xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng lương tối thiểu: Hãy vì đời sống công nhân!

NHÓM PHÓNG VIÊN CÔNG ĐOÀN

Lương tối thiểu hằng năm tăng nhỏ giọt khiến công nhân sống hết sức chật vật

Đã hơn 19 giờ mà từng tốp công nhân (CN) Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) vẫn còn nấn ná ở khu chợ tạm để chờ mua thức ăn cho bữa cơm chiều. Dù thực phẩm ở khu chợ này là hàng dạt, giá khá mềm song nhiều CN vẫn cố chờ cho đến khi sắp dẹp chợ để mua được giá rẻ.

Không tăng ca là đói

Chúng tôi theo chân bà Nguyễn Thị Thúy, CN Công ty Pou Yuen Việt Nam, rảo một vòng khu chợ. Sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt người phụ nữ đã gần 50 tuổi này. “Dù sức khỏe không tốt nhưng tôi phải tranh thủ tăng ca để kiếm thêm tiền, nếu không sẽ không trụ nổi. Tổng thu nhập kể cả tiền tăng ca chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng nên chi thứ gì cũng phải đắn đo” - bà Thúy tâm sự.

Chồng và 2 con của bà Thúy cũng làm CN, thu nhập quá thấp nên đời sống rất chật vật. Bữa cơm gia đình hằng ngày chủ yếu là rau và trứng luộc. Cạnh phòng trọ của bà Thúy, gia đình chị Phan Thúy Hồng, CN Công ty Sản xuất đế giày Trường Thành, cũng chẳng khá hơn. Chị Hồng làm việc ở công ty gần 2 năm, lương mỗi tháng được 3,6 triệu đồng, nếu tăng ca thì được hơn 4 triệu đồng. Chồng chị làm phụ hồ, thu nhập cũng rất bấp bênh. “Vợ chồng cố gắng bám trụ kiếm tiền nuôi con mà cứ thiếu trước hụt sau hoài. Sắp tới, chắc vợ chồng em về quê” - chị Hồng bộc bạch.

 

Rau là lựa chọn hàng đầu cho bữa ăn của người lao động nghèo  Ảnh: Nguyễn Luân
Rau là lựa chọn hàng đầu cho bữa ăn của người lao động nghèo Ảnh: Nguyễn Luân

 

Khi chúng tôi hỏi về việc tăng lương tối thiểu (LTT), chị Trần Thị Hoa, CN Công ty Prokingtex (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết với CN ngoại tỉnh, tăng được đồng nào thì quý đồng đó. “Mức đề xuất 16,8% của Tổng LĐLĐ Việt Nam theo tôi là hợp lý. Với mức ấy, mỗi CN được tăng thêm khoảng 500.000 đồng; sau khi trừ bảo hiểm các loại và bù cho các khoản tăng theo lương như tiền nhà trọ, điện, nước, thực phẩm..., số tiền còn lại chúng tôi có thể mua được 1 hộp sữa cho con” - chị Hoa bày tỏ.

Chủ doanh nghiệp biết rõ đời sống công nhân

Trao đổi với chúng tôi về mức tăng LTT như thế nào là hợp lý, giám đốc một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TP HCM) không ngần ngại nói: “Mức tăng phải tính đến sức chịu đựng của DN song quan trọng hơn là phải thực chất, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu của người lao động (NLĐ); chí ít cũng giúp cải thiện phần nào cuộc sống của họ”.

Trước lo ngại của nhiều DN khi LTT tăng sẽ kéo theo việc tăng các khoản trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Giám đốc DNTN Hồng Phúc, lại có ý kiến khác: “Thực tế, các DN đều trả lương cho cao hơn mức tối thiểu do nhà nước quy định, do vậy nếu có tăng chút đỉnh thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến DN. Bên cạnh đó, lâu nay nhiều DN đã có chính sách hỗ trợ thêm cho CN, chẳng hạn các khoản phụ cấp như tay nghề, nhà trọ, xăng, chuyên cần... Điều này cho thấy DN ý thức được rằng CN khó sống với mức LTT”.

 

Chuẩn bị bữa ăn đạm bạc của một gia đình công nhân Ảnh: Hồng Đào
Chuẩn bị bữa ăn đạm bạc của một gia đình công nhân Ảnh: Hồng Đào

Tại cuộc họp lần trước của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng năm 2016, khi Luật BHXH mới có hiệu lực thì người sử dụng lao động phải đóng thêm 24% của các khoản phụ cấp tăng thêm; năm 2018 sẽ phải đóng thêm cho các “khoản bổ sung khác” ngoài tiền lương theo quy định của điều 90 Bộ Luật Lao động.

Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, đến thời điểm này, chưa có hướng dẫn nào quy định đến ngày 1-1-2016, DN phải đóng BHXH bao gồm tiền lương và phụ cấp. Chỉ có quy định trong Luật BHXH đến ngày 1-1-2018, tiền lương làm cơ sở đóng BHXH là tiền lương tính theo quy định của điều 90 Bộ Luật Lao động. Trên thực tế, khoản đóng BHXH này phát sinh không nhiều, các khoản phụ cấp trách nhiệm và độc hại đã được đóng từ trước; phụ cấp còn lại chủ yếu đó là tiền chuyên cần, hỗ trợ đi lại, nhà ở, nuôi con nhỏ... nhưng tỉ lệ người được hưởng và số tiền hưởng không cao.

Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Hà Nội:

Buồn thê thảm

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng LTT vùng năm 2016 lên 17% của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đời sống của CN đang buồn thê thảm. Có đến với CN mới thấy có trường hợp CN đi viện mà không có đồng nào, chủ nhà trọ phải ứng tiền đóng viện phí. Lại có trường hợp chủ nhà trọ phải cho CN 200.000 đồng để về quê vì không có việc làm. Theo tôi, việc tính toán mức sống tối thiểu phải chú ý đến chi phí nhà trẻ cho con CN khi mà phần lớn CN thường phải gửi con ở các nhà trẻ tư thục với chi phí rất cao. Từ năm 2014, gửi trẻ đã phải mất 1,4 triệu đồng/cháu/tháng rồi.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ Cao TP HCM):

Hầu hết đã vắt kiệt sức lực

Những ngày qua, tôi luôn theo dõi thông tin về việc tăng LTT năm 2016. Giữa 2 phương án của VCCI và Tổng LĐLĐ Việt Nam, tôi ủng hộ phương án của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Phương án này xuất phát từ khảo sát thực tế đời sống NLĐ, đồng thời đã cân nhắc đến mục tiêu LTT phải đủ sống vào năm 2017.

Mặt khác, tôi cho rằng ở bất kỳ DN nào, nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng nên việc đầu tư cho họ là xứng đáng; cụ thể là làm sao để CN có cuộc sống ổn định, con cái được học hành tử tế và bản thân họ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết CN đã vắt kiệt sức để làm việc và tăng ca, họ không còn nghĩ đến việc học tập hoặc hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần. Vì vậy, theo tôi LTT đủ trang trải cuộc sống là điều tối cần thiết, cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước.

Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty Sanofi Aventis:

Mức tăng nên là 20%

Mức LTT hiện nay chỉ đáp ứng được từ 60%-70% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Để sống được, CN phải tăng ca cật lực. Việc làm thêm nhiều, ăn uống thiếu thốn, ở những nơi tồi tàn... sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ, ảnh hưởng đến giống nòi trong tương lai. Vì thế, mức tăng 16,8% như Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị vẫn chưa giải quyết được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Theo tôi, mức tăng thấp nhất phải 20% thì CN mới sống được. Trước đây, kinh tế khó khăn, mức tăng thấp, nay kinh tế đã có chuyển biến tốt thì phải tăng lương hợp lý cho CN. Như thế mới công bằng, mới đúng đạo lý.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, CN Công ty Paiho (KCN Tân Tạo, TP HCM):

Hãy giúp chúng tôi “sống” được!

Vợ chồng tôi cùng làm CN, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Chúng tôi ở nhà trọ, có 2 con nhỏ, mức thu nhập ấy không đủ sống nên phải làm thêm. Tôi làm công ty may còn tăng ca được chứ chồng tôi làm giờ hành chính, có muốn cũng không thể tăng ca, đành phải đi giữ xe cho quán ăn, chạy bàn quán cà phê buổi tối... Làm thêm nhiều đến nỗi vợ chồng rất ít thời gian gặp nhau, con cái cũng ít gần cha mẹ. Nhưng không làm thêm, không tăng ca thì không thể nào lo cho 2 con ăn học, có tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Tôi mong Hội đồng Tiền lương quốc gia có sự cân nhắc kỹ để CN “sống” được bằng lương.

Ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch CĐ Công ty Domex (KCX Linh Trung, TP HCM):

Quan trọng là chất lượng sống phải tăng

Tăng nhiều hay ít không thành vấn đề mà đồng lương được tăng phải có giá trị chứ không chỉ để dùng bù trượt giá đồng tiền. Tăng lương nhưng chất lượng sống thực tế của NLĐ có được tăng hay không mới là điều những người làm chính sách nên nghĩ tới. Qua khảo sát tại công ty chúng tôi, 100% CN đều muốn tăng ca. Vào thời điểm ít hàng hoặc công ty không bố trí tăng ca là xảy ra ngừng việc đòi tăng ca hoặc CN rời bỏ công ty, tìm chỗ làm khác. Cho nên, chỉ khi nào NLĐ không còn đòi hỏi tăng ca thì mới chứng tỏ đời sống của họ được nâng lên.

Anh Đỗ Văn Giáp (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội):

Mong đề xuất của Tổng LĐLĐ được thông qua

Quê Vĩnh Phúc, hiện làm việc cho một DN chuyên sản xuất thiết bị ô tô, lương cơ bản được 3,4 triệu đồng/tháng, cộng với các khoản phụ cấp thì tổng thu nhập của tôi được 4,8 triệu đồng/tháng. Tiền ăn và tiền thuê nhà hết khoảng 2 triệu đồng, rồi chi tiêu các khoản cơ bản khác thì tằn tiện lắm, còn dư khoảng 1 triệu đồng/tháng để phòng lúc ốm đau chứ cũng chẳng có “thong thả” để gửi về giúp đỡ bố mẹ. Nếu đề xuất tăng lương của Tổng LĐLĐ Việt Nam được thông qua thì chúng tôi rất mừng. Chỉ mong các bác quan tâm một chút để CN bớt khổ.

H.Đào - M.Chi - T.Nga - V.Duẩn ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo