xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công đoàn TP HCM: Xứng đáng với niềm tin yêu

HỒNG ĐÀO - THANH NGA

Với những nỗ lực bền bỉ cùng tinh thần năng động, sáng tạo, tổ chức Công đoàn TP HCM hoàn thành xuất sắc vai trò chăm lo, bảo vệ tốt quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động

Đại hội Công đoàn (CĐ) TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018-2023 đã chính thức khai mạc sáng 29-6 tại Hội trường TP. Có 550 đại biểu đại diện cho 1,3 triệu đoàn viên tham dự đại hội. Đến dự khai mạc có ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP; ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cùng đại diện các sở, ban, ngành TP, lãnh đạo LĐLĐ TP qua các thời kỳ. Đại hội đã nghe báo cáo tình hình CNVC-LĐ và hoạt động CĐ nhiệm kỳ 2013-2018, phương hướng nhiệm kỳ 2018-2023; tham luận của các CĐ cấp trên cơ sở trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ).

Đích đến là người lao động

Đánh giá lại chặng đường 5 năm qua (1998-2013), ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, cho biết tính đến cuối nhiệm kỳ, các cấp CĐ TP đã đạt những kết quả khả quan trong việc thực hiện 4 chương trình của Nghị quyết Đại hội X CĐ Việt Nam (nhiệm kỳ 2013-2018) gồm: Chương trình nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ; chương trình nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ; chương trình phát triển đoàn viên CĐ.

Trong đó, chương trình nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT được các cấp CĐ TP đặc biệt chú trọng. Để xây dựng TƯLĐTT đi vào chiều sâu thực chất, LĐLĐ TP đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, qua đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện tốt pháp luật, kiến nghị xử phạt các DN cố tình vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của NLĐ, gây bức xúc trong công nhân. LĐLĐ TP thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật mới cho cán bộ CĐ và NLĐ, nhờ đó thực hiện tốt công tác tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các quy định có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Hoạt động tuyên truyền, tập huấn về pháp luật liên tục được các cấp CĐ làm mới với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, trong đó ưu tiên hàng đầu là nội dung thương lượng tập thể, TƯLĐTT. Với những biện pháp thiết thực có chiều sâu đó, đến cuối nhiệm kỳ có 8.051/17.045 bản TƯLĐTT được ký kết (tỉ lệ 47,23% số DN có tổ chức CĐ), ký mới 7.816 bản TƯLĐTT; gia hạn, sửa đổi 235 bản TƯLĐTT.

Khu vực CĐ cơ sở DN có vốn đầu tư nước ngoài với nhiều DN lớn, có đông đoàn viên, NLĐ được các cấp CĐ quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn CĐ cơ sở thương lượng tập thể. Qua đó, đã nâng tỉ lệ ký kết TƯLĐTT tại khu vực này từ 64% vào đầu nhiệm kỳ lên 70,3% vào cuối nhiệm kỳ. "Nội dung thương lượng trước đây chủ yếu liên quan đến phúc lợi như ma chay, hiếu hỉ, hỗ trợ ốm đau, khó khăn, tổ chức tham quan du lịch, sinh nhật…, đến nay đã tập trung nhiều hơn đến các nội dung như tăng tiền lương, thu nhập, trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng, bữa ăn giữa ca của NLĐ, thêm thời gian nghỉ có hưởng lương trong năm, nghỉ ngắn giữa giờ làm việc... Đích đến cuối cùng của việc ký kết TƯLĐTT vẫn là nâng cao phúc lợi cho NLĐ" - ông Khải cho biết.

Thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam về chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ, LĐLĐ TP đã triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ CĐ cơ sở thương lượng. Thông qua đối thoại, thương lượng tập thể của các cấp CĐ, các DN đã điều chỉnh nâng mức tiền ăn giữa ca của NLĐ đạt từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/suất ăn. Kết quả này đã góp phần cải thiện chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn và sức khỏe của NLĐ.

Công đoàn TP HCM: Xứng đáng với niềm tin yêu - Ảnh 2.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành LĐLĐ TP HCM khóa XI. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dấn thân vì người lao động

Đại diện là chức năng, nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của tổ chức CĐ. Xem việc bảo vệ quyền lợi của đoàn viên là mục tiêu sống còn, 5 năm qua, đội ngũ cán bộ các cấp CĐ TP đã thể hiện tinh thần dấn thân, sát cánh cùng NLĐ trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ bị xâm phạm.

Một trong những đơn vị điển hình trong công tác đấu tranh, bảo vệ đến cùng quyền lợi NLĐ là LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM. Chia sẻ quá trình kiện DN nợ kinh phí CĐ để tạo nguồn kinh phí chăm lo tốt hơn cho NLĐ, ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch LĐLĐ huyện, cho biết dù luật đã quy định về việc trích 2% kinh phí CĐ nhưng nhiều DN vẫn cố tình phớt lờ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Với nhiều DN mà biện pháp thuyết phục, vận động không hiệu quả, việc khởi kiện ra tòa là phương án cuối cùng. "Quá trình khởi kiện rất nhiêu khê và kéo dài nhưng với cơ sở pháp lý vững chắc, hồ sơ chặt chẽ, sự phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan có liên quan như TAND huyện, VKSND, BHXH huyện, chúng tôi vẫn đạt được thắng lợi cuối cùng. Anh em cán bộ chuyên trách luôn nhắc nhau phải kiên trì, theo đuổi đến cùng các vụ kiện, tất cả vì quyền lợi của đoàn viên" - ông Chí bày tỏ. Chỉ tính riêng trong năm 2017, thông qua việc khởi kiện, CĐ huyện đã đòi lại hơn 5 tỉ đồng kinh phí CĐ. Từ nguồn kinh phí này, LĐLĐ huyện đã triển khai nhiều chương trình chăm lo thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ. Hiện LĐLĐ huyện đang củng cố 9 hồ sơ khởi kiện khác tại TAND huyện.

Gắn kết trách nhiệm để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện cũng là chủ trương của LĐLĐ TP trong nhiệm kỳ qua, nhất là chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động, nhất là chế độ, chính sách cho NLĐ. Điển hình là chương trình phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP. Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, cho biết chương trình phối hợp với LĐLĐ TP được khởi động từ năm 2013 nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của DN trong việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Theo ông Sơn, số vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc tính từ năm 2013 đến nay có xu hướng giảm theo từng năm và chủ yếu liên quan đến các vấn đề nợ lương, thưởng, nợ hoặc không đóng BHXH, không ký HĐLĐ, không cải thiện bữa ăn giữa ca, tăng ca quá nhiều... "Ngay khi có tranh chấp, cán bộ Sở LĐ-TB-XH và Phòng LĐ-TB-XH cùng với tổ chức CĐ và các cơ quan chức năng nắm tình hình, tiếp xúc chủ DN, hỗ trợ các bên thương lượng, giải quyết các vấn đề NLĐ kiến nghị, vận động NLĐ trở lại làm việc, đồng thời rà soát các nội dung, chính sách DN áp dụng không còn phù hợp, yêu cầu DN chấn chỉnh nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của NLĐ" - ông Sơn nhấn mạnh. 

. Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM:

89-nguyenthiennhan

Tập trung nâng chất đội ngũ CNVC-LĐ

Xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu đối với sự phát triển TP trong thời gian tới, các cấp Công đoàn (CĐ) cần tiếp tục tham mưu Thành ủy thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân (CN) Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, CNVC-LĐ. Song song đó, CĐ cần quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục CNVC-LĐ chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng để qua đó CNVC-LĐ hiểu và thực hiện tốt.

Ngoài rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp và tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành TP nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC-LĐ, LĐLĐ TP cần tăng cường hướng dẫn các cấp CĐ, nhất là CĐ cơ sở phối hợp người sử dụng lao động chấp hành các quy định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ) hằng năm; ký kết thỏa ước lao động tập thể. CĐ phải chủ động trong phát hiện, giải quyết bức xúc, tranh chấp lao động từ những việc nhỏ nhất, phải là chỗ dựa thật sự vững chắc của CNVC-LĐ.

Bên cạnh việc tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ, chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo", gương "Người tốt, việc tốt" cũng như kịp thời có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với những người sử dụng lao động có nhiều thành tích trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; các cấp CĐ TP cần tập trung đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức CĐ từ TP đến cơ sở; xây dựng tổ chức CĐ cơ sở vững mạnh; thu hút kết nạp đoàn viên, phấn đấu thành lập CĐ cơ sở theo phương châm "Nơi nào có CN lao động, nơi đó phải có tổ chức CĐ". Đặc biệt là trong bối cảnh sắp tới, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, NLĐ có thể lựa chọn tổ chức đại diện, vai trò của CĐ gặp thách thức thật sự. Lao động và quan hệ lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động, phức tạp, việc đổi mới mô hình tập hợp, tổ chức hoạt động của CN nhằm thu hút NLĐ khu vực phi chính thức là vấn đề sống còn đặt ra cho tổ chức CĐ TP.

Trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tổ chức CĐ cần chú trọng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các trường đại học tổ chức những lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, trau dồi tay nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ CNVC-LĐ, đáp ứng yêu cầu từng giai đoạn phát triển và hội nhập; nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động mở, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp. Xây dựng giai cấp CN và tổ chức CĐ vững mạnh là trách nhiệm không chỉ của riêng tổ chức CĐ mà còn của cả hệ thống chính trị. Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở ngành, đoàn thể cần tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ để CĐ hoạt động thuận lợi, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng và vai trò của mình theo quy định và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục để NLĐ hiểu rõ hơn về tổ chức CĐ, tự nguyện tham gia thành lập tổ chức CĐ và tham gia các hoạt động do CĐ phát động.

. Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

89-buivancuong

Chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ quyền lợi người lao động

Trong nhiệm kỳ qua, các cấp CĐ TP đã tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Cùng với đó, công tác chăm lo lợi ích cho đoàn viên với nhiều mô hình hoạt động hiệu quả của tổ chức CĐ TP đã trở thành điểm sáng trong hoạt động CĐ cả nước.

Tuy nhiên, trong 5 năm tới, dự báo tình hình sẽ còn nhiều thay đổi đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức CĐ, đòi hỏi CĐ phải đổi mới về cả nội dung lẫn phương thức hoạt động. Để hoạt động của tổ chức CĐ thật sự hiệu quả, các cấp CĐ TP cần tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2018-2023. Trước hết, CĐ tập trung chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ quyền lợi NLĐ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả. Việc đổi mới phải theo hướng lấy nhu cầu chính đáng của số đông đoàn viên, NLĐ làm cơ sở hoạt động; lấy việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ làm mục tiêu; lấy CĐ cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu. Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ TP, nhất là người đứng đầu, phải giỏi ngang tầm nhiệm vụ. Cuối cùng, tập trung xây dựng nguồn lực đủ mạnh để tổ chức CĐ TP thực hiện tốt nhiệm vụ được giao gắn với tăng cường công tác truyền thông để NLĐ thấy được vai trò, vị trí của tổ chức CĐ.

T.Nga - H.Đào ghi

Bà Trần Thị Diệu Thúy tiếp tục được bầu làm Chủ tịch LĐLĐ TP HCM

Tại phiên làm việc thứ 3 Đại hội CĐ TP khóa XI (nhiệm kỳ 2018-2023) diễn ra vào chiều 29-6, đại hội đã bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 61 ủy viên. Ngay sau khi có kết quả bầu, bà Trần Thị Diệu Thúy đã được chỉ định triệu tập Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành LĐLĐ TP HCM khóa XI.

Tại hội nghị, tập thể ban chấp hành đã bầu ra Ban Thường vụ LĐLĐ TP HCM nhiệm kỳ 2018-2023 gồm 19 người. Hội nghị cũng đã bầu ra các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TP. Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP khóa X, tiếp tục được bầu làm Chủ tịch LĐLĐ TP HCM (khóa XI). Năm Phó Chủ tịch gồm các ông, bà: Trần Đoàn Trung, Kiều Ngọc Vũ, Lê Thị Kim Thúy, Phạm Chí Tâm, Hồ Xuân Lâm.

Hội nghị cũng đã bầu ra Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TP (khóa XI) gồm 11 người; ông Trương Hồng Sơn được bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ TP.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo