xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trường học chưa mở cửa, người lao động vất vả đủ đường

Bài và ảnh: CHÂU LOAN

Việc trường học chưa mở cửa khiến không ít công nhân gặp khó khăn bởi họ phải nghỉ việc để ở nhà trông con, trong khi thầy cô giáo không có thu nhập

Gắn bó với Bình Dương gần 10 năm nay nhưng chưa bao giờ cuộc sống gia đình chị Hạnh (TP Dĩ An, Bình Dương) chật vật như lúc này. Dịch kéo dài 4 tháng cũng là chừng đấy thời gian vợ chồng chị lao đao vì mất việc đột ngột, khoản tiền tích lũy cứ cạn dần.

Lo lắng

Trước dịch, chị Hạnh đi làm đúng được 1 tháng thì địa phương thực hiện phong tỏa, còn sau dịch thì trường học chưa mở cửa trở lại, trong khi 2 con còn nhỏ (3 tuổi và 1 tuổi) nên chị phải ở nhà chăm. "Tiền tích lũy chỉ đủ bảo đảm cuộc sống trong thời gian ngắn, may mà chủ nhà trọ giảm nửa tháng tiền phòng. Khi trở lại trạng thái bình thường mới, muốn đi làm để kiếm thu nhập thì lại vướng bận con, cha mẹ 2 bên đều ở xa nên không nhờ vả được. Nếu tình hình này còn kéo dài thì vợ chồng tôi sẽ gửi con về quê ở với ông bà" - chị Hạnh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bé, CN Công ty TNHH Duy Hưng (KCN Sóng Thần 2, Dĩ An, Bình Dương) cũng đau đầu với việc con chưa đi học trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, cháu đã lớn, có thể tự lo được nên chị đánh "liều" cho con ở nhà một mình. Nhiều tháng qua, cậu con trai học lớp 3 của chị phải ở nhà một mình, do cả bố và mẹ đều đi làm. Đều đặn cứ 5 giờ sáng, chị Bé thức dậy chuẩn bị cơm nước để con ăn cả ngày. "Tôi đi làm từ 7 giờ sáng đến 20 giờ mới về, còn chồng chạy xe đường dài, có khi về sớm, có khi mấy ngày mới về nên con tự chơi và tự học một mình. Ngồi làm việc mà cứ ngóng xem tình hình con ở nhà. Lo lắng cho con thì rất nhiều nhưng công việc mình đâu bỏ được, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn chưa biết như thế nào, có việc làm đã là may lắm rồi" - chị Bé cho hay.

Theo chị Bé, việc để con ở nhà một mình cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là cháu đang tuổi hiếu động, thích khám phá và rất "nghiện" điện thoại. Tuy nhiên, vì phải có thiết bị cho con học online và gọi điện cho ba mẹ khi cần thiết nên chị Bé buộc phải giao điện thoại cho con. "Cả ngày thấy con dán mắt vào điện thoại tôi xót lắm nhưng tình thế bắt buộc phải chịu thôi, chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi hẳn để các cháu được đến trường, lúc đó cha mẹ mới yên tâm làm việc tốt" - chị Bé nói.

Trường học chưa mở cửa, người lao động vất vả đủ đường - Ảnh 1.

Nhiều công nhân phải tạm nghỉ việc để ở nhà chăm con

Giáo viên khó trăm bề

Mấy tháng không được đến trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của chị Cao Thị Tố Giang (công tác tại một trường THCS & THPT trên địa bàn phường Hòa Phú, Thủ Dầu Một, Bình Dương). Chi Giang cho biết dù nhà trường hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng nhưng cũng chỉ đủ tiền mua bỉm, sữa cho con. "Giờ tôi chỉ mong đi làm lại. Như giáo viên họ được dạy online nên thu nhập vẫn đều đều, còn mình làm ở bộ phận hành chính thì chỉ được hỗ trợ khoản nhỏ nên vất vả lắm" - chị Giang nói. Chị Giang kiến nghị là nay các em học sinh cấp THCS, THPT cơ bản đã được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 nên địa phương cần nghiên cứu hướng mở cửa lại trường học để những người lao động làm việc trong ngành sớm ổn định cuộc sống.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên tại nhóm trẻ tư nhân ở Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương, đã hơn 4 tháng nay không có thu nhập, chồng chị làm công ty cũng chỉ được hỗ trợ một khoản nhỏ, trong khi các con đang tuổi ăn, tuổi lớn. "Nhiều tháng nay tiền ăn, tiền trả góp mua nhà, tiền sữa cho 2 đứa con nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ từ công ty của chồng. Từ những ngày đầu tháng 11, tôi luôn mong chờ từng ngày nhà trường thông báo đi làm trở lại và thậm chí cũng từng nghĩ sẽ chuyển việc nếu chờ đợi kéo dài" - chị Hà cho hay. Theo chị Hà, việc cho trẻ mầm non trở lại trường học còn khá xa vời khi tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn còn lo lắng vì dịch bệnh còn phức tạp, họ chỉ yên tâm khi con đã được tiêm vắc-xin. 

Khảo sát ý kiến phụ huynh để mở cửa lại trường học

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay, sở mới cho phép một số trường THPT trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng đi học trực tiếp, các em hầu hết đã được tiêm vắc-xin. Qua theo dõi mấy ngày qua, tình hình các em vẫn ổn, chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào. Sắp tới, sở sẽ cho học sinh THCS và THPT, ở các địa bàn còn lại đến trường trở lại sau khi các em đã được tiêm vắc-xin. "Đối với bậc tiểu học và mầm non, chúng tôi sẽ đánh giá tình hình thực tế dịch bệnh, đồng thời lấy ý kiến của phụ huynh học sinh để mở cửa lại trường học" - bà Hằng nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo