xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lộn xộn đưa lao động qua Ả Rập Saudi

DUY QUỐC

Tình trạng doanh nghiệp vi phạm trong việc đưa lao động giúp việc gia đình sang Ả Rập Saudi xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) đưa lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) sang Ả Rập Saudi chấn chỉnh ngay các sai phạm về tuyển chọn, đào tạo, cung ứng lao động. Yêu cầu này xuất phát từ tình hình vi phạm hoạt động đưa lao động GVGĐ sang Ả Rập Saudi xảy ra khá phổ biến trong các DN xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Không được làm bậy!

Hiện có gần 20.000 lao động Việt Nam làm việc tại Ả Rập Saudi, trong đó khoảng 5.000 lao động nữ làm GVGĐ. Việc Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác cung ứng lao động GVGĐ với Ả Rập Saudi vào tháng 9-2014 đã mở đường cho DN đưa nhiều lao động nữ sang đây. Hiện có trên 50 DN tham gia khai thác thị trường này.

Thay vì đưa lao động nữ sang Ả Rập Saudi, nhiều doanh nghiệp như Công ty Nhật Hy Khang chuyển hướng đưa sang Nhật Bản Ảnh: VÂN HÀ
Thay vì đưa lao động nữ sang Ả Rập Saudi, nhiều doanh nghiệp như Công ty Nhật Hy Khang chuyển hướng đưa sang Nhật Bản Ảnh: VÂN HÀ

Để hạn chế tình trạng làm ẩu, ký kết hợp đồng tràn lan với môi giới Ả Rập Saudi xảy ra nhiều trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu mỗi DN chỉ được ký kết hợp đồng với tối đa 3 công ty môi giới. Đồng thời phải tuyển dụng đúng đối tượng lao động, đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài; không được tuyển người trên 47 tuổi (thực tế có trường hợp tuyển cả người đến tuổi nghỉ hưu).

Bên cạnh đó, việc ký kết hợp đồng với công ty môi giới phải bảo đảm mức lương tối thiểu 1.300 SAR/tháng (khoảng 7,5 triệu đồng). Về điều kiện làm việc, người lao động (NLĐ) phải được chủ sử dụng trả chi phí đào tạo và xuất cảnh; được cung cấp ăn, ở miễn phí; thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm, chăm sóc y tế. NLĐ còn phải được tự do liên lạc với gia đình, cơ quan chức năng khi cần thiết. Toàn bộ những cam kết về việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc, chế độ phúc lợi phải ghi rõ trong hợp đồng ký kết giữa DN với NLĐ và chỉ khi hợp đồng này được cơ quan chức năng (Cục Quản lý Lao động ngoài nước - Dolab) thẩm định thì DN mới được phép tuyển chọn lao động.

Cũng theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, các DN phải có cơ sở đào tạo lao động GVGĐ, thực hiện đúng quy định về đào tạo kỹ năng cũng như dạy ngoại ngữ cho NLĐ. Về quản lý lao động, DN nào đưa trên 300 lao động GVGĐ sang Ả Rập Saudi thì phải cử cán bộ sang quản lý (cứ mỗi công ty môi giới nhận lao động phải có 1 cán bộ). Những người này phải thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến NLĐ.

Có bớt bát nháo?

Đây là câu hỏi khó đối với Bộ LĐ-TB-XH khi thực hiện các biện pháp chấn chỉnh việc đưa lao động GVGĐ sang Ả Rập Saudi bởi thời gian qua, tình trạng vi phạm xảy ra khá phổ biến. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay có gần 100 vụ việc liên quan đến tranh chấp lao động, rủi ro của NLĐ ở thị trường này.

Số lượng đơn thư khiếu nại do Dolab tiếp nhận từ đầu năm đến nay cũng có hàng chục vụ. Trong đó, qua kiểm tra, xác minh, hàng loạt DN bị cơ quan này xử phạt. Riêng trong tháng 11-2015, ít nhất có 3 DN bị xử lý. Cụ thể, ngày 13-11, Dolab ra văn bản tạm dừng đưa lao động GVGĐ sang Ả Rập Saudi thời hạn 3 tháng đối với Công ty CP XKLĐ và Thương mại Bảo Việt (Taylo), Công ty CP Quốc tế Nhật Minh (Namico) và Công ty CP Dịch vụ XKLĐ và Chuyên gia Thanh Hóa (Leesco). Cả 3 DN này vi phạm các hoạt động tuyển chọn, đào tạo, chậm giải quyết quyền lợi cho NLĐ, để khiếu nại kéo dài. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho rằng việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm ở thị trường này phải làm cho bằng được. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ cũng như duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác lao động với Ả Rập Saudi.

Liên quan đến việc một số DN chậm giải quyết khiếu nại, để tranh chấp kéo dài, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu khi xảy ra những trường hợp này, DN phải kiểm tra, xác minh, trong vòng 5 ngày phải có phương án xử lý và chậm nhất trong thời gian 45 ngày phải giải quyết xong. Ngoài xử phạt theo quy định, DN nào chậm trễ giải quyết khiếu nại sẽ bị đình chỉ hợp đồng.

Chấn chỉnh việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản

Bộ LĐ-TB-XH cũng vừa có văn bản yêu cầu DN XKLĐ chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Theo đó, DN chỉ được phép tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi hợp đồng đăng ký được Dolab cho phép thực hiện. Về thu phí, DN không được thu quá số tiền tương ứng 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm, 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Đối với chi phí đào tạo tiếng Nhật, mức thu tối đa là 5.900.000 đồng/khóa, tương ứng với thời lượng học 520 tiết.

Liên quan đến tình hình lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp, Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ tạm đình chỉ hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản trong thời hạn 90 ngày đối với DN có tỉ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng trên 5%.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo