xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sớm đưa các gói hỗ trợ đến tay người dân

VĂN DUẨN

Cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập

Sáng 14-7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Chặn đứng nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. So với quý I/2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động bị ảnh hưởng, nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng.

Sớm đưa các gói hỗ trợ đến tay người dân - Ảnh 1.

Ông Cao Hồng Hà - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, TP HCM - tặng quà cho công nhân khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 .Ảnh: THANH NGA

Trong tổng số 12,8 triệu người bị ảnh hưởng có 557.000 người bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất - kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%. Các lĩnh vực đã bị ảnh hưởng lớn từ năm 2020, nay càng tác động sâu hơn, khiến đời sống NLĐ các ngành thương mại, dịch vụ, giao thông, du lịch... khó khăn hơn.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, không chỉ có nguy cơ đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, dịch Covid-19 còn khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động trở nên hiện hữu. Đặc biệt, biến chủng mới đã xâm nhập "thành trì" quan trọng nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung những doanh nghiệp (DN) sử dụng đông đảo lao động. Đây là khu vực có 3,8 triệu/11 triệu lao động trực tiếp trong cả nước. Đợt dịch lần thứ 4 đã khiến 130.000 lao động của tỉnh Bắc Giang bị dừng hoạt động. Sau hơn 1 tháng, đến nay mới có 80.000 lao động đi làm trở lại. Ở khu vực phía Nam, TP HCM có 1,6 triệu lao động, Bình Dương có 1,2 triệu lao động, Đồng Nai có 1 triệu lao động bị tác động lớn. Tình trạng NLĐ rút BHXH một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp gia tăng và nguy cơ không dừng ở đây.

Trong bối cảnh đó việc ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất lớn.

TP HCM sớm hoàn tất hỗ trợ lao động tự do

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết HĐND TP ngày 25-6 đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỉ đồng, để hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 230.000 lao động tự do. Đến ngày 13-7, đã có 46% lao động tự do được nhận mức hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày, từ 31-5 đến 29-6. TP cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần TP phải cách ly xã hội để chống dịch vẫn với mức 50.000 đồng/người/ngày, trong 15 ngày.

Theo ông Tấn, gói hỗ trợ 886 tỉ đồng đang triển khai sẽ được hỗ trợ đến 6 nhóm đối tượng là người cách ly tập trung, mức 80.000 đồng/người/ngày với tất cả đối tượng; hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống dịch các cấp với mức 120.000 đồng/người/ngày; NLĐ hoãn hợp đồng, nghỉ không lương có khoảng 80.000 công nhân (CN), kể cả giáo viên mẫu giáo, giáo viên trường nghề, đều được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người, với kinh phí 160 tỉ đồng; 24.000 lao động thất nghiệp không đủ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng, với kinh phí 20 tỉ đồng...

Các cơ quan chức năng của TP đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, DN, tiểu thương nhanh chóng nhận được hỗ trợ. Có nhóm đối tượng, NLĐ, người dân không phải làm bất cứ thủ tục gì vẫn được DN, các cơ quan chức năng lo thủ tục để chuyển tiền cho người dân, lao động sớm nhất. "TP sẽ hoàn thành công tác hỗ trợ người dân, DN trong gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 ngay trong tháng 7 này" - ông Tấn nói. Ông cũng cho biết ngoài gói hỗ trợ 886 tỉ đồng từ ngân sách TP, cũng có các tổ chức, đơn vị vận động, quyên góp để hỗ trợ thêm cho những người dân bị ảnh hưởng, khó khăn bởi đại dịch.

Công đoàn sát cánh với người lao động

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết trong 3 đợt bùng phát dịch đã có hơn 255.000 đoàn viên, NLĐ được hỗ trợ với tổng số kinh phí hơn 176 tỉ đồng. Ngoài ra, tổ chức Công đoàn đã tích cực vận động từ các nguồn xã hội hóa để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ với số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với những biến chủng virus mới đã bùng phát mạnh kể từ cuối tháng 4 đến nay tiếp tục tác động mạnh mẽ tới CN, với trên 9.450 ca nhiễm là CN tại địa bàn 35 tỉnh, TP. Đã có khoảng 60.000 F1, 16.000 F2 là CN trong các DN, khu công nghiệp; gần 500.000 CN phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hằng ngày. Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4 với tổng số tiền trên 113 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ 193.248 đoàn viên, NLĐ với số tiền 96,137 tỉ đồng, chi hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch 17,127 tỉ đồng.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động chương trình "Vắc-xin cho CN" thông qua Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng. Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng đã ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 Việt Nam với tổng số tiền 150 tỉ đồng. Đồng thời có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và đã được chấp thuận là cho phép DN được hạch toán kinh phí mua vắc-xin Covid-19 cho CN hoặc kinh phí tài trợ cho Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 vào chi phí hợp lý, hợp lệ của DN để tính thuế thu nhập DN.

Trước diễn biến dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành phía Nam trong thời gian vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kịp thời tới thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ NLĐ, các DN gặp khó khăn; huy động cán bộ Công đoàn các cấp tích cực bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động vừa thực hiện phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất - kinh doanh, hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các sở LĐ-TB-XH cần chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương để tham mưu cho Tỉnh/Thành ủy, UBND tỉnh/thành phố triển khai 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. “Phải quán triệt tinh thần người dân đang rất khó khăn, đang mong chờ, mong ngóng từng ngày được nhận hỗ trợ. Triển khai chậm là có lỗi, trục lợi là có tội với dân” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo