xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sôi động mùa cá bông lau

HOÀI PHƯƠNG (TP Cần Thơ)

Vào những ngày tháng 3, tháng 4 âl, có dịp đến cù lao Dung (Sóc Trăng), đứng từ khu rừng bần phóng tầm mắt ra sông Hậu mênh mang, chúng ta sẽ chứng kiến mấy chục ghe xuồng đang vật lộn với sóng gió để lôi lên từng con cá bông lau tươi rói, đặc sản của vùng sông nước Cửu Long.

img
Niềm vui của ngư dân sau khi câu được cá.
 
Bông lau, một loài cá quý hiếm
 
Bông lau là loài cá da trơn, tên khoa học là Pangasius Krempfy, chi cá tra (Pangasius), thuộc loài di trú và là đặc sản của dòng Mekong. Loại cá này có thể nặng trên 10kg, thân hình hao hao như cá ba sa, cá dứa nhưng dáng thon, dài, da trắng mịn, nổi bông phấn, khi gặp ánh nắng mặt trời màu sắc ánh lên như bông lau.
 
Tuy là loài di trú nhưng cá bông lau thích sống ở sông sâu, dòng chảy mạnh, đặc biệt là ở những nơi giáp nước, gần biển như cửa Định An và Trần Đề. Thường những con cá sống ở một chỗ lâu ngày bao giờ cũng mập, to hơn cá chuyển vùng (di trú) theo từng con nước. Nhiều ngư dân kể rằng tại cửa Định An có nhiều rạn đá ngầm, nhiều luồng nước chảy xiết nên cá thích quây quần về đó để cư trú và sinh sản.
 
Theo kinh nghiệm của nhiều lão ngư, loại cá bông lau sống ở những đoạn sông nước ngọt thì mập, da trắng, mình ngắn, thịt ngon và béo hơn cá ở vùng nước mặn. Dù cư trú ở đâu, chúng cũng thường kéo nhau thành bầy đi kiếm ăn vào thời điểm nước rong (14– 29 hoặc 30 âl) lúc nước đứng dòng, sóng gợn lăn tăn, nhất là ban đêm, trời êm, ít tàu bè qua lại.
 
Mùa cá bông lau trên sông Tiền và sông Hậu đến không cùng lúc. Có nơi đến sớm từ trước tết cho đến tháng 3 âl như ở An Giang; có nơi cá về khi ngọn gió chướng bắt đầu thổi như ở khúc sông gần cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng); lại có nơi cá xuất hiện quanh năm như gần các cửa sông đổ ra biển. Vào những ngày này, bà con tập trung buông lưới và giăng bắt bằng câu phao, câu viền khiến cho mùa cá bông lau trở nên rộn ràng tất bật.
 
Sôi động mùa cá bông lau
 
Trên dòng sông Hậu, hàng năm, kể từ sau Tết Nguyên đán, hoạt động đánh bắt cá bông lau đã bắt đầu sôi động hẳn lên, nhất là tại Phú Tân, Tân Châu, Chợ Mới, nổi tiếng nhất là trên sông Vàm Nao- An Giang và các đoạn chảy qua Lai Vung- Đồng Tháp), cù lao Tân Lộc (Cần Thơ) cù lao Mây (Vĩnh Long) và đoạn sông từ cuối cồn Mỹ Phước đến đầu cù lao Dung.
 
Vào mùa bông lau về, trên nhiều đoạn sông có tới hàng trăm ghe xuồng đua nhau giăng câu và thả lưới. Đặc biệt tại con sông Vàm Nao- con sông nổi tiếng về cá bông lau- hàng đêm, cứ khoảng 7- 8 giờ tối là ghe xuồng đánh bắt lại tụ hội về đông đủ, đèn phao đỏ rực, chớp nháy trên nhiều đoạn sông giống như những vì sao lấp lánh thật thú vị.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, trước đây bà con ở Vàm Nao săn bắt cá bông lau bằng nhiều cách khác nhau: chài, lưới, câu cần, câu giăng, nhưng hiện nay đa số đều bắt bằng lưới vừa an toàn vừa có hiệu quả. Thông thường mỗi ghe lưới chỉ cần hai người, một người bơi và một người thả lưới. Mỗi tay lưới cá bông lau dài từ 300– 500m, dạo sâu khoảng 7m, tùy giăng sâu hay giăng cạn.
 
Dân nhà nghề chia lưới ra làm 2 loại: Lưới đèn (có gắn đèn trên phao) dành bắt cá chạy luồng trên. Còn lưới ngầm thì cho lưới chìm sâu xuống nước, bắt được nhiều cá to. Thăm cá cũng là một điều thú vị, nếu lúc nào nước chảy mạnh thì thăm vài giờ một lần, còn nước chảy yếu thì giãn ra, Mỗi lần được cá to anh em phấn khởi thông báo cho nhau để cùng chia sẻ.
 
Khác hơn An Giang, đa số ngư dân ở cù lao Dung thích săn bông lau bằng câu cần, câu viền hoặc câu phao. Anh Trần Phước Thiện, một tay câu nổi tiếng cho biết mỗi giàn câu viền dài từ 500– 800m, thả chìm xuống sâu vì cá bông lau thường đi ăn sát đáy.
 
Dọc theo viền, người ta buộc sợi câu cách nhau 3 sải một lưỡi (khoảng 5m), còn câu phao thì mỗi lưỡi gắn thêm một cái phao nhỏ, buộc cách nhau 10 sải. Theo anh, nghề câu cá bông lau quan trọng nhất là mồi. Tùy theo mùa và con nước mà người câu dùng những loại mồi khác nhau.
 
Có thể nói mồi nhạy nhất hiện nay là trùn biển. Loại mồi này thích hợp nhất trong những ngày nước đục, luồng chảy chậm hoặc đứng nước. Mồi gián cũng là loại khoái khẩu đối với cá bông lau, thích hợp nhất là vào thời điểm tháng 2, tháng 3, lúc nước trong và luồng chảy mạnh.
 
Tại các cửa Định An, Mỹ Thanh, Trần Đề và một số nơi có người còn dùng mồi bần chín để câu vào các tháng 6, 7, 8 lúc trở nước. Rõ ràng, trong giới câu cá bông lau, mỗi người đều có một bí quyết riêng, có người dùng mồi cá lóc nói sống, có người lại dùng ruột vịt hôi thúi hoặc các loại cá ươn trộn với bông gòn và thuốc Bắc.
 
Anh Lưu Văn Đầy ở cù lao Dung không giấu giếm: Muốn bắt được cá bông lau thật không dễ chút nào, đòi hỏi người câu phải có tay nghề cao, từng trải, rành về dòng chảy, con nước, lạch nước và thời điểm trong tháng để móc mồi thả câu.
 
Dân câu thường truyền nhau câu “Nhờ nước nhớ mùng”, có nghĩa là người câu cá bông lau phải chú ý đến con nước lớn, nước đứng hay ròng. Mùng là mùng mấy âm lịch. Anh Thiện cho biết cá bông lau sống tùy theo con nước, có khi mùa này ở vùng này nhưng mùa sau ở vùng khác. Song điểm tập trung nhiều nhất là trên các đoạn sông sâu, nước chảy mạnh. Chúng thích lội ngược chiều dòng chảy để tìm mồi nên người giăng câu phải nắm bắt quy luật đó để dụ cá vào ban đêm kể cả ban ngày.
 
Khi dòng nước bắt đầu chảy nhẹ cũng là lúc ngư dân bắt đầu cuốn câu, tóm gọn từng con cho vào ghe, nhiều con nặng đến 6, 7 kg.
 
Ngồi trên chiếc ghe 2 tấn, nào sóng gió, nào sương mù, tàu lắc lư làm tôi muốn nôn ói, nhưng vì quá mê say nên tôi cố gắng chịu đựng lấy máy ra ghi lại vài hình ảnh tuyệt vời của những “sát thủ” cá bông lau ở cù lao Dung.
 
Từ bao đời nay bà con đánh bắt bông lau đã thu về một nguồn lợi to lớn, nhưng giờ đây, nhiều lão ngư đã tỏ ý than phiền: Trước đây, dòng sông yên tịnh, cá tôm đặc lềnh, mỗi ghe xuồng có thể kiếm vài ba chục ký mỗi đêm. Nay do hoạt động đánh bắt ráo riết và tàu bè qua lại thường xuyên nên cá dần dần giảm đi, mỗi ngày dân chuyên nghiệp cũng chỉ kiếm được vài ba con. Do đó, muốn khai thác có hiệu quả, các tay lưới phải kết hợp đánh bắt một lúc nhiều loại như cá bông lau, cá sửu, cá út,… để tăng thêm thu nhập.
 
Anh Mười Chí- một tay câu bông lau có tiếng ở Sóc Trăng phấn khởi cho biết: Mấy năm nay, tuy cá bông lau về ít nhưng bù lại giá rất hấp dẫn khiến cho đội quân săn cá bông lau không những không giảm mà còn tăng lên đáng kể. Vả lại, nghề câu là một nghề khai thác cổ truyền vừa bảo vệ được nguồn thủy sản, vừa bảo vệ môi trường sinh thái nên được nhiều người ủng hộ.

Điều đáng mừng đối với người nuôi trồng thủy sản là gần đây Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ đã nghiên cứu thành công việc sinh sản nhân tạo cá bông lau, tạo ra nhiều triển vọng cho người nuôi, một loài cá chất lượng hơn hẳn các loài cá da trơn khác.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo