xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều giải pháp khả thi, sát sườn

NHÓM PHÓNG VIÊN

Hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người lao động, tạo điều kiện đi lại giữa TP HCM và các tỉnh lân cận, hỗ trợ đào tạo nghề…là những kiến nghị của doanh nghiệp với mong muốn sớm được khôi phục sản xuất, kinh doanh

Tọa đàm "Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức vào chiều 1-10 thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội nghề nghiệp. Trong đó nổi lên nhiều vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay khi TP HCM thực hiện nới lỏng giãn cách, từng bước đưa cuộc sống bình thường trở lại. Trong niềm vui được mở cửa sản xuất, kinh doanh trên cơ sở an toàn phòng chống dịch, các DN đã gặp ngay những khó khăn.

Thiếu lao động trầm trọng

Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), thông tin tại tọa đàm rằng đầu năm 2021, tổng số lao động làm việc trong các KCX-KCN tại TP là 288.000 người. Khi dịch bệnh bùng phát và buộc phải thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" thì chỉ 720 DN đủ điều kiện hoạt động với 64.000 người lao động (NLĐ) tham gia. "Tính đến thời điểm này, các DN sản xuất "3 tại chỗ" hay "1 điểm đến - 2 cung đường" cũng bắt đầu gặp khó khăn vì chi phí quá lớn. Tất cả các DN đang muốn mở lại hoạt động nhưng gặp khó khăn về nguồn cung lao động và nguồn cung nguyên vật liệu do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, khó khăn nhất có lẽ là nguồn nhân lực. Thống kê của Hepza cho thấy có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TP đã về quê, trong đó chủ yếu là về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu..." - ông Trực nói.

Theo đánh giá của ông Trực, với khoảng cách địa lý không quá xa, số lao động đã về quê này có khả năng quay lại làm việc sớm. Nhưng cái khó là họ trở lại bằng cách nào, khi việc đi lại giữa TP HCM và các tỉnh chưa có lộ trình. Tín hiệu đáng mừng nhất có lẽ là con số 242.000 NLĐ trong các KCX-KCN tại TP HCM đã được tiêm vắc-xin mũi 1 và trên 24.000 người đã được tiêm mũi 2. Hiện Hepza đang ưu tiên phối hợp với chính quyền TP HCM và các tỉnh, thành khác tìm giải pháp an toàn nhất để đón NLĐ quay lại làm việc. Trong đó có việc triển khai tiêm vắc-xin cho NLĐ chưa tiêm mũi nào để có thể đủ điều kiện đi làm.

Nhiều giải pháp khả thi, sát sườn - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” Ảnh: QUANG LIÊM

Là địa phương cũng chịu nhiều thiệt hại trong đợt dịch vừa qua, tỉnh Bình Dương cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trong. Thông tin tại tọa đàm, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, cho biết Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động trong thời gian tới. Tỉnh Bình Dương hiện có 50.000 DN với hơn 1 triệu lao động. Thời gian qua, chỉ có khoảng 3.500 DN hoạt động "3 tại chỗ" với khoảng 250.000 lao động, như vậy khoảng 750.000 NLĐ phải ngừng việc. Hiện các DN đang bắt đầu làm thủ tục để tiến hành hoạt động lại.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt vấn đề cung ứng lao động cho DN phục hồi sản xuất, tỉnh Bình Dương đã tiến hành nhiều giải pháp. Trong đó đẩy mạnh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. "Đến nay, Bình Dương đã chi hỗ trợ tiền nhà trọ, nhu yếu phẩm cho người dân và công nhân (CN) với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, chi hỗ trợ cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền khoảng 900 tỉ đồng. Sắp tới, Bình Dương tiếp tục chi hỗ trợ cho khoảng 300.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là giải pháp bảo đảm cuộc sống cho NLĐ trong điều kiện khó khăn hiện nay, giúp họ gắn bó với DN và gắn bó với địa phương" - ông Tuyên nói. Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương cũng đang kết nối chặt chẽ với DN để giúp NLĐ nhanh chóng tìm được việc làm và giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho DN.

Phủ vắc-xin trong công nhân

Là DN sử dụng nhiều lao động nhất tại TP HCM, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết công ty đã đối mặt tình trạng khan hiếm lao động từ năm 2020. Vì thế khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh tại TP HCM, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam rất quan tâm đến việc giữ chân NLĐ. Từ tháng 6-2021, CN không đi làm được, công ty vẫn cố gắng trả lương cho họ. Đến tháng 9, công ty gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng BHXH cho NLĐ. "Hiện nay, CN đang rất lo lắng không biết khi nào được trở lại làm việc. Thực tế những tháng qua, họ đã rất vất vả để duy trì cuộc sống. Vì vậy, ngay khi thông tin TP HCM nới lỏng giãn cách, công ty đã bố trí xe để đưa rước CN giữa TP HCM và các tỉnh" - ông Nghiệp cho biết. Với khoảng hơn 40.000 lao động đã tiêm vắc-xin mũi 1 và khoảng 20.000 lao động đã tiêm mũi 2, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam mong muốn được chính quyền tiếp tục quan tâm tạo điều kiện "bao phủ" vắc-xin trong toàn bộ công nhân, để họ đủ điều kiện quay lại nhà máy.

Cũng cần vắc-xin để đưa CN quay lại làm việc, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết hơn 130.000 NLĐ ngành gỗ tại TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai chưa được tiêm vắc-xin khiến việc mở lại nhà máy của các DN gỗ gặp nhiều khó khăn. Hiện HAWA đang tích cực tìm kiếm nguồn vắc-xin để tiêm cho NLĐ. "Đây là vấn đề cấp bách của HAWA bởi đơn hàng xuất khẩu còn rất lớn, nhu cầu nhân công của ngành rất cao nhưng hiện tại khó khăn chồng chất vì đại đa số NLĐ ngành gỗ chưa được tiêm vắc-xin. Thêm một khó khăn nữa mà HAWA đang gặp phải đó là việc đi lại giữa TP HCM và các tỉnh lân cận chưa được thông thoáng, nhiều trở ngại. Việc này đã gây khó khăn cho các DN, doanh nhân, NLĐ cũng như phương tiện đi lại làm việc. Đặc thù của ngành gỗ là nhà máy thường nằm xa khu dân cư, thường đặt ở các tỉnh lân cận TP HCM" - ông Phương nhấn mạnh. Ông Phương cho biết ngành gỗ đóng góp vào GDP khá nhiều nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có việc đào tạo nghề cho NLĐ. Hiện các DN trong ngành phải bỏ ra 100% chi phí, thời gian để đào tạo NLĐ. Trong khi quay lại "bình thường mới", ngành vốn chịu thiệt hại nặng sau dịch lại phải đầu tư cho khâu đào tạo nghề vừa tốn thời gian vừa tốn tiền bạc.

Vui mừng trước những tín hiệu lạc quan về phòng chống dịch của TP HCM, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEK), Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, cho biết các thành viên AGTEK đang ráo riết chuẩn bị đón NLĐ quay lại nhà máy. Bên cạnh niềm vui là sự lo lắng về nguồn lao động có thể thiếu hụt do rất nhiều lao động đã về quê. Tuy nhiên, theo khảo sát từ các DN trong AGTEK, điều họ mong đợi hơn cả là việc tiêm đủ vắc-xin cho NLĐ để cả DN và NLĐ yên tâm "sống chung với dịch". Các DN của AGTEK cho biết có khoảng 70%-80% số lượng lao động sẽ quay lại làm việc trong thời gian tới. Nhưng khó khăn hiện nay là cách di chuyển về TP HCM và từ TP HCM ra các tỉnh khác - nơi có các nhà máy của AGTEK.

"Cũng như các hiệp hội ngành nghề khác, chúng tôi đang lo lắng về độ phủ vắc-xin và việc đi lại giữa các địa phương. Nếu 2 vấn đề này không được giải quyết sớm thì việc khôi phục sản xuất của chúng tôi chắc chắn gặp khó, trong khi các đơn hàng phải giao cho khách trong quý IV là rất lớn. DN không hoạt động được đồng nghĩa NLĐ cũng sẽ thiếu việc làm và như vậy đời sống đã khó sẽ tiếp tục khó" - ông Hồng nói. 

TP HCM chi gần 12.000 tỉ đồng bảo đảm an sinh

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết hiện TP có trên 470.000 DN đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 DN vốn nước ngoài với hơn 3,2 triệu CN. Dịch Covid-19 trong 5 tháng qua đã tác động rất mạnh đến DN, việc làm và thu nhập của NLĐ. Trong 5 tháng, chỉ có 70 DN hoạt động "3 tại chỗ" với 600.000 lao động, trong khi 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương. Hiện TP có 17 KCN-KCX với 1.600 DN cùng 322.000 CN cũng rất khó khăn và không thể duy trì "3 tại chỗ" vì chi phí quá lớn. TP cũng có 660.000 người lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Tấn khẳng định lao động, việc làm là vấn đề được các cấp lãnh đạo, trong đó có lãnh đạo TP HCM rất quan tâm để phục hồi phát triển kinh tế. TP HCM đã chi gần 12.000 tỉ đồng cho hoạt động an sinh xã hội.

TIÊU YẾN TRINH, Tổng Giám đốc Talentnet Corporation:

Đãi ngộ tốt để giữ chân người lao động

Thu nhập, lương thưởng cho NLĐ là yếu tố quyết định giữ chân họ gắn bó với DN. DN hiện nay nên linh hoạt về việc chi trả lương thưởng xứng đáng cho NLĐ để đảm bảo các nhu cầu cơ bản trong đời sống của họ, từ đó họ có động lực gắn bó với DN. Ngoài lương thưởng thì quan tâm đến phúc lợi cho NLĐ là rất quan trọng. DN nên lắng nghe ý kiến của NLĐ trước khi ban hành các chính sách về phúc lợi. Hiện NLĐ rất quan tâm đến sức khỏe nên DN cần đầu tư vào vấn đề này, chẳng hạn dịch vụ bác sĩ riêng cho NLĐ. NLĐ, đặc biệt là lao động trẻ quan tâm đến chính sách làm việc linh hoạt, vừa làm việc tại văn phòng kết hợp làm việc tại nhà. DN đang trong giai đoạn chuyển đổi số nên việc quản trị việc làm cần linh hoạt để kích thích sự sáng tạo của NLĐ.

Bên cạnh đó, DN cần đẩy mạnh đào tạo, tái đào tạo, trong đó chú ý đến đào tạo các kỹ năng mới, kỹ năng công nghệ; đẩy mạnh số hóa để NLĐ nâng cao tay nghề và thích ứng nhanh với sự thay đổi của công việc và đời sống xây dựng văn hóa DN bền vững, giúp gắn kết giữa NLĐ và DN. Làm sao gắn kết NLĐ với nhau kể cả gắn kết với người thân của NLĐ. DN cũng nên chia sẻ với NLĐ về mục tiêu phát triển để họ có động lực, mục tiêu gắn kết dài lâu. DN cần viết nên một câu chuyện với sứ mệnh đóng góp cho xã hội những gì để NLĐ nhìn vào đó mà phấn đấu vì mục tiêu chung.

Nhiều giải pháp khả thi, sát sườn - Ảnh 4.
Nhiều giải pháp khả thi, sát sườn - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo