xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

XKLĐ: “Trên trải thảm, dưới rải đinh”

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp đưa người đi xuất khẩu lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định…

“Hiện nay, cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận người dân để tư vấn và tuyên truyền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là ở cấp xã, huyện. Bức xúc của hầu hết DN là tình trạng “giấy phép con”. Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa (LEESCO) - thẳng thắn phát biểu như vậy tại hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức ngày 8-3 tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 280 DN.

Bị địa phương gây khó

Ông Minh kể DN ông có đơn hàng được Cục Quản lý lao động ngoài nước phê duyệt. Khi tới một số địa phương để tiếp cận NLĐ, DN cũng đã xin công văn của sở LĐ-TB-XH địa phương nhưng đến cấp huyện thì “kẹt cứng”. “Họ bảo cái này phải chờ họp thường vụ huyện ủy để xin ý kiến, mà thường vụ không biết mấy tháng họp một lần! Vì vậy có lúc phải ở huyện 3 tháng vẫn không xuống nổi với người dân để tiếp cận. Khi chúng tôi tiếp xúc với dân thì thậm chí có lần bị công an bắt nhốt 1 đêm, rồi phải nhờ phó chủ tịch huyện can thiệp mới được thả ra. Đây đúng là trên trải thảm, dưới rải đinh, gây khó khăn cho DN” - ông Minh dẫn chứng.


Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc LEESCO - bức xúc trước tình trạng “giấy phép con” ở địa phương và cho rằng “trên thì trải thảm, dưới lại rải đinh”

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc LEESCO - bức xúc trước tình trạng “giấy phép con” ở địa phương và cho rằng “trên thì trải thảm, dưới lại rải đinh”

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung ngạc nhiên: “Tại sao lại phải có công văn, công văn của ai và ai quy định cái này?”. Ông Minh đáp: “Báo cáo bộ trưởng, cái này là luật “bất thành văn”. DN đều phải kết nối với địa phương, tôi tin rằng đơn vị nào ở đây cũng chịu tình cảnh tương tự”. Ông Minh cũng cho rằng nguyên nhân các huyện gây khó cho DN một phần là do tư duy cứng nhắc, chưa nghĩ đến lợi ích của người dân. Bên cạnh đó, một số huyện dùng “chiêu trò” nhằm hạn chế các DN mới, mục đích tạo điều kiện cho các DN “sân sau” của địa phương hoạt động.

“Chúng tôi đề nghị tháo gỡ khó khăn này, làm sao DN chỉ cần có giấy phép của Cục Quản lý lao động ngoài nước là có thể về địa phương chứ không cần xin phép thêm tỉnh, huyện nữa”. Trước đề xuất của ông Minh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định hiện nay không có quy định nào bắt buộc DN phải đi xin các huyện như vậy. Bộ sẽ có công văn gửi đến các tỉnh, thành yêu cầu phải chấn chỉnh.

Xử nghiêm doanh nghiệp làm bậy

Bên cạnh khó khăn về phía địa phương thì vấn đề lao động bỏ trốn cũng khiến các DN “đau đầu”. Ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, cho biết dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhưng tỉ lệ lao động bỏ trốn vẫn ở mức cao. Tại Hàn Quốc, trong số 48.000 lao động đang làm việc thì có tới 17.000 lao động bất hợp pháp; tại Đài Loan, lao động ở lại bất hợp pháp chiếm 50%. Tại Nhật Bản, năm 2015 là 1.000 người, năm 2016 hơn 3.000 người.

Khó khăn khác là chất lượng nguồn lao động. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho rằng lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề, tác phong công nghiệp. Chưa kể còn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của NLĐ. Vẫn tồn tại tình trạng DN được cấp phép nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng, tư vấn, tuyển chọn lao động mà “khoán trắng” cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc. Về ý kiến DN nói bị địa phương “hành”, ông Diệp cho rằng cần phải nhìn nhận từ 2 phía. “Có những DN làm tốt, họ đi tuyển dụng cả nước đều được chào đón, không ai cấm cản. Nhưng có những DN chưa xây dựng được uy tín, thương hiệu hoặc năng lực kém, trước đây có sai phạm nên đã tự làm mất uy tín của mình nên địa phương không chào đón” - ông Diệp khẳng định.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết để nâng chất lượng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, bộ sẽ xây dựng quy định chặt chẽ hơn để chỉ những DN thực sự đủ điều kiện mới được tham gia. “Sắp tới, bộ sẽ kiên quyết xử lý các DN tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được lao động đi, không bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trường hợp phát hiện DN không đủ điều kiện, bộ sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Phải chấn chỉnh bằng được

Trong 3 năm, từ 2014-2016, đã có gần 350.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; riêng trong năm 2016 trên 126.000 người. Hằng năm, tiền gửi về nước từ hoạt động này khoảng từ 1,6-2 tỉ USD. Thị trường lao động chính là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Saudi. Bộ LĐ-TB-XH đặt mục tiêu từ năm 2017-2020, mỗi năm đưa được từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý tới đây phải chấn chỉnh bằng được những bất cập; làm sao mở thêm thị trường, phân khúc mới; cái gì tốt thì phát huy, cái gì không tốt thì phải loại bỏ ngay. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Những hành vi tiêu cực, vòi vĩnh, thu phí cao trái phép, cò mồi, cần phải đấu tranh loại bỏ”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo