xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sập bẫy lừa xuất khẩu lao động qua mạng

Bài và ảnh: GIANG NAM

Chưa tìm hiểu kỹ, chỉ nhìn thấy những hình ảnh, thông tin được cắt ghép trên mạng xã hội khiến nhiều người dễ dàng sập bẫy lừa của những đối tượng xấu

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) lợi dụng sự nóng vội của người lao động (NLĐ) và quy định giãn cách để "giăng bẫy". Bằng nhiều chiêu thức tinh vi, các công ty "ma" này đã nhận tiền của NLĐ với những lời hứa có cánh rồi ôm tiền bỏ chạy.

Cả tin, nóng vội

Với mong muốn ra nước ngoài làm việc để kiếm được tiền lo cho gia đình, chị N.T.H (quê Bình Phước) được bạn bè chia sẻ thông tin tuyển lao động đi Nhật Bản trên mạng xã hội.

H. cho biết sau thời gian dài thất nghiệp do dịch bệnh, đọc được thông tin tuyển lao động sang Nhật Bản làm việc diện thực tập sinh với ưu đãi lớn chỉ có trong mùa dịch bệnh nên gọi điện để được tư vấn và nhanh chóng đồng ý tham gia đơn hàng. Đơn hàng này do Công ty TNHH TM DV Okinaki có trụ sở tại đường Mễ Cốc, quận 8, TP HCM đăng tải. "Do nóng vội không tìm hiểu kỹ nên tôi và hàng trăm người đã bị công ty này lừa. Sau này tôi mới biết các đơn hàng mà công ty này đăng tuyển đều là ảo. Họ nhận tiền, giao cho công ty liên kết đào tạo nhưng không đưa được ai đi cả. Hết thời gian giãn cách, chúng tôi tìm đến công ty thì mới biết họ đã trả mặt bằng" - chị Hiền uất ức.

Cũng mong muốn được sang Canada làm việc để cải thiện thu nhập, tìm cho mình cơ hội mới, chị N.T.H.P (ngụ Tân Bình, TP HCM) lên mạng tìm hiểu và làm thành viên các nhóm có cùng nguyện vọng. Khi chị đăng thông tin nói về mong muốn của mình, chị được một người đàn ông tên T.V.G giới thiệu là Việt kiều đang làm ăn sinh sống tại Canada. Sau vài ngày nói chuyện qua lại, chị P. được G. tư vấn làm thủ tục trọn gói sang Canada làm việc theo diện work permit (lao động có giấy phép). Tổng chi phí mà chị P. phải đưa cho G. là hơn 30.000 USD. "Không chỉ tôi mà bạn tôi cũng bị tên này lừa hàng trăm triệu đồng. Thủ đoạn của G. là khoe các mối quan hệ lớn tại Canada có thể lo thủ tục visa cho lao động sang Canada làm việc theo diện work permit, đổi visa thăm thân sang work permit và cả việc đưa lao động có tay nghề sang Canada định cư. Rất nhiều người đã bị tên này đưa vào tròng".

Sau khi biết mình bị lừa, chị P. đã tích cực "bóc phốt" kẻ lừa đảo và rất bất ngờ khi nhận được nhiều thông tin người Việt tại Canada cũng là nạn nhân.

Sập bẫy lừa xuất khẩu lao động qua mạng - Ảnh 1.

Cư dân mạng nhắc nhau tránh bẫy lừa của T.V.G

Phải tìm hiểu kỹ

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, hiện nay Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định 3 hình thức đi làm việc ở nước ngoài gồm: Hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ký với DN, tổ chức, cá nhân sau đây: DN Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; DN Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; DN Việt Nam đưa NLĐ đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hợp đồng lao động do NLĐ trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài. "NLĐ trước khi quyết định đến một công ty nào đó để lựa chọn dịch vụ XKLĐ thì nên tìm hiểu thật kỹ mọi thông tin liên quan. Trước hết là xem quy mô công ty đó như thế nào, có đủ các bộ phận tư vấn tuyển sinh, đào tạo tiếng, đào tạo nghề hay không. Kế đến quan trọng nhất là kiểm tra trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (colab.gov.vn) xem công ty đó có được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép phái cử lao động hay không" - ông Quỳnh lưu ý.

Ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm XKLĐ Mai Linh (quận 7, TP HCM), cho rằng việc nhiều công ty "ma" cố tình tạo đơn hàng giả để lừa NLĐ đang diễn ra nhiều nơi, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Lợi dụng việc Nhật Bản tăng cường tuyển lao động từ Việt Nam và cả việc NLĐ nôn nóng muốn được đi nhanh, những kẻ lừa đảo đã giăng bẫy khắp nơi, nhiều nhất là thông qua mạng xã hội. "Trong các công ty tạo nguồn vẫn có công ty làm rất tốt khi họ liên kết chặt chẽ với công ty có giấy phép phái cử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, hiện có nhiều công ty lập ra, treo bảng hiệu, kê bàn ghế rồi lên mạng tuyển số lượng lớn, yêu cầu đầu vào đơn giản, mức phí cực thấp… để chiêu dụ NLĐ. Cho nên, điều quan trọng nhất vẫn ở NLĐ. Hãy tỉnh táo, tìm hiểu kỹ, tìm hiểu nhiều nơi để tìm được nơi uy tín, tránh tiền mất tật mang" - ông Bình khuyên. 

Tìm nạn nhân bị lừa đảo

Công an TP HCM vừa bắt giữ Nguyễn Việt Vương, 31 tuổi, được cho là cùng đối tác nhận gần 8 tỉ đồng của 90 người để đưa họ đi lao động tại Nhật Bản nhưng sau đó chiếm đoạt, bỏ trốn. Vương là trưởng văn phòng đại diện miền Nam của Công ty CP Atlantic bị bắt theo lệnh truy nã về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đề nghị cá nhân nào bị Nguyễn Việt Vương lừa đảo liên hệ Đội 9 - Phòng Cảnh sát Kinh tế, địa chỉ: 674 đường 3 Tháng 2, phường 14, quận 10, TP HCM, điện thoại: 0693187783, gặp điều tra viên Trương Thành Trung để cung cấp thông tin.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo