xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thua thiệt do thiếu hiểu biết

Bài và ảnh: MAI CHI

Hiểu biết về pháp luật hạn chế khiến không ít người lao động thiệt thòi quyền lợi

Hết thời gian nghỉ thai sản, bà Nguyễn T. C trở lại Công ty TNHH H.S (TP Thủ Đức, TP HCM) làm việc thì bị nhân viên bảo vệ ngăn lại không cho vào. Ấm ức vì bị "cấm cửa" không lý do chính đáng, bà C. đã khởi kiện doanh nghiệp (DN) ra tòa. Tại phiên xử phúc thẩm do TAND TP HCM tổ chức mới đây, hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng nếu nhân viên bảo vệ không cho vào làm việc hoặc bị công ty cho nghỉ việc thì bà C. có quyền khiếu nại người sử dụng lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động hay thanh tra lao động để giải quyết. Tuy nhiên, bà C. không thực hiện các bước này. Đây cũng là một trong những lý do khiến yêu cầu khởi kiện của bà bị tòa bác bỏ.

Mất trắng

Theo đơn khởi kiện, đầu tháng 1-2012, bà C. đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 3 năm với công ty ở vị trí kế toán. Ngày 1-6-2019, bà C. hết thời gian nghỉ thai sản và trở lại làm việc. Ngày 23-7-2019, khi đến công ty làm việc, bà C. bất ngờ bị nhân viên bảo vệ ngăn không cho vào mà không rõ lý do. Sau đó, qua điện thoại, chủ tịch HĐQT công ty thông báo về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà. Tuy nhiên, tại tòa, đại diện công ty phủ nhận "cáo buộc" của bà C. và cho rằng bà tự ý nghỉ việc không có lý do, cũng không bàn giao công việc. Công ty không thể liên hệ được với bà và cũng chưa hề ban hành bất cứ quyết định nghỉ việc nào.

Thua thiệt do thiếu hiểu biết - Ảnh 1.

Công nhân một doanh nghiệp tại quận Tân Bình, TP HCM viết đơn đề nghị hòa giải tranh chấp lao động

HĐXX nhận định bà C. thiếu căn cứ chứng minh về hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của công ty. Cụ thể, không cung cấp được chứng cứ (các bản ghi âm) chứng minh việc chủ tịch HĐQT có thông báo cho bà nghỉ việc. Mặt khác, theo giấy chứng nhận đăng ký DN thì người đại diện theo pháp luật của công ty là ông L.Đ.M (giám đốc), chưa hề có văn bản nào khẳng định việc chấm dứt HĐLĐ với bà. Hơn nữa, bà C. cũng không yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về lao động, thanh tra lao động can thiệp khi bị vi phạm quyền lợi để làm cơ sở chứng minh việc bị DN đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Ngoài ra, lý do không kịp bàn giao sổ sách, thiết bị bảo mật chữ ký số do đột ngột bị cho nghỉ việc cũng không hợp lý, bởi kế toán nắm giữ nhiều tài liệu quan trọng nên khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, công ty sẽ phải yêu cầu người lao động (NLĐ) bàn giao. Việc không thực hiện trách nhiệm này cho thấy bà C. đã đột ngột nghỉ việc tại công ty. Từ những căn cứ trên, tòa kết luận bà C. tự ý nghỉ việc nên DN không có trách nhiệm phải bồi thường.

Thiếu chứng cứ

Một trường hợp khác cũng thiệt thòi quyền lợi do chưa am hiểu quy định pháp luật là ông Đỗ Thế N., công nhân Công ty TNHH H.K (tỉnh Long An). Ông N. làm việc tại công ty từ đầu năm 2018 và đã ký HĐLĐ xác định thời hạn đến ngày 1-7-2021. Trong thời gian nghỉ trưa, ngày 21-10-2019, thấy 11 cây đu đủ do mình trồng trong khuôn viên công ty bị nấm trắng nên ông N. đã chặt để ngăn lây bệnh qua các cây khác. Vì hành vi này, ông N. đã bị nhân viên bảo vệ khống chế đưa ra khỏi công ty. Hôm sau, ông đi làm nhưng nhân viên bảo vệ không cho vào với lý do đã phá hoại tài sản DN. Khoảng 1 tuần sau, công ty ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Dù đã nhận tiền lương, quyết định thôi việc, sổ BHXH... nhưng sau đó ông N. lại khởi kiện DN.

Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Long An vừa tổ chức, đại diện công ty cho hay ông N. có xích mích với một công nhân mới trong tổ nên thường xuyên xảy ra cự cãi, làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, đã bị lập biên bản 2 lần. Khi chặt 11 cây đu đủ, ông N. đã bị lập biên bản lần 3 và cả 3 lần ông đều không ký tên vào biên bản. Xét thấy ông N. đã vi phạm nội quy, xâm phạm tài sản DN và tự ý không đến làm việc (từ ngày 21 đến 28-10-2019) nên công ty quyết định cho thôi việc. Khi nhận quyết định và làm thủ tục thôi việc, ông N. không khiếu nại gì. Cũng ở phiên phúc thẩm, ông N. có cung cấp cho tòa 3 đoạn ghi hình về việc ông có đến công ty xin tiếp tục làm việc vào ngày 23 và 24-10-2019, tuy nhiên, không được HĐXX chấp nhận (do quá thời hạn nộp theo khoản 4 điều 96 Bộ Luật Tố tụng Dân sự mà không có lý do chính đáng). Ngoài ra, ông N. không cung cấp được bằng chứng khác nên tòa xác định sau ngày 22-10-2019, ông đã nghỉ việc không xin phép mà không có lý do chính đáng. Căn cứ nội quy lao động của công ty, trường hợp NLĐ nghỉ ngang, không báo trước được xác định là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

"Việc công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ là do ông N. nghỉ việc không báo trước. Vì thế yêu cầu DN bồi thường do bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật của ông N. là không có cơ sở" - HĐXX phân tích. 

Chủ động liên hệ cơ quan chức năng

Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, nhìn nhận trong các vụ án tranh chấp lao động, nhất là tranh chấp liên quan đến hành vi nghỉ việc quá 5 ngày liên tục trong 1 tháng (hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm) mà không có lý do chính đáng, NLĐ rất dễ bị chuyển thắng thành bại. Thực tế, nhiều trường hợp NLĐ bị công ty cho nghỉ việc bằng quyết định miệng hoặc bị "cấm cửa"... nhưng do thiếu hiểu biết nên không yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, bảo vệ quyền lợi. Ra tòa, do không chứng minh được lỗi của DN nên NLĐ thường bị xử thua. Do vậy, ngoài việc thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, khi bị vi phạm quyền lợi, NLĐ cần chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để được can thiệp, bảo vệ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo