xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lợi cả đôi bên

Bài và ảnh: THANH NGA

Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành không chỉ giúp ổn định đời sống người lao động mà còn nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn

“Sau hơn 1 năm ký kết và thực hiện, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành đã phát huy tác dụng, bảo đảm thu nhập cho hơn 100.000 công nhân (CN) trồng và khai thác, chế biến mủ cao su, kể cả khi giá cao su xuống mức thấp nhất”. Ông Võ Việt Ngân, Phó Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Cao su Việt Nam, khẳng định như vậy về hiệu quả TƯLĐTT ngành tại buổi làm việc với Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đây.

Chăm sóc căn cơ

TƯLĐTT ngành cao su được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và CĐ Cao su Việt Nam ký kết vào ngày 28-3-2014 tại hội nghị đại biểu người lao động (NLĐ) sau gần 2 năm chuẩn bị.

Thỏa ước ngành được ký kết giúp hơn 100.000 công nhân cao su hưởng lợi
Thỏa ước ngành được ký kết giúp hơn 100.000 công nhân cao su hưởng lợi

Chia sẻ về việc xây dựng TƯLĐTT, lãnh đạo CĐ Cao su Việt Nam cho biết đó là quá trình nỗ lực bền bỉ. Được Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) chọn làm thí điểm vào năm 2012, đến tháng 8-2013, tổ xây dựng thỏa ước ngành được thành lập, gồm đại diện CĐ ngành và 2 đơn vị tham vấn là Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Sau khi thành lập, tổ xúc tiến khảo sát tại 2 đơn vị là Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Dầu Tiếng. Sau khảo sát, tổ đưa ra các nội dung thương lượng gồm chế độ đãi ngộ cho lao động khi nghỉ hưu; thành lập quỹ điều phối tiền lương giữa lao động kiến thiết cơ bản và lao động khai thác; chế độ cho lao động phụ; quy định mức lương thấp nhất đối với lao động giản đơn cao hơn lương tối thiểu vùng 10%… “Qua nhiều buổi góp ý, thảo luận giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và CĐ cơ sở của 35 đơn vị tham gia thỏa ước, đến tháng 3-2014, quá trình thương lượng mới hoàn tất. Để hài hòa lợi ích các bên liên quan, từng nội dung trong thỏa ước đều được đưa ra mổ xẻ kỹ” - ông Ngân cho hay. Kết quả của nỗ lực này là tại 35 doanh nghiệp (DN) thuộc phạm vi điều chỉnh, mức lương thấp nhất mà NSDLĐ phải trả cho CN làm công việc giản đơn nhất cao hơn lương tối thiểu theo vùng 5%.

Ngoài ra, căn cứ khả năng nguồn quỹ phúc lợi, NSDLĐ sẽ hỗ trợ thêm cho CN 1 tháng lương theo hợp đồng lao động khi nghỉ hưu. Hằng năm, NSDLĐ phấn đấu chi thưởng cho CN tối thiểu 1 tháng lương thực nhận nhân với hệ số bình xét A-B-C. Một trong những nội dung có lợi khác cho NLĐ là được tham quan, nghỉ mát (tối thiểu 3 ngày)… Chưa hết, con em CN đến tuổi nghỉ hưu được DN ưu tiên nhận vào làm việc. Qua khảo sát của CĐ Cao su Việt Nam, 33/35 bản thỏa ước có những nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với thỏa ước ngành.

Ổn định phúc lợi lâu dài

Có thể khẳng định TƯLĐTT ngành được hình thành đã giúp NLĐ ổn định đời sống một cách căn cơ. “Dựa vào thỏa ước khung, từng DN sẽ xây dựng thỏa ước riêng nhưng không được thấp hơn, nhờ vậy NLĐ được hưởng lợi nhiều hơn. Tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, dù khó khăn nhưng công ty vẫn bảo đảm lương, thưởng và phúc lợi cho CN cao hơn TƯLĐTT ngành” - ông Lê Kim, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết.

Thời gian qua, giá cao su liên tục giảm khiến đời sống NLĐ bị ảnh hưởng và đây cũng là trăn trở của đội ngũ cán bộ CĐ ngành, nhất là đầu năm 2016, TƯLĐTT ngành sẽ được thương lượng và ký kết lại. Kiên định với mục tiêu “tiền lương là cái giảm sau cùng và giảm ít nhất”, ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch CĐ Cao su Việt Nam, cho biết CĐ ngành sẽ cố gắng thương lượng nhằm duy trì những nội dung có lợi cho NLĐ, đặc biệt là trong bối cảnh nhà nước đang đẩy mạnh tái cấu trúc và cổ phần hóa các DN. Theo đó, những nội dung về tiền lương, hình thức trả lương, mức hỗ trợ đối với CN đến tuổi nghỉ hưu vẫn được duy trì trong thỏa ước. Bên cạnh đó, CĐ ngành sẽ đề xuất nâng hỗ trợ từ 1 tháng lên 3 tháng lương và các chế độ thăm hỏi, tặng quà Tết đối với CN đến tuổi nghỉ hưu nhằm khuyến khích họ gắn bó lâu dài.

Ngoài những nội dung đã có, khi xây dựng TƯLĐTT mới, CĐ ngành Cao su Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những nội dung mới phù hợp hơn với tình hình thực tế. “Sắp tới, CĐ ngành cũng sẽ phối hợp với các ban chuyên môn của tập đoàn xây dựng TƯLĐTT ngành đối với các đơn vị ngoài khu vực trực tiếp sản xuất cao su - nơi tập trung khoảng 30.000 lao động. Chắc chắn mục tiêu chúng tôi hướng đến là bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho NLĐ” - ông Hùng nhấn mạnh.

 

Hài hòa lợi ích

“Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành được hình thành không chỉ giúp người lao động (NLĐ) được bảo đảm quyền lợi tốt hơn mà còn thúc đẩy nâng cao trách nhiệm các bên trong chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật; đồng thời hạn chế tình trạng tranh chấp lao động và đình công” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định như vậy về hiệu quả của việc ký kết TƯLĐTT ngành.

Thỏa ước là bản cam kết về các chính sách trong sử dụng lao động, tạo sự thống nhất giữa các doanh nghiệp (DN) với Công đoàn (CĐ) cơ sở, giúp NLĐ cũng như DN an tâm hơn để phát triển sản xuất. Mục tiêu thỏa ước ngành hướng đến là tạo một khung pháp lý để các DN tham gia ký kết theo đó thực hiện, từ đó ổn định thu nhập và phúc lợi lâu dài cho NLĐ. Có thể thấy được điều này ở ngành dệt may Việt Nam (đơn vị đầu tiên ký TƯLĐTT ngành vào năm 2010), trong đó ngành dệt may tỉnh Bình Dương được chọn triển khai thí điểm từ tháng 9-2011. Ở các DN tham gia ký kết thỏa ước, rất nhiều nội dung có lợi cho NLĐ đã được các đơn vị thực hiện. Với sự chăm sóc căn cơ ấy, hơn 3 năm triển khai TƯLĐTT, ngành dệt may Việt Nam hầu như không có đơn vị xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc, tỉ lệ biến động lao động giảm. Còn tại 35 DN thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam tham gia ký kết TƯLĐTT ngành, hơn 100.000 công nhân cũng được hưởng lợi, ngay cả khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN gặp khó khăn.

Cái được lớn nhất, theo những chuyên gia theo dõi lĩnh vực quan hệ lao động, là nhận thức của cả NSDLĐ và NLĐ về vai trò của thỏa ước ngành được nâng cao. Nói như ông Mai Đức Chính, hợp tác chăm lo cho NLĐ là nền tảng thúc đẩy mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.

An Khánh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo