xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiệt thòi vì thỏa ước trái luật

Bài và ảnh: MAI CHI

Quy định về việc xây dựng, ban hành thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp của Bộ Luật Lao động chưa chặt chẽ gây không ít rắc rối trong quá trình thực thi

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về các điều kiện lao động mà 2 bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Theo quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ), nội dung TƯLĐTT không được trái luật và phải có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, TƯLĐTT không phải chịu sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý lao động trước khi ban hành, dẫn đến nhiều bản TƯLĐTT được ký kết không đúng quy định pháp luật, bị tòa án tuyên vô hiệu. Điều này không chỉ ảnh hưởng quyền lợi NLĐ mà còn gây phiền toái cho NSDLĐ.

Đồng thuận nhưng trái luật

Cách đây ít lâu, TAND huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở phiên họp sơ thẩm giải quyết yêu cầu của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tuyên bố TƯLĐTT của Công ty Dịch vụ Năng lượng G. (viết tắt là Công ty G.; KCN Phú Mỹ 1; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vô hiệu.

Theo trình bày của đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh, bản TƯLĐTT ký kết giữa Công ty G. với tập thể NLĐ có một phần nội dung thỏa thuận không đúng và không có lợi hơn cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại khoản 2 điều 9 TƯLĐTT của Công ty G. quy định: "Trong trường hợp những ngày làm thêm trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì NLĐ được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp hoặc theo sự sắp xếp của công ty". Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, thỏa thuận này trái với quy định tại khoản 3 điều 115 BLLĐ. Chưa hết, khoản 2 điều 10 của TƯLĐTT cũng quy định: "NLĐ có thể chọn thời gian nghỉ bù tương ứng thay vì hưởng phụ cấp" là trái với quy định tại điều 97 BLLĐ. Qua xem xét, đối chiếu tài liệu do Ban Quản lý các KCN tỉnh cung cấp, tòa đã tuyên các điều khoản nói trên trong TƯLĐTT của Công ty G. vô hiệu.

Trước đó cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Dù được xác lập sau khi tiến hành thương lượng tập thể theo đúng quy định tại điều 83 BLLĐ nhưng TƯLĐTT giữa Công ty H. (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với tập thể NLĐ cũng bị TAND huyện Tân Thành tuyên vô hiệu một phần do nội dung thỏa thuận trái quy định pháp luật. Đó là quy định: "Nếu quá 3 tháng kể từ ngày TƯLĐTT hết hạn mà thương lượng không đi đến kết quả thì TƯLĐTT đương nhiên hết hiệu lực". Nội dung này trái với quy định tại điều 81 BLLĐ.

Thiệt thòi vì thỏa ước trái luật - Ảnh 1.

Người lao động sẽ yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp khi được hưởng quyền lợi cao hơn luật định

Chưa bảo đảm quyền lợi người lao động

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nguyên nhân của thực trạng trên là do NSDLĐ và NLĐ chưa quan tâm đúng mức, chưa xem trọng việc xây dựng, ký kết TƯLĐTT. Nhiều NLĐ hiện nay còn bị hạn chế về kiến thức pháp luật, chưa mạnh dạn đưa ra ý kiến trong quá trình thương lượng, xây dựng TƯLĐTT để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. "Mặt khác, theo quy định của BLLĐ hiện hành, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, NSDLĐ hoặc đại diện NSDLĐ chỉ phải gửi một bản TƯLĐTT đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Bản TƯLĐTT có hiệu lực ngay trong ngày được ký kết hoặc theo ngày thỏa thuận ghi trong thỏa ước. Nghĩa là TƯLĐTT được ban hành mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng nên dễ dẫn đến sai sót" - ông Triều nêu.

Đồng tình với nhận định trên, luật sư Trần Văn Trí, Giám đốc điều hành Công ty Luật Sài Gòn Phú Sĩ, cho biết thêm: Theo quy định, nội dung TƯLĐTT không được trái luật và phải có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Tuy nhiên quy định chung chung này khiến các bên gặp khó khăn trong quá trình thương lượng vì luật không quy định hết tất cả trường hợp phát sinh trong thực tiễn. Do đó, khi thương lượng một số nội dung mới, doanh nghiệp và NLĐ không thể xác định được điều khoản ấy có trái hay có lợi hơn so với quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Trí, thông thường, sau khi ký kết, TƯLĐTT sẽ được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Nếu TƯLĐTT chưa có hiệu lực, có nội dung trái pháp luật hoặc ký kết không đúng thẩm quyền thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các bên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định. Trường hợp TƯLĐTT đã có hiệu lực thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu tòa án tuyên bố TƯLĐTT vô hiệu. Một khi TƯLĐTT bị tuyên vô hiệu một phần hay toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích các bên ghi trong thỏa ước sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật và các thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng lao động. Như vậy, ở khía cạnh nào đó lợi ích của NLĐ sẽ bị thiệt thòi vì quyền lợi chỉ được bảo đảm ở mức sàn theo quy định của BLLĐ, thay vì những thỏa thuận cao hơn luật trong TƯLĐTT. 

Rút ngắn quy trình, thủ tục tuyên TƯLĐTT vô hiệu

"Quy định về thủ tục, trình tự xem xét TƯLĐTT vô hiệu tại tòa án được quy định tại điều 402 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2014. Tuy nhiên, trong các văn bản hướng dẫn liên quan đến lao động lại không có bất cứ viện dẫn nào đến Bộ Luật Tố tụng dân sự và điều này tạo không ít khó khăn cho NLĐ khi họ không am hiểu pháp luật. Ngoài ra, tiến trình tố tụng thường diễn ra khá lâu nên mất nhiều thời gian và chi phí cho việc theo đuổi. Nên chăng, cần có một quy trình, thủ tục rút gọn hoặc trao cho một cơ quan hành pháp tuyên TƯLĐTT vô hiệu trong một số trường hợp quá rõ ràng để nhanh chóng bảo vệ quyền lợi cho NLĐ" - luật sư Trần Văn Trí kiến nghị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo