xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh phí Công đoàn chủ yếu để chăm lo người lao động

VĂN DUẨN

Nguồn thu kinh phí Công đoàn 2% cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức Công đoàn có nguồn lực đủ mạnh, bảo vệ, chăm lo tốt hơn cho đoàn viên - lao động

Sáng 26-6, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách - pháp luật và các chuyên gia về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (CĐ). Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách - pháp luật của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì.

Tham dự hội nghị có các nguyên chủ tịch, nguyên phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI; các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, các bộ, ban ngành, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách - pháp luật của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Vì sao có khoản thu 2%?

Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định việc thu kinh phí CĐ 2% trên quỹ tiền lương mang tính lịch sử. Xuất phát từ quan điểm giai cấp công nhân (CN) là giai cấp lãnh đạo cách mạng, mà CĐ là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp CN và của người lao động (NLĐ), CĐ có nghĩa vụ và trách nhiệm phải xây dựng giai cấp CN vững mạnh, nên tổ chức CĐ phải có nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này.

Do đó, sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108 - SL ngày 5-11-1957 ban hành Luật CĐ, trong đó đã quy định rõ tại khoản c, điều 21: "Tiền trích hằng tháng trong quỹ của xí nghiệp nhà nước, cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh dành cho CĐ bằng một tỉ lệ nhất định của tổng số lương cấp phát cho toàn thể CN, viên chức" và được cụ thể hóa vào Nghị định số 188-TTg ngày 9-4-1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành. Trong đó, điều 19 quy định: "kinh phí CĐ bằng hai phần trăm (2%) tổng số tiền lương cấp phát trong tháng cho toàn thể CN, viên chức, không phân biệt trong hay ngoài biên chế".

Kinh phí Công đoàn chủ yếu để chăm lo người lao động - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho công nhân Công ty CP Giày da Huê Phong Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, quan điểm của Đảng về thu kinh phí CĐ nhất quán từ trước đến nay, đặc biệt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ghi rõ: "Việc thu kinh phí CĐ tại doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế thực hiện theo quy định của Luật CĐ và của Chính phủ; sử dụng cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, sinh hoạt văn hóa, thi đua, khen thưởng, phúc lợi xã hội và các hoạt động khác của CN tại chính DN đó, kể cả việc trả lương hoặc phụ cấp lương cho cán bộ CĐ tại DN.

Theo thông lệ quốc tế và truyền thống của tổ chức CĐ Việt Nam cũng như tổ chức CĐ các nước XHCN, tài chính CĐ do tổ chức CĐ tự quyết định, Chính phủ các nước trên thế giới không can thiệp vào tài chính CĐ, kể cả các nước có trích kinh phí CĐ 2%.

Bên cạnh đó, từ ngày thành lập đến nay, cũng như sau khi có Luật CĐ 1957, Luật CĐ 1990, Luật CĐ 2012, CĐ Việt Nam hoàn toàn tự quyết định nguồn tài chính CĐ, trong đó có cả kinh phí CĐ 2% mà các đơn vị DN trích cho tổ chức CĐ, Chính phủ hoàn toàn không can thiệp vào quyền quyết định tài chính CĐ. Vì vậy ông Đặng Ngọc Tùng cũng kiến nghị CĐ không nên khước từ quyền quyết định của mình về tài chính CĐ và không nên trao quyền đó lại cho Chính phủ như trong dự thảo luật.

Đồng quan điểm, ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cũng đề nghị giữ nguyên quy định tại điều 26, chỉ bổ sung thêm: Tỉ lệ kinh phí 2% để lại cho CĐ cơ sở bằng với tỉ lệ kinh phí để lại cho tổ chức của NLĐ tại cơ sở. Đối với DN có từ 2 tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở trở lên thì chia theo tỉ lệ số NLĐ tham gia của mỗi tổ chức.

"Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI đã quyết định tỉ lệ kinh phí 2% để lại cho CĐ cơ sở theo lộ trình mỗi năm tăng 1% và tối đa là 75%. Vì vậy, tôi đề nghị nên giữ lại quy định này và có thể đưa vào luật để Quốc hội thấy rằng kinh phí CĐ chủ yếu để lại cho cơ sở chăm lo cho đoàn viên và NLĐ" - ông Chính nói.

Trên 70% chi cho Công đoàn cơ sở

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật CĐ 2012, tổng thu tài chính CĐ trong 7 năm (từ năm 2013-2019) là 100.353 tỉ đồng, trong đó đoàn phí CĐ là 25.250 tỉ đồng, chiếm 25,1% tổng số thu; kinh phí CĐ là 62.825 tỉ đồng, chiếm 62,6% tổng số thu; ngân sách nhà nước hỗ trợ 332 tỉ đồng và các khoản thu khác là 11.946 tỉ đồng, chiếm 12,3% tổng số thu. Từ năm 2013-2019, tổng số chi tại các cấp CĐ là 76.955 tỉ đồng.

Trong đó, số chi tập trung nhiều nhất tại cấp CĐ cơ sở là 56.336 tỉ đồng, chiếm 73,2% tổng chi; số chi tại cấp quận, huyện và đơn vị sự nghiệp là 11.649 tỉ đồng, chiếm 15,1% tổng chi; số chi tại cấp tỉnh, ngành 8.395 tỉ đồng, chiếm 10,9% tổng chi; số chi tại cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam 575 tỉ đồng, chiếm 0,8% tổng chi. "Như vậy sau khi có Luật CĐ 2012, đã điều chỉnh giảm tỉ trọng chi tại các cấp trên để tập trung nguồn kinh phí cho cấp CĐ cơ sở sử dụng nhằm mục tiêu chi chăm lo, bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, NLĐ" - báo cáo nêu rõ.

Về nội dung chi tại các cấp CĐ trong giai đoạn 2013-2019 như sau: Tại cấp Tổng Liên đoàn, chi cho hoạt động chiếm 36,3%; chi lương, phụ cấp chiếm 30,1%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản cố định 13,3%; chi quản lý hành chính 20,3%. Tại cấp CĐ cơ sở, chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ với tỉ trọng chi là 81,5%; chi lương, phụ cấp chiếm 13,1%; chi quản lý hành chính chỉ chiếm 5,2%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản cố định chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ 0,2%.

Nội dung chi hoạt động tại các CĐ cấp trên trực tiếp trở lên cũng chủ yếu là cho các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên và NLĐ tại CĐ cơ sở. Bên cạnh đó, tại các DN chưa thành lập CĐ cơ sở, NLĐ vẫn được sự quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền lợi. Từ năm 2013-2019, tổng số chi tại nơi chưa thành lập CĐ cơ sở là 223 tỉ đồng. Số còn lại chưa chi tại nơi chưa thành lập CĐ cơ sở sẽ được CĐ cấp trên trả lại cho CĐ cơ sở khi được thành lập.

Căn cứ Quyết định 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN-KCX", từ nay đến năm 2023, Tổng LĐLĐ cần nguồn vốn dự kiến 13.000 tỉ đồng để xây dựng 50 thiết chế CĐ (nhà ở, trường học, siêu thị, nhà văn hóa đa năng, phòng khám sức khỏe, trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ) tại các địa phương có đông CN lao động. Nguồn tài chính tích lũy của CĐ có được nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng và hết sức bức thiết này.

"Thực tiễn tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam nhiều thập kỷ qua cho thấy nguồn thu kinh phí CĐ 2% cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức CĐ xây dựng được nguồn lực đủ mạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, giảm gánh nặng cho nhà nước trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, chăm lo tốt hơn cho NLĐ, tạo sự gắn kết lâu dài giữa NLĐ với tổ chức CĐ và DN" - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết nhiều năm qua, việc nắm bắt và hiểu đúng cách thức thu, tỉ lệ phân chia tài chính CĐ giữa các cấp CĐ chưa tạo được sự lan tỏa rộng khắp, khiến nhiều tổ chức, cá nhân nhầm tưởng số kinh phí 2% chỉ nhằm để phục vụ cho CĐ cấp trên cơ sở trở lên hoặc để “trả lương”, “nuôi” bộ máy tổ chức CĐ, có người hoài nghi về mục đích sử dụng nguồn kinh phí này.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo