xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

THÁCH THỨC TRƯỚC NGƯỠNG CỬA TPP (*): Phải chuẩn hóa nguồn nhân lực

Bài và ảnh: THANH NGA

Hình thành tác phong công nghiệp và nâng cao năng suất lao động cho công nhân là cách doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Ấn tượng sâu sắc nhất của chúng tôi khi đến Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao - quận 9, TP HCM) chính là môi trường làm việc vô cùng sạch sẽ, thoáng đãng. Mọi ngóc ngách ở nhà xưởng, nhà ăn đều được sắp xếp gọn ghẽ, khoa học. Đây là một trong số ít doanh nghiệp (DN) đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa tại nơi làm việc.

Chỉn chu từ việc nhỏ

Có thể cảm nhận điều ấy ở ý thức kỷ luật của hơn 3.000 công nhân (CN) Công ty TNHH Nidec Việt Nam. Không chỉ làm việc với năng suất cao, tất thảy CN còn tuân thủ nghiêm giờ giấc làm việc, hiếm khi xảy ra tình trạng đi trễ, về sớm. Ngay cả khi ban giám đốc thỏa thuận với CN mỗi ngày làm thêm 10 phút để được cộng thêm 6 ngày phép mỗi năm (trừ số ngày phép được pháp luật quy định), tất cả đều vui vẻ hợp tác.

Công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam thường xuyên được rèn giũa tác phong công nghiệp
Công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam thường xuyên được rèn giũa tác phong công nghiệp

Thực tế, để hình thành ý thức tự giác ấy trong CN, ban giám đốc đã dành nhiều công sức cho công tác huấn luyện, đào tạo nhằm đưa họ vào khuôn khổ. CN được tuyển dụng phải trải qua quy trình huấn luyện khắt khe, bắt đầu từ những việc nhỏ như sắp xếp ngăn nắp chỗ làm việc, tủ để đồ, vệ sinh khu vực ăn uống… Tận mắt chứng kiến CN tự giác làm sạch chỗ ngồi sau khi dùng bữa và để vật dụng đúng nơi quy định, chúng tôi rất thích thú.

“Đa phần CN xuất thân từ các vùng quê nên chưa quen với nếp sinh hoạt trong nhà máy. Do vậy, cần phải có thời gian để đưa họ vào nền nếp. Với một DN gia công như Nidec Việt Nam, đòi hỏi tác phong làm việc ở CN rất cao và đây cũng là yêu cầu bắt buộc. Thời gian đầu khi DN áp dụng những quy định về giờ giấc, tác phong, họ cảm thấy bó buộc. Tuy nhiên, được cán bộ CĐ và quản lý của công ty nhắc nhở, họ quen dần và sớm đi vào nền nếp” - ông Lưu Kim Hồng, chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty, cho biết.

Xây dựng môi trường làm việc văn hóa cũng là mục tiêu của Ban Giám đốc và CĐ Công ty Liên doanh Bio-Pharmachemie (CĐ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn). Khẳng định vai trò tiên phong, CĐ cơ sở đã chủ động đề xuất ban giám đốc thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa với các nội dung cụ thể, điển hình như vận động người lao động cùng chung tay làm sạch cơ quan (trồng cây xanh, tự giác nhặt rác; tuân thủ giờ giấc làm việc, lịch sự, tế nhị trong giao tiếp…). Những việc làm tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại giúp môi trường làm việc tại DN thay da đổi thịt, từ cổng vào đến các khu vực sản xuất đều không rác.

“CN làm việc lâu năm chiếm số đông nên không chỉ lành nghề, họ đều có ý thức trong công việc cũng như xây dựng môi trường làm việc. Đây là lợi thế lớn giúp DN hòa nhập tốt” - bà Bùi Thanh Hậu, chủ tịch CĐ công ty, nhìn nhận.

Đi tắt đón đầu

Xu thế hội nhập đòi hỏi DN ngoài đầu tư đổi mới công nghệ còn phải tìm mọi cách để nâng cao trình độ chuyên mônkỹ năng nghề cho CN. Tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Tháp Kim (quận Bình Thạnh, TP HCM), chủ trương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được thể hiện bằng chính sách cụ thể nhằm khuyến khích CN nâng cao tay nghề và phát huy tinh thần sáng tạo.

Hằng năm, Tháp Kim sẵn sàng bỏ chi phí cử cán bộ kỹ thuật đi đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm có uy tín hoặc đào tạo nghề tại chỗ cho CN. Định kỳ, ban giám đốc còn tổ chức sát hạch tay nghề CN từ bậc 3 trở lên. CN vượt qua sát hạch sẽ được nâng bậc, nâng lương tương xứng trình độ nghề. DN còn khen thưởng xứng đáng cho CN có sáng kiến cải tiến sản xuất. Với chính sách đi tắt đón đầu ấy, công ty luôn sở hữu nguồn nhân lực ổn định, có trình độ cao, nhờ vậy có thể đáp ứng các mục tiêu mở rộng sản xuất - kinh doanh. Một trong những cá nhân nổi bật là anh Phùng Bá Lực, từng đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng. “Đam mê và sáng tạo trong công việc hằng ngày giúp người thợ trưởng thành và tự tin hội nhập” - anh Lực bày tỏ.

2015 là một năm có rất nhiều khó khăn với khách sạn Rex, một phần do dự án phố đi bộ Nguyễn Huệ và công trình metro đang thi công. Trước những khó khăn ấy, tập thể lãnh đạo và CNVC-LĐ đã tìm tòi những giải pháp cụ thể để khắc phục, như dán bảng thông tin hướng dẫn lối đi đến khách sạn Rex tại các hàng rào chắn của công trình dọc những tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi.

Năng động hơn, CĐ khách sạn Rex còn phát động nhiều đợt thi đua sôi nổi với nội dung trọng tâm khuyến khích người lao động hiến kế nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ. Thực tế, các sáng kiến hữu ích nhằm thu hút khách do tập thể lao động đề xuất được triển khai không chỉ giúp khách sạn tiết kiệm chi phí quản lý mà còn để lại hình ảnh đẹp với khách.

Ông Âu Hoàng Hà, Phó giám đốc Công ty CP In số 7 (Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn):

Nắm bắt cơ hội

Việc Việt Nam gia nhập TPP vừa là cơ hội vừa là thử thách với DN. Công ty CP In số 7 đang áp dụng SA 8000, thực hiện trách nhiệm xã hội: không sử dụng lao động trẻ em, không có lao động cưỡng bức; tiền lương, thưởng công khai, minh bạch; nghỉ phép năm đúng quy định pháp luật; thực hiện tốt phòng cháy chữa cháy... Vì thế, việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế không phải là trở ngại với DN. Vấn đề còn lại của DN là biết nắm bắt cơ hội để mở rộng thị trường nhằm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

H.Đào ghi

 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo