xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TĂNG GIỜ LÀM THÊM: Cần bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người lao động

NHÓM PHÓNG VIÊN

Khi nâng giờ làm thêm, doanh nghiệp cần bố trí thời gian nghỉ ngơi phù hợp và bảo đảm chế độ ăn uống cho người lao động

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa thông qua dự thảo Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.

Không quá 60 giờ/tháng là phù hợp

Có 5 trường hợp không được áp dụng tăng giờ làm thêm, gồm: NLĐ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; NLĐ là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ nếu khi NSDLĐ có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Việc "chốt" số giờ làm thêm của NLĐ được UBTVQH thảo luận kỹ tai phiên họp thứ 9, tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan liên quan. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, trong quá trình lấy ý kiến, mức trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng có 2 dòng ý kiến. Dòng ý kiến thứ nhất cho rằng việc nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục, đề nghị chỉ nên nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá không quá 60 giờ. "Đây cũng là ý kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của NLĐ" - bà Nguyễn Thúy Anh cho hay. Trong khi đó, dòng ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng DN muốn tăng năng suất lao động là phải cải tiến khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi mô hình vào sản xuất - kinh doanh. "Chúng ta không thể đánh đổi sức khỏe và tính mạng của người dân để lấy tăng trưởng và phải bảo đảm tăng lương, giảm giờ làm" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh thời gian làm việc cần dựa trên quan điểm của NSDLĐ, NLĐ và cơ sở khoa học về giờ làm theo tháng, theo năm đã được nghiên cứu khoa học. Do đó, phương án tăng thêm giờ làm không quá 60 giờ/tháng là phù hợp. Đồng tình với việc tăng giờ làm thêm không quá 60 giờ mỗi tháng, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho rằng nếu tăng lên 72 giờ thì NLĐ sẽ cải thiện được thu nhập, song năng suất lao động và thời gian tái tạo sức lao động sẽ giảm.

TĂNG GIỜ LÀM THÊM: Cần bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người lao động - Ảnh 1.

Công nhân và doanh nghiệp đều có nhu cầu tăng ca trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Tính toán thời gian nghỉ ngơi phù hợp

Tiếp xúc với chúng tôi, NLĐ, cán bộ Công đoàn cho rằng việc lựa chọn phương án tăng thêm giờ làm không quá 60 giờ/tháng là phù hợp với tình hình hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty CP Dệt may và Đầu tư Thương mại Thành Công (KCN Tân Bình, quận Tân Phú, TP HCM), cho biết do yêu cầu về đơn hàng, từ đầu năm 2022 đến nay, công ty đã thỏa thuận với NLĐ tăng ca 3 giờ/ngày. Đa số NLĐ đều đồng ý và mong muốn làm thêm giờ để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt trước tình hình tăng giá hiện nay. Chị Lê Thị Hạnh, CN Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết lương cơ bản và phụ cấp của chị chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Nhờ thường xuyên tăng ca mà thu nhập của chị lên tới 20 triệu đồng/tháng. "Nhờ làm thêm giờ mà tôi có tiền trang trải chi phí sinh hoạt và có tiền gửi về quê cho ba mẹ nuôi 2 em còn đi học" - chị Hạnh cho biết.

Ông Nguyễn Phước An, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn), cho biết làm thêm giờ là nhu cầu của cả DN và NLĐ. Tuy nhiên, ông An lưu ý khi nâng giờ làm thêm cần bảo đảm phúc lợi cho NLĐ như thời gian nghỉ ngơi phù hợp khi hết thời gian làm việc bình thường là 8 giờ. Ngoài ra, cũng chăm lo tốt chế độ ăn uống để bảo đảm sức khỏe, khuyến khích NLĐ tăng ca. "NSDLĐ phải trả lương tương xứng để khuyến khích NLĐ. Khi tăng ca, DN phải thỏa thuận và được sự đồng ý của NLĐ" - ông An nói thêm.

Ông Hà Quang Tuyến, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Giày Thiên Lộc (quận 12, TP HCM), cho biết trong các cuộc thanh - kiểm tra về thực hiện chính sách lao động của cơ quan chức năng tại DN, hầu như các mặt công ty đều thực hiện tốt và chỉ vượt quá thời giờ làm thêm. Mỗi ngày, công ty thỏa thuận với NLĐ tăng ca 2 giờ/ngày, nếu duy trì cả năm thì số giờ làm thêm đã vượt xa mức trần 300 giờ/năm theo luật định. Mức 300 giờ/năm tính ra mỗi ngày NLĐ chỉ tăng ca 1 giờ, quá ít. Hầu hết các DN đã tổ chức tăng ca vượt xa quy định này nên quy định mức trần không thực tế. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật - Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau khi có Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, việc cần làm ngay là cơ quan chức năng phải tuyên truyền để NLĐ và NSDLĐ hiểu đúng, hiểu đủ về tăng giờ làm thêm. Cụ thể NLĐ và NSDLĐ sẽ thỏa thuận để làm việc trong giới hạn cho phép chứ không có nghĩa tăng trần từ 40 giờ lên không quá 60 giờ là phải làm đủ 60 giờ. "Nếu NLĐ vì sức khỏe, như mắc Covid-19, không thể làm thêm giờ mà NSDLĐ áp dụng các quy định chế tài là vi phạm pháp luật" - ông Quảng bày tỏ. 

TS VŨ MINH TIẾN - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam):

Bù đắp cho người lao động

Việc tăng "trần" theo tháng khoảng 52 - 60 giờ sẽ bảo đảm sức khỏe của NLĐ hơn, tránh trường hợp làm dồn, cật lực trong cả tháng. Hiện nay, NLĐ đang làm việc khoảng 26 ngày/tháng; bình quân làm thêm khoảng 2-2,5 giờ/ngày. Về các chế độ khi làm thêm giờ bình thường, theo quy định, NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm, vào ngày thường, ít nhất bằng 150%. Luật chỉ quy định mức tối thiểu là 150% với giờ làm thêm bình thường, mức cao hơn thì cần phải thương lượng. Tôi đề nghị NLĐ chủ động đề xuất; Công đoàn cơ sở đại diện cho NLĐ đối thoại, thương lượng để trong giai đoạn đặc biệt này, NLĐ đã sẵn sàng làm hơn giờ so với quy định hiện hành, NLĐ cống hiến cho DN thì DN cũng bù đắp lại bằng cách tăng 160%-170% chẳng hạn; có chế độ bồi dưỡng giữa ca, ăn ca... để họ có sức khỏe.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo