, nhận định TP HCM có hệ thống bảo vệ trẻ em tốt nhất cả nước nhưng do lượng dân nhập cư đông nên vấn đề trẻ em nhập cư, LĐTE vẫn khó kiểm soát. Thời gian qua, các cơ quan chức năng TP còn lúng túng trong việc can thiệp, giải quyết tình trạng LĐTE; cơ chế phối hợp giữa TP và các địa phương có nhiều trẻ em đến TP chưa rõ ràng. Để ngăn ngừa và giảm thiểu LĐTE tại TP HCM, theo ông Nam, ngoài nâng cao nhận thức cho cấp lãnh đạo, quản lý địa phương và chủ sử dụng lao động về những tác hại của LĐTE, TP cần cung cấp các dịch vụ phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ; sử dụng tối đa các công cụ, nguồn lực để xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em một cách bền vững.

Hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nghèo

Để ngăn ngừa tình trạng LĐTE, theo ông Nam, cần nâng cao năng lực quản lý, điều phối, phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các địa phương nhằm kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh. "Các địa phương cần có biện pháp hỗ trợ sinh kế nhằm cải thiện điều kiện kinh tế, tạo việc làm bền vững cho các gia đình khó khăn. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ sử dụng LĐTE thực hiện các hoạt động phòng ngừa LĐTE và cung cấp các cơ hội việc làm bền vững cho các em từ 14-17 tuổi" - ông Nam nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo