xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Băm nát rừng ươi

Theo PHƯƠNG GIANG - LĂNG A CÚI (Quảng Nam Online)

Những năm gần đây, giá trị kinh tế của hạt ươi ngày càng cao, tạo thu nhập đáng kể cho người dân vùng cao. Tuy nhiên, cũng vì lợi nhuận mà những cánh rừng ươi dần bị “xóa sổ”.

Những năm gần đây, giá trị kinh tế của hạt ươi ngày càng cao, tạo thu nhập đáng kể cho người dân vùng cao. Tuy nhiên, cũng vì lợi nhuận mà những cánh rừng ươi dần bị “xóa sổ”.
 
Thâm nhập
 
Phải rất vất vả chúng tôi mới thuyết phục được một người dân địa phương dẫn đường vào cánh rừng ươi đang được khai thác rầm rộ ở xã Cà Dy (Nam Giang) với thỏa thuận không được quay phim, chụp ảnh. Người này đưa ra lý do “sợ bị trả thù”. Hơi thất vọng, nhưng  chúng tôi đành chấp nhận với mong muốn “mục sở thị” tình trạng khai thác ươi ở khu 31, địa phận giáp ranh của xã Cà Dy với xã Phước Xuân (Phước Sơn).
img
Trước một cây ươi vừa bị đốn hạ.
 
Mất  hơn 3 tiếng đồng hồ len lỏi theo đường rừng, chúng tôi bắt gặp gốc ươi đầu tiên bị đốn hạ nằm ngay cạnh đường. Gốc ươi to hơn một người ôm, chỉ còn trơ lại những chiếc lá hình chiếc phễu vàng héo và những hạt ươi non. “Cây ni chắc cũng được hơn 1 tạ ươi tươi” - anh bạn người bản địa cho biết.
 
Đi thêm một đoạn nữa, tiếng cưa máy gầm rít buộc chúng tôi nhanh chóng cắt rừng đi, không theo đường mòn nữa. Không mất quá nhiều thời gian, chúng tôi đến hiện trường. Nhóm này có 6 người, 1 người cưa, những người còn lại làm nhiệm vụ phát dọn “bãi” (vị trí ngọn ươi đổ xuống để tiện cho việc hái ươi).
 
Chúng tôi nấp vào bụi cây để quan sát, chưa đầy 15 phút, gốc ươi to hơn một người ôm bật gãy, đổ về hướng “bãi”. Cẩn thận chặt, dọn những cành ươi bị đè cong, vướng vào các cành cây xung quanh, người ta nhanh chóng thu lượm ươi. Ươi khô được cho vào túi riêng, giữ nguyên cả chiếc lá phần cuống trái. Đây là “ươi bay”, có giá cao gấp 5 lần so với ươi còn xanh, còn ươi xanh sẽ được cho vào túi riêng. Họ làm nhanh đến nỗi chưa đầy 30 phút sau chỉ còn lại ngổn ngang lá ươi vàng héo.
 
Khắp các nẻo rừng mà chúng tôi đi qua, có hàng chục gốc ươi với đủ kích thước bị cưa đổ. Tại nhiều “bãi” còn có cả cơm hộp, bình nước suối, vỏ bánh vứt vương vãi quanh thân ươi vừa chặt hạ.
 
“Dân cưa ươi ở đây chủ yếu là người Đại Lộc. Họ đi thành nhóm từ 6 - 10 người, có khi kéo cả gia đình lên làm ươi. Lúc trước người dân ở đây không ai cưa đâu, toàn buộc dây mây vào thân cây, trèo lên đập cho ươi khô rụng. Sau thấy họ cưa dữ quá, dân ở đây cũng cưa theo. Thành ra chừ không có gốc ươi mô quanh chỗ mình đứng còn sống sót. Những đội quân làm ươi ở đây không nhóm nào là không trang bị cưa máy. Có nhóm mang 2 - 3 cưa để dự phòng khi gặp sự cố. Mỗi ngày, một nhóm triệt hạ trung bình từ 2 - 5 gốc, thu từ 3 - 4 tạ ươi” - anh bạn dẫn đường cho biết.
 
img
Một điểm thu mua ươi ở thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang).
 
Tình trạng chặt hạ ươi đã từng diễn ra từ nhiều năm trước, đến mùa là lâm tặc lại đổ xô lên các cánh rừng của huyện Nam Giang, Đông Giang. Năm nay, tình trạng này càng phức tạp khi lực lượng khai thác ươi được trang bị máy móc nhiều hơn, đi xa hơn để săn ươi. Theo lời người dẫn đường, họ làm cả lán ngủ trong rừng, mang theo gạo, xoong nồi để nấu. Dân quân, chính quyền xã chặn ở cửa rừng thì họ cắt rừng mà đi, hoặc lòng vòng chờ lực lượng chức năng đi rồi lại lên.
 
Có đợt, cả kiểm lâm và chính quyền địa phương truy quét ráo riết nên họ chuyển sang cưa ươi từ sáng sớm rồi giấu cưa, cất đồ đạc, đến khi trời sáng mới quay ngược vào nhặt hái ươi. Lâm tặc còn chọn thời điểm giữa đêm hoặc 2 - 3 giờ sáng để vận chuyển ươi xuống thị trấn, vượt qua kiểm soát của cơ quan chức năng.
 
Trước khi đi, họ còn cẩn thận cắt cử người làm “chim mồi” hệt vận chuyển gỗ lậu. Ông Bh’nướch Phước - Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho biết: “Họ đông lắm, toàn sử dụng cưa lốc để khai thác, chặt hạ ươi. Bị bắt, bị đẩy đuổi rồi họ cũng tìm cách lên lại bằng đường khác, rất khó quản lý”. 
 
img
Hiện trường một cây ươi bị cưa hạ ngay bên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Lăng A Cúi
 
Thiếu kiểm soát “đầu ra”
 
Ngược cầu Bến Giằng, dọc theo tuyến quốc lộ 49D lên các xã Cà Dy, Tà Bhing (Nam Giang), chúng tôi ghi nhận có đến hàng chục điểm thu mua ươi công khai. Hai bên đường, những tấm bạt phơi trải dài chứa hạt ươi xanh.
 
Một tư thương thu mua ươi ở thị trấn Thạnh Mỹ cho biết, mua ươi tươi chỉ với giá 30 - 35 nghìn đồng/kg, còn “ươi bay” giá từ 150 - 160 nghìn đồng/kg. Do đó, các tư thương rất chuộng mua ươi tươi về rồi phơi khô đem bán với giá 120 nghìn đồng/kg.
 
Có nhiều cách ngụy trang để che mắt lực lượng chức năng khi họ muốn vận chuyển ươi xanh về xuôi. Theo một số người bản địa, họ thường tìm cách đi vòng theo các ngõ đường tắt hoặc bỏ ươi xanh vào dưới thùng xe dùng để thồ thịt, cá lên vùng cao nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
 
 Ông Pơloong Hon, Chủ tịch UBND xã Tà Bhing, cho biết, hằng ngày có đến hàng trăm lượt người dân tứ xứ đổ về khắp các cánh rừng của địa bàn các xã Cà Dy, Tà Bhing để khai thác ươi, kéo theo hàng trăm người từ dưới xuôi lên thu mua ươi xanh khiến tình hình an ninh trên địa bàn trở nên phức tạp.
 
“Mới đây, tại dốc Thờ (xã Tà Bhing), vì sợ ngành chức năng phát hiện, truy đuổi nên các đối tượng đã phóng xe rất nhanh, gây tai nạn giao thông khiến một phụ nữ thiệt mạng” - ông Hon cho biết.
 
Theo ông Đỗ Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, mặc dù ngành chức năng, địa phương đã triển khai lập trạm chốt chặn tại các tuyến đường nhưng do đường sá trên địa bàn nhiều ngõ ngách nên việc kiểm soát vẫn chưa được triệt để.
 
“Phải dùng cụm từ “từ phụ nữ đến trẻ em” để diễn tả mức độ rầm rộ của đội quân làm ươi. Chính đội quân tứ xứ này làm tình hình ở địa phương trở nên khá phức tạp. Chưa kể, đã rất nhiều lần lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương bị hăm dọa, bị chống đối quyết liệt” - ông Tuấn nói.
 
Sau truy quét, địa bàn chặt phá cây ươi lại… mở rộng

Để bảo vệ rừng ươi, UBND huyện Nam Giang ra chỉ thị (số 09/CT-UBND) về việc tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả việc nghiêm cấm chặt hạ cây ươi để lấy quả. Theo đó yêu cầu địa phương, ngành chức năng cần xử lý nghiêm minh đối tượng chặt hạ cây, thu giữ ươi xanh vận chuyển và phơi trên địa bàn.
 
Ông Bh’nướch Phước, Chủ tịch UBND xã Cà Dy, cho biết, chỉ riêng trên địa bàn xã, ngành công an đã phối hợp với lực lượng dân quân triển khai nhiều đợt truy quét, phát hiện 6 vụ khai thác ươi trái phép, thu hồi máy cưa, hạt ươi xanh từ các đối tượng. Tuy nhiên, sau đợt truy quét, các đối tượng lại tiếp tục đổ xô lên rừng, mở rộng địa bàn khai thác.
 
Nhằm ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng khai thác ươi trái phép trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang đã triển khai nhiều đợt truy quét, tuần tra kiểm soát dọc các tuyến đường, bìa rừng. Qua đó, đã phát hiện được 15 vụ khai thác, vận chuyển ươi trái phép. Tính đến nay, đã có gần 1 tấn ươi xanh được tịch thu, nhập vào kho.

Ươi bay là tặng vật quý giá của tự nhiên, mọc thành khu vực ở Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My... Tuy nhiên, sự khai thác mang tính “tận diệt”, làm ngã đổ cây cối xung quanh, là mối lo của các địa phương.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo