“Cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm, Lợi đang chơi thì đi “xà lui”, vấp phải mâm cơm nên ngã nhào, ngồi trúng vào tô canh. Tô canh cúng nhiều dầu mỡ, mới hâm lại nên nóng vô cùng. Nước canh văng cả lên lưng”, anh Giáp Ngọc Minh, ba của Lợi, nhớ lại. Riêng Võ Thị Tuyết Nhi, trong lúc chạy trên sàn nhà bếp ướt nước, em bị trượt, va phải ấm nước sôi đang nấu. “Hai chị em con cùng nắm tay nhau chạy, may mà em trai con không bị làm sao”, Nhi hồn nhiên kể.
Trong khi đó, phần lớn các bệnh nhân bỏng là người dân tộc thiểu số bị bỏng khi dùng lửa để sưởi ấm. Anh Đinh Văn Hải cho biết: “Tối nằm ngủ bên bếp lửa, ngủ mê mệt đến gần sáng thì thấy chân đau. Giật mình dậy thì chân đã cháy đen hết”. “Mấy ngày qua, trời lạnh ghê quá, nên nhà nào cũng đốt củi sưởi ấm”, Đinh Văn Sắc- anh trai của Hải, tiếp lời em.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, các ca bỏng là người dân tộc thiểu số được khoa tiếp nhận gần đây đều rất nặng. Dù điều trị thành công, bảo toàn tính mạng thì di chứng để lại cũng rất nặng nề. Còn với các bệnh nhi, việc điều trị rất khó khăn. “Sức đề kháng của trẻ thường kém, khi bị bỏng thường bị nhiễm trùng nhiễm độc, nặng hơn là nhiễm trùng huyết, dễ dẫn đến tử vong”, bác sĩ Vinh chia sẻ.
Làm gì khi bị bỏng?
Với bệnh nhân bỏng, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Theo bác sĩ chuyên khoa II Võ Nam Định, Trưởng phòng Bỏng (khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, BVĐK tỉnh), rất nhiều trường hợp bệnh nhân không được xử lý kịp thời, đúng cách, gây khó khăn cho công tác điều trị, để lại hậu quả nghiêm trọng.
● Cụ thể, có những sai lầm nào thường gặp trong cách xử lý ngay sau khi bệnh nhân bị bỏng, thưa bác sĩ?
- Sai lầm phổ biến nhất là dùng nước mắm, kem đánh răng, mỡ trăn… bôi vào chỗ bị bỏng, làm vết thương không đỡ mà còn nặng thêm. Nhiều người nghĩ, phải càng lạnh thì mới chống được nóng, nên lấy nước đá ngâm vào chỗ bị bỏng, đây cũng là một sai lầm phổ biến. Ngoài ra, nhiều người thấy trẻ bị bỏng cứ lấy nước ngâm để chữa bỏng mà trước đó quên mất phải cởi hết quần áo của trẻ. Đến khi ngâm nước xong, cởi quần áo ra thì kéo theo tổn thương da nặng nề.
Để phòng bị bỏng, phải cách ly tác nhân gây bỏng khỏi tầm tay của trẻ.
Trong ảnh: Bé Võ Thị Tuyết Nhi (ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) bị bỏng nước sôi.
Trong nhiều trường hợp, cứ thấy người nhà bị bỏng là nhiều người hoảng sợ quá mức, nhất mực đưa thẳng lên bệnh viện tuyến trên với hy vọng được chữa trị tốt nhất, bỏ qua cơ hội được sơ cứu sớm nhất cho bệnh nhân.
● Vậy, khi phát hiện người bị bỏng, cần thiết phải thực hiện các bước xử lý như thế nào?
- Đầu tiên, phải loại trừ tác nhân gây bỏng, rồi làm mát nơi bị bỏng bằng nước lạnh. Sau đó dùng khăn, gạc băng ép nhẹ lên bề mặt da bị bỏng, đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, nhân viên y tế nhất thiết phải thiết lập đường truyền cho bệnh nhân. Việc thiết lập được đường truyền, nhất là đối với bệnh nhi, là điều kiện quan trọng ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Trong quá trình sơ cứu tại cơ sở y tế ban đầu, việc dùng thuốc giảm đau cũng rất cần thiết, để tránh tình trạng choáng và nặng nề hơn, gây khó khăn cho việc điều trị sau đó.
● Từ nay đến Tết Nguyên đán, thời tiết lạnh sẽ còn tiếp diễn. Theo bác sĩ, để phòng bỏng, người dân cần lưu ý điều gì?
- Trong những ngày lạnh, nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng cao, nhất là người già và trẻ nhỏ. Mọi người phải hết sức lưu ý khi đốt lửa và dùng các thiết bị điện sưởi ấm. Không ít trẻ sơ sinh bị bỏng cả vùng lưng do nằm lửa quá lớn. Nhiều bà mẹ pha sữa cho trẻ không cẩn thận, trẻ ngọ ngoậy làm đổ bình sữa, thế là bỏng.
Đặc biệt, các tác nhân gây bỏng như nước sôi, xăng, dầu, bếp lửa phải để cách xa tầm tay trẻ. Trong nhà, các ổ điện phải đặt cao, hoặc có nắp bảo vệ, phòng khi trẻ nghịch ngợm bị điện giật, gây bỏng phải cắt cụt ngón tay, ngón chân.
● Xin cảm ơn bác sĩ.
BÌNH PHƯƠNG (Thực hiện)