xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lại nóng chuyện thực tập sinh bỏ trốn

Bài và ảnh: Giang Nam

Một khi đặt chân lên đất Nhật, thực tập sinh không nên đặt nặng vấn đề kiếm được bao nhiêu tiền, mà hãy xác định đây là nơi mình nâng cao kiến thức và rèn giũa kỹ năng nghề nghiệp cho thành thục

Những ngày gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên tiếp đưa ra những cảnh báo, nêu đích danh một số công ty phái cử lao động sang Nhật Bản để thực tập sinh (TTS) bỏ trốn nhiều. Những công ty này đã bị Tổ chức Thực tập kỹ năng Nhật Bản (OTIT) phản ánh và áp dụng biện pháp cấm đưa lao động sang Nhật. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh hai nước đang phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những vướng mắc trong việc tiếp nhận lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đủ lý do

Thông qua mạng xã hội và được một người bạn giới thiệu, phóng viên đã kết nối với anh Nguyễn Minh Th. (26 tuổi, đang là TTS tại tỉnh Aichi - Nhật Bản) để hiểu rõ hơn về nguyên nhân bỏ trốn.

Th. đến Nhật Bản theo dạng TTS ngành nông nghiệp, công việc cụ thể là chăm sóc và thu hoạch dưa lưới. Th. cho biết khi được tư vấn, mức lương anh được nhận là khoảng 30 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì có thể lên đến 35-40 triệu đồng. Thế nhưng, khi sang đến nơi làm việc thì Th. mới vỡ mộng, từ chỗ ở khá lụp xụp, đông người và kém vệ sinh cho đến tiền lương không như những gì phía tư vấn nói.

"Tôi "cày" từ sáng đến tối cũng chỉ được 28 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt thì còn dư một nửa. Để sang đây làm việc, tôi phải nộp cho công ty phái cử và công ty môi giới gần 250 triệu đồng. Đó là tiền ba mẹ tôi đi vay nóng" - Th. kể.

Th. cho biết chỗ anh làm gần như không cho tăng ca vì dưa lưới được chăm sóc và thu hoạch định kỳ. Cộng với công việc trong nhà màng thường xuyên nóng bức, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nên dù được chủ đối xử rất tốt nhưng khả năng tăng thu nhập ở đây là không thể, trong khi cha mẹ ở nhà chưa trả hết nợ khiến Th. luôn căng thẳng. Cách đây 3 tháng, anh được một người bạn rủ đến làm việc cho một công ty chế biến thực phẩm cách đó khoảng 3 giờ lái xe. Thu nhập ở chỗ mới cũng tương đương nhưng người lao động sẽ được tăng ca và hỗ trợ bữa ăn miễn phí. Vậy là Th. quyết định bỏ việc ở công ty cũ.

Lại nóng chuyện thực tập sinh bỏ trốn - Ảnh 1.

Đào tạo kỹ lưỡng trước khi phái cử được xem là cách ngăn ngừa việc bỏ trốn hiệu quả nhất

Một trường hợp khác là anh Bùi Văn Tr. (23 tuổi, TTS tại Saitama - Nhật Bản). Tr. đến Nhật theo diện TTS ngành cơ khí. Tr. kể khi còn ở Việt Nam, anh mường tượng công ty mà mình sẽ làm việc rất hoành tráng. Thế nhưng, sang tới nơi, Tr. rất thất vọng khi đó chỉ là một xưởng cơ khí nhỏ quy mô gia đình với chỉ 4 thợ chính và 6 TTS.

"Công việc khá nhàm chán trong khi chủ xưởng rất khắt khe, đi trễ một chút là bị trừ lương hoặc phải dọn dẹp xưởng. Thu nhập hằng tháng khoảng 30 triệu đồng nhưng do chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên tôi không có dư. Tôi đang thử việc ở một công ty chuyên lắp ráp phụ tùng ôtô. Thu nhập ở đây cao hơn chỗ làm hiện tại một chút nhưng họ không đòi hỏi giấy tờ, khá thoải mái" - Tr. kỳ vọng.

Phải sàng lọc

Là nhà tuyển dụng, đào tạo và phái cử lao động sang Nhật Bản nhiều năm, bà Trần Thị Ngọc Ái, Trưởng Phòng Xuất khẩu lao động Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, cho rằng mấu chốt nằm ở phần lớn người lao động (NLĐ). Nếu họ được tuyển chọn kỹ lưỡng và được đào tạo bài bản trước khi xuất cảnh thì chắc chắn tỉ lệ bỏ trốn sẽ rất thấp hoặc không có.

"Ở Đồng Tháp, hơn 74% lao động ra nước ngoài làm việc là sang Nhật Bản nhưng hơn 5 năm nay, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp bỏ trốn nào. Có được kết quả đó là nhờ ngay từ khâu tuyển chọn, chúng tôi đã thẩm định rất kỹ từng trường hợp. Tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ muốn ra nước ngoài làm việc, trong đó có cho vay vốn ưu đãi nên họ rất yên tâm làm việc và học tập. Hơn nữa, việc đào tạo cũng vô cùng quan trọng, từ dạy tiếng cho đủ trình độ đến dạy văn hóa, kể cả những khác biệt hay những luật lệ của Nhật Bản mà các bạn cần phải nằm lòng trước khi đặt chân đến nước này. Các đối tác, đầu mối hiệp hội bên Nhật cũng phải chọn kỹ để có được các vị trí công việc tốt nhất cho các em, từ thu nhập đến nơi ăn ở, sinh hoạt..." - bà Ái nhấn mạnh.

Bà Hayashi Huệ - Giám đốc chuyên môn Công ty TNHH Kokoro (kết nối y tế Việt - Nhật), một người Việt thành công trên đất Nhật - cho rằng các bạn trẻ Việt Nam nếu đi du học, làm TTS hay kỹ sư tại Nhật đều đứng trước cơ hội thật tốt cho sự nghiệp về sau. Theo bà Huệ, môi trường làm việc chuyên nghiệp, cách tổ chức, điều hành công việc chuẩn mực, công nghệ hiện đại và tính kỷ luật của người Nhật là những điều không dễ gì có cơ hội học tập. Vì thế, một khi đặt chân lên đất Nhật, TTS không nên đặt nặng vấn đề kiếm được bao nhiêu tiền, mà hãy xác định đây là nơi mình nâng cao kiến thức và rèn giũa kỹ năng nghề nghiệp cho thành thục. Chỉ có như vậy, TTS sang Nhật mới không "vô kỷ luật" mà bỏ trốn hoặc chạy theo sự cám dỗ của đồng tiền.

"Tôi ở Nhật cũng đủ lâu để hiểu rằng nhiều TTS qua đây có ý định bỏ trốn để được cư trú lâu dài. Họ không nghĩ rằng luật pháp ở đâu cũng rất nghiêm minh và chẳng đất nước nào chứa chấp người cư trú bất hợp pháp cả. Tuy nước Nhật khá bao dung nhưng nếu việc vi phạm quá nhiều, họ sẽ siết chặt và mạnh tay để tôn nghiêm luật pháp. Chưa ai có kết cục tốt đẹp khi bỏ trốn, trái với hợp đồng mình đã ký. Tôn trọng chữ ký của mình là tôn trọng sự nghiệp của mình, các bạn nên nhớ như thế" - bà Huệ nhắn nhủ. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo