xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thẳng thắn để gỡ vướng

Bài và ảnh: TRỰC NGÔN

Cùng hàn gắn bất đồng trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau sẽ giúp doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động lâu dài

"Để xảy ra vụ việc, trước tiên là lỗi của ban giám đốc khi chưa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên. Thế nhưng, nhân viên cũng có lỗi khi không hợp tác với công ty nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc về tiền lương, phúc lợi. Là lãnh đạo doanh nghiệp (DN), tôi nhận lãnh trách nhiệm và mong chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác lâu dài". Ông S.A, giám đốc một công ty 100% vốn nước ngoài (chuyên phân phối xe máy; quận 7, TP HCM), bày tỏ như vậy tại buổi hòa giải tranh chấp mới đây.

Tự chuốc rắc rối

Tranh chấp giữa công ty do ông S.A làm tổng giám đốc và anh D.L.K (nhân viên bán hàng) xuất phát từ việc ban giám đốc không tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng lao động. D.L.K cho biết khi ký hợp đồng với công ty vào tháng 1-2018, ngoài mức lương cứng 7 triệu đồng/tháng, anh còn được hưởng hoa hồng 1% trên mỗi sản phẩm bán ra. Tiền hoa hồng được chi vào cuối kỳ lương trong tháng.

Thẳng thắn để gỡ vướng - Ảnh 1.

Lắng nghe và đối thoại sẽ giúp doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động

Do khéo tiếp thị nên chỉ trong 4 tháng đầu, anh D.L.K giúp công ty bán được hơn 70 xe cho khách. Trong thời gian này, công ty vẫn thực hiện đúng cam kết với anh D.L.K là chi 1% hoa hồng trên mỗi sản phẩm bán ra. Những tháng sau đó, dù số lượng xe bán ra không nhiều nhưng anh D.L.K vẫn là nhân viên bán hàng xuất sắc nhất công ty.

Thế nhưng, từ đầu tháng 8-2018, khi công ty thay trưởng phòng kinh doanh tiếp thị mới thì rắc rối nảy sinh. Đầu tiên là việc vị này tự ý điều chỉnh mức chi hoa hồng từ 1% còn 0,5% mà không thỏa thuận lại với nhân viên bán hàng. Đến khi nhận lương tháng 8, phát hiện công ty chi hoa hồng không đúng thỏa thuận, anh D.L.K đã khiếu nại đến ban giám đốc và phòng kinh doanh tiếp thị. Thế nhưng, dù anh D.L.K khiếu nại có cơ sở, ban giám đốc và phòng kinh doanh tiếp thị vẫn chống chế bằng nhiều lý do khác nhau, như: doanh số bán hàng sụt giảm, công ty đang gặp khó khăn.

Ấm ức vì công ty thất hứa, anh D.L.K tìm cách "trả đũa". Đầu tiên, anh nghỉ việc không xin phép, không quẹt thẻ chấm công, đặc biệt là gây khó khăn cho khách hàng của công ty trong việc ký hợp đồng mua bán. Khi khách hàng gọi điện, anh còn không thèm nghe, thậm chí tắt nguồn điện thoại. Cách hành xử của D.L.K khiến khách hàng của công ty bức xúc và nhiều người đến khiếu nại đòi lại tiền cọc.

Nhận thấy lỗi trước tiên thuộc về DN, ông S.A chủ động hẹn anh D.L.K nhằm giải quyết vướng mắc giữa hai bên. Được dịp giải tỏa, D.L.K nói thẳng suy nghĩ của mình để ban giám đốc hiểu và giải quyết sao cho thỏa đáng. Với tinh thần cầu thị, ông S.A nhận lỗi và cam kết truy trả quyền lợi cho anh.

"Nếu công ty nhận sai và giải quyết thỏa đáng bức xúc của nhân viên thì sự việc sẽ không xảy ra. Tôi cũng có phần lỗi khi hành xử nông nổi khiến công ty mất uy tín" - anh D.L.K bộc bạch.

Vơ đũa cả nắm

Tranh chấp tại Công ty TNHH Kiến An (tỉnh Bình Dương) mới đây xuất phát từ việc một quản lý cấp cao tuyên bố cắt các khoản thưởng chuyên cần, năng suất của 200 công nhân (CN) ở chuyền 1 do để sản phẩm lỗi quá nhiều. Ức chế vì bị "vơ đũa cả nắm", nhất là thu nhập giảm sút, khoảng 100 CN ở chuyền này đã ngừng việc khiến sản xuất bị gián đoạn.

Khi CN phản ứng, lãnh đạo công ty lập tức vào cuộc và nhanh chóng phát hiện vị quản lý cấp cao nói trên đã xử lý vụ việc hết sức cảm tính, gây ức chế cho CN. Thực tế, do áp lực về sản lượng, một bộ phận CN đã cố tình làm ẩu dẫn đến việc sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, bị khách hàng phàn nàn. Thay vì kiểm tra và xử lý lỗi của từng cá nhân, vị quản lý này quyết định cắt hết các khoản thưởng của cả chuyền. Qua hệ thống camera quan sát, công ty đã phát hiện hành vi gian dối của nhóm CN này và gửi lời xin lỗi đến tập thể lao động. Vị quản lý phạm sai lầm cũng bị cho nghỉ việc.

Cách giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý của ban giám đốc đã giúp công ty nhanh chóng ổn định sản xuất. "Vụ việc là một bài học kinh nghiệm cho công tác điều hành, quản lý. Nếu lãnh đạo DN không có thiện chí sửa sai thì quan hệ lao động rất khó hàn gắn" - ông Cao Hoài Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Kiến An, đúc kết.

Cách đây không lâu, sự bất đồng trong công tác điều hành, quản lý giữa các thành viên HĐQT Công ty TNHH Thuận Ý (gia công hàng may mặc; huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) không chỉ làm xáo trộn tình hình quan hệ lao động mà còn gây thiệt thòi quyền lợi của gần 200 CN. Khi sản xuất liên tiếp gặp khó khăn, 3 thành viên HĐQT đề nghị cắt các khoản phụ cấp để giảm chi phí trả lương trong khi thành viên còn lại (tổng giám đốc) không đồng ý bởi điều này sẽ tạo cú sốc cho CN. Nắm được thông tin, Công đoàn (CĐ) cơ sở đề xuất tổ chức một buổi đối thoại giữa HĐQT và tập thể CN để tìm hướng giải quyết vụ việc. Với lập luận sắc bén của CĐ cơ sở, 3 thành viên HĐQT đã rút lại ý định trái luật.

"Nếu CĐ cơ sở không đứng ra tổ chức đối thoại, ban giám đốc sẽ không nắm được nguyện vọng của anh em CN. Thẳng thắn với nhau, các bên liên quan sẽ sớm hóa giải mọi vướng mắc" - ông Đào Bá Bình, tổng giám đốc công ty, nhìn nhận. 

“Khi xảy ra tranh chấp, người lao động mong muốn người sử dụng lao động phải có thiện chí sửa sai. Xây dựng quan hệ hợp tác với Công đoàn, biết lắng nghe và giải tỏa kịp thời bức xúc của người lao động sẽ giúp DN ổn định quan hệ lao động” - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo