xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khánh kiệt vì tai nạn giao thông

Theo QUANG THUẦN (Phú Yên Online)

Trong gia đình có một người bị tai nạn giao thông đã là nỗi ám ảnh với nhiều người. Thế nhưng, một gia đình ở huyện Tây Hòa có đến 5 trong số 6 người bị tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng 2 người, 3 người bị tật nguyền không thể lao động. Nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông đã bao trùm lên gia đình này gần 10 năm nay, cuộc sống lâm vào cảnh kiệt quệ, không lối thoát. Đó là gia đình nông dân Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Phước Thịnh, xã Hòa Bình 2.

img
Bà Đặng Thị Nhiên (giữa) giúp chồng chỉnh sửa lại ống dẫn nước tiểu; mẹ già trên 80 tuổi ngồi bên cạnh - Ảnh: Q.THUẦN
Tai nạn nối tiếp tai nạn
Tai nạn bắt đầu ập đến gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc từ tháng 8/2003, khi ba đứa con trai của ông là Nguyễn Hữu Thạch (sinh năm 1986), Nguyễn Hữu Nghĩa (sinh năm 1989) và Nguyễn Hữu Đức (sinh năm 1991) đi xe máy trên ĐT645 (nay là quốc lộ 29) đoạn qua xã Hòa Bình 1. Khi ba em đi đến thôn Phước Mỹ thì bị một ô tô tải chở lúa gây tai nạn, khiến Nghĩa và Đức chết tại chỗ, Thạch gãy xương đùi chân trái.
 
Đôi mắt rơm rớm lệ, ông Ngọc kể: “Vừa bước vào năm học 2002-2003, em ruột của tôi (cô của Thạch, Nghĩa và Đức - PV) ở TP Tuy Hòa hứa với tụi nhỏ, nếu đứa nào đạt học sinh giỏi thì cô sẽ thưởng. Kết thúc năm học đó, Nghĩa đạt học sinh giỏi khối lớp 9, Đức đạt học sinh giỏi khối lớp 5. Sau khi nhận điện thoại của cô, Thạch lấy xe máy chở Nghĩa và Đức đến nhà cô để nhận thưởng. Nào ngờ, lần đi này tôi mất hai đứa con, một đứa trở thành người tàn phế”.
 
Tai nạn ập đến quá bất ngờ, cùng một lúc gia đình ông Ngọc phải lo hậu sự cho Nghĩa và Đức, vừa phải lo chạy vạy tiền bạc chữa vết thương cho Thạch, trong khi cuộc sống gia đình chỉ trông vào 6 sào ruộng khoán, đủ ăn giáp hạt. Trước hoàn cảnh ngặt nghèo, người thân, hàng xóm quyên góp tiền, cộng với số tiền bán 6 sào ruộng trong 10 năm được hơn 26 triệu đồng, ông Ngọc nhờ người em đưa Thạch vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) sắp lại xương đùi.
 
Thế nhưng, tai nạn giao thông vẫn không buông tha gia đình người nông dân nghèo này. Tháng 10/2004, trên đường đi làm phụ hồ về, ông Ngọc lại bị tai nạn giao thông, thành người tàn phế.
 
Ông Ngọc nhớ lại: “Thương nhớ Nghĩa và Đức, suốt ngày buồn rầu, thấy vậy người em rể ở xã Bình Kiến rủ tôi đi phụ hồ tại một công trình xây dựng ở TP Tuy Hòa vừa kiếm tiền, vừa cho tinh thần khuây khỏa. Làm việc đến ngày thứ tư, trên đường về nhà đến ngã tư tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua xã Hòa An (Phú Hòa) thì bị một ô tô chạy ngược chiều pha đèn vào mặt, tôi mất tay lái, tự té vào ụ cát đổ bên lề đường, vỡ bàng quang và liệt hai chân”.
 
Chưa dừng lại ở đó, khi đang điều trị vết thương, bác sĩ phát hiện ông bị thoái hóa ba đốt sống cổ. Vậy là người thân của ông một lần nữa phải chạy vạy mượn tiền chữa cùng lúc ba căn bệnh cho ông. Suốt từ năm 2004 đến năm 2008, ông Ngọc ngược xuôi Phú Yên - TP Hồ Chí Minh tìm đến hàng chục bệnh viện, từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến Bệnh viện Bình Dân, Vạn Hạnh… chữa bệnh. Tiền hết, nợ nần chồng chất, sức tàn lực kiệt, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Từ năm 2008, ông không còn tiền chữa bệnh và cuộc sống chỉ biết quanh quẩn trong nhà cho đến nay.
 
Chồng và con trai lớn mất khả năng lao động, mọi lo toan trong gia đình đổ lên đôi vai bà Đặng Thị Nhiên - vợ ông Ngọc. Cuộc sống túng thiếu, năm 2011, bà Nhiên phải giao việc chăm sóc ông Ngọc và mẹ già lại cho cô con gái út Nguyễn Thị Kim Quy đang học lớp 12 để vào TP Hồ Chí Minh bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nào ngờ, lần đi này bà cũng bị tai nạn giao thông, gãy xương ống quyển chân trái khi băng qua đường.
 
Thời điểm xảy ra tai nạn mới 4g sáng, người tham gia giao thông ít, người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường. Vậy là bà Nhiên phải oằn mình tự lo liệu mọi chi phí điều trị vết thương.
 
Bà Nhiên ngấn lệ, nói: “Vào TP Hồ Chí Minh bán vé số chỉ mới 11 ngày, kiếm gần 1 triệu đồng thì bị tai nạn. Người ta đưa tôi đến bệnh viện nằm gần một ngày mà chẳng ai hỏi han gì, vì tôi không có tiền đóng viện phí. Cảm thông trước cảnh khốn khó của tôi, chủ đại lý và bà con cùng bán vé quyên góp vài triệu đồng để phẫu thuật vết thương. Số tiền ít ỏi này cũng chỉ đủ sắp lại xương ống quyển, nằm điều trị vài ngày. Dù vết thương còn rớm máu, đau nhức, tôi vẫn xin xuất viện về nhà và cuộc sống gắn bó với cây nạng gỗ từ đó đến nay”.
 
Cuộc sống khánh kiệt
 
Chúng tôi tìm đến nhà ông Ngọc vào một buổi sáng giữa tháng 8. Ngôi nhà cấp bốn ở cuối xóm, xây dựng từ thập niên 70 của thế kỷ trước đã xuống cấp, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá. Ông Ngọc ngồi tiếp chuyện người hàng xóm bên bàn thờ của Nghĩa và Đức. Mới 9g mà đã nắng gắt, hơi nóng bao trùm khắp nhà, mọi người chỉ dùng quạt giấy nên không thể xua đi cái nóng. Nghe chúng tôi than nóng, bà Nhiên phân bua: Nhà chỉ có một chiếc quạt máy để làm mát cho mẹ già hơn 80 tuổi, những người còn lại đều dùng quạt giấy.

 
img
Bà Đặng Thị Nhiên thắp hương trên bàn thờ hai con Nghĩa và Đức - Ảnh: Q.THUẦN
 
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Ngọc cho biết, từ khi tai nạn ập đến, gia đình ông sống dựa vào sự cưu mang của người thân, bạn bè. Không một mảnh ruộng, không nuôi con gà, con heo, vì không có vốn và những người có khả năng lao động trong gia đình đều đã trở thành người… tàn phế, ngoại trừ Kim Quy và mẹ ông.
 
Từ khi bị tai nạn, sức khỏe của Thạch ngày càng yếu, đi lại khó khăn. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, hơn một năm nay em đến nhà người cậu ở TP Tuy Hòa phụ sửa xe đạp. Hôm nào đông khách em được trả công vài chục ngàn đồng, còn ít khách thì chỉ được cho ăn và ở. “Nó (em Thạch - PV) xuống đó ở chủ yếu để kiếm cơm sống qua ngày, chứ sức khỏe yếu thì làm được việc gì. 26 tuổi rồi mà cơ thể như đứa trẻ học lớp 9”, ông Ngọc nói.
 
Còn bản thân ông Ngọc, hiện hai chân vẫn bị liệt, tiểu tiện phải thông qua một ống nhựa dẫn trực tiếp từ bàng quang ra ngoài. Theo lời khuyên của bác sĩ, mỗi tháng ông phải thay ống dẫn nước tiểu hai lần, mỗi lần tốn 20.000 đồng, đồng thời uống thuốc đều đặng hàng ngày để chống viêm nhiễm đường tiết niệu. Vì không có tiền, mấy năm nay ông vẫn tận dụng ống nhựa đã qua sử dụng, khử trùng bằng nước đun sôi để sử dụng lại. Từ năm 2008 đến nay, ông không một lần đi tái khám bệnh. Ông Ngọc buồn rầu: Nhiều lúc tôi cũng muốn đi tái khám để biết bệnh tình của mình như thế nào, nhưng tiền đâu bây giờ, khi lo miếng ăn hàng ngày còn chưa có thì nói gì tiền đi chữa bệnh?
 
Bà Nhiên từ ngày xuất viện đến nay cũng không có tiền tái khám để lấy nẹp inox ở chân ra. Mấy tháng nay, vết thương xuất hiện khối u, gây đau nhức, khiến đi lại càng khó khăn hơn, vậy mà bà vẫn cố chịu. Thi thoảng bà Nhiên mang thẻ bảo hiểm y tế, nhờ người chở đến trạm y tế xã xin thuốc kháng sinh uống vài ba ngày cho đỡ đau.
 
Ông Nguyễn Huy Toán, hàng xóm với ông Ngọc nói: “Tôi chưa thấy gia đình nào bi đát như gia đình này, 5 trong 6 người lần lượt bị tai nạn, đều mất khả năng lao động. Ở bên cạnh, chúng tôi có con cá, củ khoai, chén gạo cũng mang sang chia sẻ với họ. Tội nghiệp quá”. Theo bà Nhiên, mỗi ngày bốn miệng ăn trong gia đình chỉ tiêu từ 7.000 đến 10.000 đồng tiền chợ. Phải tằn tiện để dự phòng những lúc trái gió trở trời. Cuộc sống gia đình đang bế tắc.
 
Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bình 2 Võ Thành An cho biết, gia đình ông Ngọc thuộc diện hộ nghèo. Từ khi những người trong gia đình ông bị tai nạn giao thông, xã và các tổ chức, cá nhân hảo tâm rất quan tâm hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần để họ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đó chỉ là sự giúp đỡ trước mắt, còn về lâu dài vợ chồng ông Ngọc và em Thạch cần một số tiền lớn để chữa bệnh, thoát khỏi cảnh tật nguyền và có thể lao động, tự nuôi sống bản thân.
Dù hoàn cảnh khó khăn, Kim Quy vẫn cố gắng học tập, em vừa tốt nghiệp THPT và dự thi vào Trường đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh được 12 điểm. Dù không trúng tuyển vào đại học, nhưng với số điểm này em có thể xét tuyển vào hệ cao đẳng để nuôi ước mơ có cuộc sống ổn định hơn.
 
Thế nhưng, từ ngày có kết quả thi đại học của Kim Quy, vợ chồng ông Ngọc ăn ngủ không yên, không biết có nên cho con tiếp tục đi học hay ở nhà đi làm thuê, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Về phần Kim Quy, em cho biết rất muốn học lên cao để sau này có một tương lai tốt đẹp hơn, có điều kiện đỡ đần cha mẹ lúc trái gió trở trời, nhưng hoàn cảnh thế này có lẽ em đành gác việc học sang một bên.
 
Chia tay gia đình ông Ngọc, tôi mang theo niềm thương cảm về số phận của năm con người: ba tật nguyền, một ở tuổi xưa nay hiếm và một đang tuổi ăn tuổi học. Cho đến khi thực hiện bài viết này, tôi vẫn băn khoăn rồi mai đây cuộc sống của họ sẽ ra sao, khi những vết thương ngày đêm hành hạ, vắt kiệt sức lực.
 
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lấy ngày 19/11 để tổ chức Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông năm 2012.
 
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Ủy ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tổ chức Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông vào ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông của Liên Hợp Quốc, góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông.
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, thế giới có hơn 1,2 triệu người chết và khoảng 50 triệu người khác bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ. Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về số người chết vì tai nạn giao thông.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo