xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà nước vi phạm thỏa thuận

NHÓM PHÓNG VIÊN

Việc nhà nước đột nhiên thay đổi chính sách, áp dụng đối với cả người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực, có nghĩa "thỏa thuận" giữa người lao động và nhà nước không được nhà nước bảo đảm thực hiện

"Về quan điểm của cá nhân, tôi đã nói rất nhiều lần, đó là đề nghị các cơ quan có liên quan và Chính phủ nghiên cứu, để chúng ta thực hiện lộ trình giảm lương hưu của lao động nữ (LĐN) giống như nam giới. Nam giới quy định lộ trình thực hiện trong 5 năm thì nữ giới cũng phải kéo dài thực hiện lộ trình 5 năm hay 10 năm, để giảm sốc từ từ, đừng "phanh" bất ngờ dẫn đến phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt". Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết như vậy bên hành lang kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV.

Chính sách khập khiễng

Ông Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận sự khập khiễng của chính sách nằm ở chỗ nếu LĐN về hưu ngày 31-12-2017, có 25 năm đóng BHXH thì được hưởng tối đa 75% mức lương hưu. Nhưng một người khác, cũng với mức đóng BHXH như vậy nhưng nếu về hưu vào ngày 1-1-2018 thì chỉ được hưởng tối đa 65% mức lương hưu. "Xét về điều kiện, chỉ trong vòng 1 giờ, đêm 31-12 của năm trước và ngày 1-1 của năm sau mà phụ nữ bị giảm 10% lương hưu, rõ ràng chúng ta thấy có điều gì đó không có lợi cho phụ nữ" - ông Lợi bình luận.

Đồng cảm với những người lao động (NLĐ) yếu thế sắp sửa đối mặt với bất lợi của chính sách, bà Lại Thị Nhung, nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty Bicico, cho biết: "Tôi thật sự thấy đau xót trước thông tin giảm lương hưu của LĐN kể từ ngày 1-1-2018. Tôi tự hỏi những người soạn thảo quy định có đặt mình vào hoàn cảnh đó hay không? Không phải nói lên những thiệt thòi, hy sinh của chị em để kêu gọi lòng thương hại mà là muốn xã hội, trong đó có pháp luật, phải cư xử công bằng với LĐN".

Nhà nước vi phạm thỏa thuận - Ảnh 1.

Theo bà Nhung, nếu thật sự ưu ái LĐN, đánh giá đúng những gì mà LĐN phải gánh chịu thì nên quy định LĐN đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, tùy ngành nghề, có quyền nghỉ hưởng lương hưu khi đủ 55 tuổi; còn những ai có đủ sức khỏe, trí tuệ thì có thể tiếp tục làm việc như nam giới. Vậy mới là công bằng, bình đẳng.

Thất vọng nặng nề

"Tôi đóng BHXH đến nay được 19 năm liên tục. Trước đó, tôi làm việc cho một công ty nhà nước và được giải quyết xong chế độ. Sau đó làm việc cho tư nhân, tôi được đóng lại BHXH từ đầu. Năm 2018, tôi 55 tuổi. Theo quy định mới về tỉ lệ lương hưu, tôi thấy mình bị thiệt thòi rất nhiều. Ở nước ngoài khi điều kiện sống tốt hơn thì kéo dài thêm thời gian làm việc sẽ có lợi cho NLĐ nhưng đặc thù ở Việt Nam thì khác hơn nhiều, như tôi và các đồng nghiệp do lao động nặng nhọc, ăn uống thiếu thốn nên ngoài 40 tuổi sức khỏe đã suy giảm rất nhiều. Khi đóng BHXH, chúng tôi cũng mong mỏi về già được lĩnh lương hưu để không phiền con cháu nhưng với tình hình này thì không hy vọng gì nữa" - chị Phan Thị Mỹ Lý, Công ty Mía đường Tây Ninh, không giấu được lo lắng.

Thất vọng vì chính sách thay đổi theo hướng bất lợi, chị Nguyễn Thị Hà (công nhân Công ty Ugain, KCX Linh Trung 1) chia sẻ: "Mấy ngày nay, đồng nghiệp của tôi bàn tán rất nhiều về việc kéo dài thời gian đóng BHXH nhưng giảm tỉ lệ hưởng lương hưu. Nói thật, lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài như chúng tôi ít người có hy vọng về già được lĩnh lương hưu hằng tháng. Làm sao chờ được tới đó trong khi mỗi sáng thức dậy không biết công ty có hàng làm hay không, có tăng ca không, cuối tháng có tiền để gửi về cho gia đình không? Tôi làm công nhân may 10 năm, ngoài số tiền gửi cho cha mẹ hằng tháng, tôi cũng chẳng còn được gì. Vì thế, nếu chính sách lương hưu bất lợi thế này chắc tôi lĩnh một cục cho xong rồi về quê buôn bán hay học nghề để sinh sống chứ chờ lương hưu đến bao giờ? Hơn nữa, mức lương hưu thấp như thế thì làm sao sống nổi?".

Cần phải sửa đổi

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 LĐN nghỉ hưu. Trong số này có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5%-10% so với người nghỉ hưu năm 2017. "Quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam dẫn đến một số LĐN nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng BHXH. Điều này sẽ tạo ra tình trạng sốc do thay đổi chính sách và chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, gây thiệt thòi cho LĐN" - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh điều này.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, ông Quảng đề nghị phải xem xét, sửa đổi điều 56 và 74 Luật BHXH năm 2014, theo hướng điều chỉnh cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ có lộ trình nâng dần, đạt được mục đích bình đẳng giới và hạn chế sốc do thay đổi chính sách.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM:

Người lao động bị xâm phạm quyền lợi

Phụ nữ là đối tượng thường chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, như phải chịu áp lực lớn từ phía gia đình cũng như việc sinh con, đồng thời sức khỏe, tâm lý của đối tượng này luôn dễ tổn thương. Đặc biệt, ở độ tuổi nghỉ hưu là thời điểm phụ nữ có những thay đổi đáng kể về mặt sức khỏe theo chiều hướng suy giảm. Vì thế, LĐN cần được ưu tiên hơn về mọi mặt, trong đó bao gồm cả vấn đề mức lương hưu. Điều này sẽ phần nào góp phần ổn định cuộc sống cũng như tái tạo sức khỏe, ổn định tâm lý sau khi nghỉ hưu, tạo điều kiện thuận lợi cho LĐN có thể giữ cân bằng khi phải bước qua một giai đoạn mới trong cuộc đời.

Theo tôi, quy định giảm tỉ lệ hưởng lương hưu áp dụng đối với cả NLĐ tham gia BHXH trước khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực sẽ dẫn đến việc quyền lợi của NLĐ không được bảo đảm, ý nguyện của NLĐ không được tôn trọng. Việc nhà nước đột nhiên thay đổi chính sách, có nghĩa những cam kết trước đây của nhà nước đối với nhân dân không có giá trị, "thỏa thuận" giữa NLĐ và nhà nước không được nhà nước bảo đảm thực hiện, quyền lợi của NLĐ bị nhà nước trực tiếp xâm phạm.

Luật sư HỒ NGUYÊN LỄ, Đoàn Luật sư TP HCM:

Nên tạm dừng thực hiện

Luật BHXH năm 2014 có những quy định bất lợi cho LĐN, như nếu muốn hưởng lương hưu tối đa 75% thì cả lao động nam và nữ đều phải tăng số năm đóng BHXH, trong khi nam có lộ trình kéo dài đến năm 2022 thì nữ áp dụng ngay từ ngày 1-1-2018. Hoặc quy định giảm tỉ lệ hưởng lương hưu từ 3% còn 2%/năm đối với LĐN đóng BHXH từ năm thứ 16 trở đi kể từ ngày 1-1-2018... Đó là những thiệt thòi cho LĐN khi đóng và hưởng quyền lợi BHXH, là có sự phân biệt nghiêm trọng về giới, phân biệt quyền lợi về BHXH giữa lao động nam và LĐN. Hiến pháp năm 2013 tại điều 16 quy định "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội"; tại điều 26 quy định "Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới". Còn theo Luật Bình đẳng giới năm 2006 tại điều 6 quy định các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới: "Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới". Theo Bộ Luật Lao động năm 2012, tại điều 8 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: "Cấm phân biệt đối xử về giới tính, thành phần xã hội". Do đó, Quốc hội cần xem xét điều chỉnh quy định trên để bảo đảm quyền lợi cho LĐN nói riêng và bình đẳng về giới nói chung trong lĩnh vực BHXH. Trước mắt, kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tạm dừng thực hiện các nội dung bất lợi cho LĐN về đóng và hưởng BHXH bắt đầu từ ngày 1-1-2018 như Quốc hội năm 2015 đã từng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo