xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lời thề của “Vua tre” Bình Dương

Theo LÊ TUYẾT (Báo Lao Động)

Giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Tre - ông Phạm Hồng Trung - nổi tiếng ở Bình Dương về độ chịu khó, chịu chơi.

Khởi nghiệp với số nợ “khủng” nhưng lại trở thành “Vua tre” khi ông tự thiết kế, thay đổi máy móc để làm các sản phẩm từ tre nứa. Công ty ông trở thành chỗ dựa, mái ấm của những lao động khuyết tật cũng như tất cả công nhân

Đứng lên sau thất bại

Nước da ngăm đen, người dong dỏng cao, khuôn mặt, mái tóc nom già hơn nhiều so với tuổi 55 của mình, ông Trung lý giải: “Có thể bởi tôi ít ngủ. 20 năm trước, khi mình thất bại, cuộc sống lui về số âm thì khó mà ngủ được một giấc ngon lành. Đến giờ có chút tiền rồi vẫn không ngủ sớm được, hôm nào cũng 2-3 giờ sáng mới chợp mắt”.

Ông Phạm Hồng Trung kiểm tra lại một số sản phẩm. Ảnh: L.TUYẾT
Ông Phạm Hồng Trung kiểm tra lại một số sản phẩm. Ảnh: L.TUYẾT

20 năm trước, khởi nghiệp với cây tre, thích là lao vào làm chứ không nghĩ được nhiều. Vừa bắt đầu, ông nhận được đơn hàng một container sản phẩm tre nứa từ một nhóm khách Đài Loan (Trung Quốc), kèm lời hứa sẽ mua thêm nhiều nữa. Ông nhớ: “Khỏi phải nói, tôi mừng thế nào khi có khách lớn”. Hợp đồng một thì phải chuẩn bị nguyên liệu cho 2, 3. Thế nhưng khi nhận được container đầu, nhóm khách biến mất. Sau đó, có một nhóm người khác ngỏ ý đặt hàng một sản phẩm tương tự, họ đồng ý mua lại số hàng tồn nhưng giá thấp xuống mấy chục phần trăm. Một vài lần như vậy, ông cụt vốn, nợ nần chồng chất, lên đến mấy trăm triệu đồng. Những năm 2000, đó là khoản nợ khổng lồ. “Thất bại phải tự mình đứng lên. Phải tìm hiểu nguyên nhân thất bại mà tránh” - ông tự nhủ.

Ngày trở lại với cây tre, ông cần phải lên Đồng Xoài (Bình Phước) lấy cây lồ ô về cân đo nhưng khi đó, trong túi ông chỉ còn 17.000 đồng. 6 giờ chiều, ông chạy khắp nơi mượn được chiếc xe máy “cà tàng”. Cuối cùng, tôi vượt 100km, vác được cây lồ ô về nhà…” - ông Trung nhớ lại. Ngày ông vắt sức làm, tối căng óc nghĩ, đến độ tóc bạc hết, rụng nhiều. Khi CN, người nhà đi ngủ hết, ông lôi rượu ra sân ngồi uống một mình, sương xuống bạc cả đầu. Mọi điều mới mẻ, táo bạo đến với ông từ những đêm thức trắng đó. Ông kể: “20 năm qua, tôi giữ thói quen đó, trước đây mình nghĩ làm sao để đừng đổ nợ thêm nữa, bây giờ mình nghĩ làm sao cho mọi thứ tốt hơn lên, khách hàng hài lòng, CN được thêm lương. Nghĩ nhiều thành thói quen, đến giờ khi có chút tiền, có chút gọi là thành công, tôi vẫn không tài nào ngủ sớm được”.

Cái khó ló cái khôn

“Thống lĩnh thị trường các sản phẩm từ cây tre hiện nay là Trung Quốc, nhưng tôi đảm bảo với một lượng nhân công như của tôi và quy mô nhà xưởng như tôi, họ không thể nào làm ra được sản lượng như tôi” - ông Trung khẳng định chắc nịch.

Mặc dù không có chuyên môn về kỹ thuật, nhưng ông có một niềm đam mê bất tận với…cải tiến máy móc! Vốn các máy sản xuất trong ngành tre đều phải nhập từ Trung Quốc, mỗi cái có giá mấy chục ngàn USD nhưng cho ra sản lượng thấp, tiêu thụ điện năng rất lớn nên sản phẩm làm ra không lời được bao nhiêu. Ông bảo “cái khó ló cái khôn, không có tiền mua máy thì phải nghĩ cách tạo ra máy thôi”. Ông tự mua tài liệu, mua sách về nghiên cứu, tuyển kỹ sư về làm cùng. Với ông, quyết định táo bạo nhất đến giờ là khi ông mua một cái máy cắt CNC 1D có giá mấy chục ngàn USD để cắt gọt kim loại. Từ cái máy CNC 1D đó, ông và các cộng sự của mình được tự do sáng tạo tùy ý mà không bị bó buộc.

Ông kể: “6 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cái đêm mấy anh em lắp xong cái máy định hình xiên cờ (Sản phẩm bằng tre dùng trong chế biến thủy sản - PV), cho phôi tre chuyển động qua dao. Sau khi chạy thử, cầm sản phẩm trên tay, chỉ qua một công đoạn mà xiên cờ gọn đẹp như qua chục công đoạn, tôi rớt nước mắt. 3 giờ sáng, anh em lấy rượu ra uống mừng, có lẽ đời tôi chưa bao giờ uống ly rượu nào ngọt như vậy, dù nó chan cả nước mắt”.

Với thành công của máy định hình, toàn bộ xưởng sản xuất xiên cờ với tổng công suất động cơ 85 ngựa (mã lực hay HP) giờ giảm còn 8 ngựa. Cứ như vậy, mỗi năm Cty cải tiến một vài máy, đến bây giờ, toàn bộ xưởng sản xuất chỉ còn 20 máy, trong khi trước đây gần cả trăm máy. Thao tác được thu gọn, công suất tăng lên. Ngày trước, làm ít nhưng tiền điện tháng nào cũng 50-70 triệu đồng, bây giờ sản lượng tăng lên nhiều lần, nhưng tiền điện mỗi tháng chưa đến 20 triệu đồng.

Hỏi ông về chuyện đăng ký sáng chế, ông ngần ngừ: “Rồi tôi sẽ đăng ký thôi, không chỉ cái máy định hình mà tất cả các máy của toàn xưởng, nhưng bây giờ chưa phải lúc”. Thời gian qua, nhiều đơn vị bên Trung Quốc qua xưởng của ông đề nghị chuyển nhượng kỹ thuật với giá hàng hàng trăm ngàn USD, nhưng ông không chấp nhận.

Ông trần tình: “Thực tình, tôi đã trả một cái giá quá đắt để có được chút thành quả ngày hôm nay. Tôi dự định, khi Việt Nam có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, tôi sẽ đi đăng ký. Tôi luôn kỳ vọng, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ mạnh lên, cùng với máy móc hiện đại, được cải tiến sẽ đủ sức cạnh tranh, vượt lên Trung Quốc ở thị trường này”.

Thị trường đang có một nhu cầu cực kỳ lớn về sản phẩm từ tre nứa, Việt Nam lại là xứ cây tre, nhưng có một điều đáng buồn là cơ sở của ông không đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất. Cty Trung Tre đã nhiều lần từ chối đơn hàng vì thiếu nguyên liệu. Ông nói, bằng cái giọng chùng xuống: “Tôi muốn mở rộng vùng nguyên liệu nhưng không dễ. Đi đến đâu cũng nghe hô hào “tạo điều kiện cho doanh nghiệp” nhưng thực tế không phải vậy”.

Vay tiền xây nhà trọ cho công nhân ở miễn phí

Tiếng là giám đốc, nhưng ông Trung xài điện thoại Nokia 1280, mỗi khi nghe phải lật ngược, áp loa vào tai, đồng hồ Casio điện tử dây nhựa dính lấm tấm sơn của những lần lắp ráp máy móc. Phòng làm việc của ông ngoài bộ bàn ghế tre, cái máy tính ra thì không có gì đặc biệt hơn 2 cây tre ông dựng ở góc phòng, trong đó có cây tre 16 đốt, mỗi đốt chỉ dài chừng 5-7cm, tương ứng với 16 năm ông “lên bờ xuống ruộng với tre”.

Chịu đắng cay với tre nhưng khi có quả ngọt, ông Trung lại không giữ cho riêng mình. Tại Công ty TNHH Trung Tre, 50% số lao động là người khuyết tật. Với ngày làm hơn 7 tiếng, chỗ ở ông “bao”, thu nhập của tất cả lao động trung bình từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Để không có sự phân biệt đối xử giữa người lao động với nhau, ông nâng đơn giá sản phẩm do lao động khuyết tật làm ra lên cao hơn rồi nhân với sản lượng của anh chị em, cộng chung cả xưởng rồi chia đều cho tất cả. Với cách làm này, các công nhân (CN) đều thấy công bằng, không thấy mình thiệt thòi.

Cách đây 15 năm, khi công ty còn khó khăn, gia đình ông phải ở trong một căn nhà tạm, ông lại đi vay tiền xây dãy nhà trọ cho CN ở miễn phí. Toàn bộ số tiền tiết kiệm được từ cải tiến sản xuất, tiết kiệm điện, ông đưa vào quỹ phúc lợi, chăm lo cho CN. Vợ chồng anh Bùi Thanh Thuận và chị Nguyễn Thị Là cùng bị xương thủy tinh, gắn bó với công ty gần 10 năm, làm ở khâu xếp, đóng gói. Quê xa, sức khỏe lại kém, vợ chồng chị lựa chọn ở lại khu nhà ở của công ty để thuận tiện đi lại. Chị Là kể: “Làm chung, tụi mình quen rồi cưới nhau. Chú Trung bố trí cho phòng ở, đám cưới chú cũng hỗ trợ. Mọi việc lớn nhỏ, tụi em đều tham khảo ý kiến chú. Có hôm em đang đi vấp té gãy chân, chú đang ở xưởng mà hộc tốc chạy về bế đi bệnh viện. Ở đây, cũng như gia đình của mình”.

Nói về lý do nhận lao động là người khuyết tật, ông kể: “Khi khó khăn nhất, tôi có lời thề “khi công việc của mình ổn, mình sẽ giúp đỡ người khác”. Cùng lúc đó, khi mới thành lập nhà xưởng, ông nhận được một vài lời đề nghị nhận lao động khuyết tật của các trung tâm giới thiệu việc làm. Hơn nữa, ông luôn nghĩ rằng, mình có đôi bàn tay, có sức khỏe còn khốn đốn thì mấy em sức khỏe kém, cơ thể đã không lành lặn sẽ khó khăn bội phần. “Tôi không thể thay đổi cuộc sống của các em nhưng tôi luôn cố gắng để cuộc sống của các em tốt lên! Tạo việc làm, tạo chỗ ở cho các em là cách tôi thực hiện lời thề năm xưa và trả ơn cho cây tre, điều đó cũng chẳng có gì to lớn lắm” - ông bộc bạch.

Công ty TNHH MTV Trung Tre thành lập năm 2008, hiện có 65 CN, 50% là người khuyết tật. Công ty đang chăm sóc, khai thác rừng tre ở Bình Phước và một số tỉnh như Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông. Công ty có một xưởng sơ chế nguyên liệu thô với 3.500 mét vuông và xưởng chế biến nguyên liệu tinh, thành phẩm có diện tích 1.500 mét vuông đặt tại Bình Dương; với 3 chuyền máy móc hiện đại. Sản phẩm của Công ty Trung Tre được phân phối vào các công ty chế biến thủy sản, Nhật Bản, Mỹ và một số nước khác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo