Ông Tính là vậy, luôn sát cánh cùng đoàn viên những lúc khó khăn nhất. Không chỉ hỗ trợ đoàn viên trong NĐ, ông còn sẵn lòng san sẻ khó khăn với ngư dân ở các vùng khác. Từ sự nhiệt thành ấy, ông Tính được nhiều ngư dân biết đến, có người ở rất xa cũng đến gặp ông để nhờ giúp đỡ. Điển hình như trường hợp của ngư dân Thiều Minh Hiệp. Bị tai nạn trên biển đứt mất cánh tay, nhà lại ở tận phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa nhưng anh Hiệp vẫn lặn lội vào Nha Trang nhờ ông Tính hướng dẫn làm thủ tục xin Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động hỗ trợ. Bằng cả tấm lòng, ông Tính đã tận tình hướng dẫn mọi thủ tục cần thiết cho đến khi anh Hiệp nhận được sự trợ giúp của quỹ. “Tính tôi chất phác, giúp được ai thì giúp. Người ta khó khăn mới cần đến mình nên không thể nề hà” - ông Tính bày tỏ.
Hay như trường hợp ông Nguyễn Vân (ngụ phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang), mặc dù trong phường đã có NĐ nhưng hễ có khó khăn gì, ông Vân cũng qua hỏi ý kiến ông Tính. “Cuối năm 2014, tàu 350 CV của tôi bị chìm ở Trường Sa, mất hết tài sản gần 3 tỉ đồng. Mình là ngư dân, có biết đến giấy tờ, thủ tục gì đâu. May nhờ bác Bảy Tính giới thiệu, làm hồ sơ, kêu gọi giúp đỡ nên gia đình được hỗ trợ 30 triệu đồng” - ông Vân tâm sự. Đánh giá về ông Tính, ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, nhận xét: Am hiểu chính sách và gần gũi đoàn viên, những lợi thế ấy đã giúp ông Tính đưa chủ trương của Đảng, nhà nước và tổ chức Công đoàn đến gần ngư dân, giúp họ an tâm bám biển. Với ông Tính, làm tròn trách nhiệm bằng cả tấm lòng chắc chắn sẽ được đoàn viên tin yêu.
Vững tin
Từ nghiệp đoàn (NĐ) nghề cá đầu tiên tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, cả nước đã thành lập 63 NĐ nghề cá với 11.631 đoàn viên. “Với sự lớn mạnh không ngừng của các NĐ nghề cá, bà con ngư dân khắp mọi miền đất nước sẽ an tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bởi sau lưng họ là sự hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức Công đoàn (CĐ) và CNVC-LĐ cả nước” - ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã nhấn mạnh như vậy về ý nghĩa và tầm quan trọng của các NĐ nghề cá.
Với ý tưởng gắn kết ngư dân, năm 2011, Tổng LĐLĐ Việt Nam và CĐ ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình NĐ đầu tiên tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Bắt đầu từ con số 0, với sự hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là tổ chức CĐ, NĐ nghề cá ở các địa phương đã từng bước khẳng định chỗ đứng bằng những bước đi vững chắc, tạo sự tin cậy nơi đoàn viên. Đến với NĐ nghề cá, bà con ngư dân không chỉ được trang bị kiến thức pháp luật cần thiết để ứng phó với những rủi ro và tình huống pháp lý bất ngờ trong quá trình vươn khơi mà còn được sống trong sự đoàn kết, tương thân tương ái. Đoàn viên các NĐ luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của tổ chức CĐ, đứng đầu là các thủ lĩnh NĐ đầy nhiệt huyết, những khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Sát cánh cùng các NĐ, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, đã kịp thời huy động nhiều nguồn lực xã hội để hỗ trợ, san sẻ khó khăn với bà con ngư dân. Hàng chục tỉ đồng từ chương trình này đã được chi cho các hoạt động đóng mới, mua sắm ngư cụ, thiết bị đánh bắt, mua bảo hiểm cho ngư dân. Ngoài ra, với sự tận tụy của đội ngũ cán bộ NĐ, ngư dân nghèo còn được trao tặng Mái ấm CĐ. Và họ càng ấm lòng hơn khi con em mình được nhận những phần học bổng nghĩa tình của NĐ và các mạnh thường quân.
Sự hiện diện của các NĐ nghề cá không chỉ giúp ngư dân vững tin bám biển mà đời sống vật chất, tinh thần cũng ngày càng được cải thiện. Nói như ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch NĐ Nghề cá An Hải, biến NĐ trở thành nơi gắn kết, vừa tạo sức mạnh giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển vừa góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là mục tiêu tổ chức CĐ hướng đến.
An Khánh