xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống chết với nghề làm ngói liệt

Theo Liên Minh (Báo Thừa Thiên- Huế Online)

Trải qua thăng trầm của lịch sử, những người thợ tài hoa của làng Nam Thanh, xã Hương Toàn (Hương Trà- Thừa Thiên- Huế) vẫn bảo tồn vẹn nguyên những tri thức dân gian về nghề sản xuất ngói liệt

Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, thành lập vương triều Nguyễn. Để phục vụ việc xây dựng kinh đô, nhà Nguyễn cho tuyển những cư dân có nghề làm gạch ngói từ làng Thanh Hà (Quảng Nam) ra Phú Xuân định cư để sản xuất gạch ngói. Từ đó, làng Nam Thanh (ghép của Quảng Nam và Thanh Hà) được thành lập. Nghề làm ngói liệt ra đời, nguồn nguyên liệu để sản xuất ngói cũng được lấy từ các mỏ đất trong vùng.

 

Mệ Phan Thị Quên gõ lại cho đều cạnh ngói

Mệ Phan Thị Quên gõ lại cho đều cạnh ngói

Tự hào thương hiệu

Ngày trước, thôn Nam Thanh có hàng chục lò sản xuất gạch ngói, cung cấp gạch vồ và ngói liệt phục vụ việc xây dựng Hoàng thành, lăng tẩm và những ngôi nhà truyền thống, nhà rường Huế. Anh Lý Văn Quân, trưởng thôn Nam Thanh, một trong hai chủ lò còn sản xuất ngói liệt kể: “Ngày nay, do nhu cầu thị trường thu hẹp, cả làng chỉ còn 2 lò cầm cự để giữ nghề. Vì làm thủ công nên để làm ra một viên ngói liệt, đòi hỏi người thợ không chỉ kinh nghiệm mà còn nắm vững kỹ thuật, người chủ lò có bí quyết riêng mới làm ra viên ngói đạt chất lượng: mỏng, phẳng, đều cạnh và đặc biệt, khi gõ âm thanh phát ra thanh như tiếng chuông.

Ngói liệt bắt buộc phải làm từ nguyên liệu đất nguyên sét (dùng để làm gốm), có màu tro hoặc vàng nâu, rất mịn, dẻo và dai. Đất sau khi đưa về, cho vào hầm dự trữ, chỉ lấy đủ số lượng dùng để luyện với nước. Việc luyện đất mất một ngày. Người thợ làm đất phải nhồi, đạp đất cho mịn, dẻo để loại bỏ dần tạp chất. Anh Quân cho hay: “Luyện đất cũng như nhào bột làm bánh. Nếu nhiều nước, đất nhão, ít nước sét khô. Sau đó, dùng cần cung cắt đất thành lát cho vào khuôn gỗ chữ nhật dày 3-5cm (khuôn đã được tráng qua một lớp đất sét mỏng và “áo” một lớp cát biển lên). Sau đó, dùng chân đạp cho đều, cắt đi lớp đất thừa mới lấy ra cho ngói đi phơi”.

Đang miệt mài ngồi in ngói cho kịp nắng, mệ Phan Thị Quên, 70 tuổi, người làng Nam Thanh tâm sự: “Tui theo nghề làm ngói từ thời con gái đến chừ. Hồi trước, cả thôn ni đa phần sống nhờ ngói liệt. Chừ người làm ít lắm, nghề thì ngày càng mai một. Ngó thì chỉ có vài lò ri chứ ngói làng Nam Thanh có mặt khắp cả nước, “vi vu” ra nước ngoài cho họ làm nhà xưa, rồi trùng tu mấy lăng tẩm, đền đài trong Đại Nội. Tự hào lắm chớ”!

 

Thợ in ngói vào khuôn

Thợ in ngói vào khuôn

Giữ lửa cho đời sau

Năm nay 56 tuổi, theo mẹ làm nghề từ năm 15 tuổi, nhưng đến giờ bà Nguyễn Thị Liễu vẫn không thể nào xa rời khuôn ngói và những cục đất sét, những vật dụng làm nghề đã gắn bó với bà như máu thịt. Đang thoăn thoắt chồng những viên ngói đã se mặt, bà Liễu cười vui: “Cực nhưng mình vẫn làm để giữ lấy nghề. Để làm ra tấm ngói, các công đoạn đều phải làm thủ công nên khâu mô cũng quan trọng. Phơi ngói cũng phải canh thời tiết, nếu nắng quá ngói sẽ khô, nếu mưa lấy không kịp coi như bỏ”.

Chỉ là những tấm ngói mỏng manh, nhưng khi lợp lên bằng nhiều lớp (thường là 5 lớp) ngói liệt có tác dụng cách nhiệt rất tốt. Mùa hè trong nhà rất mát mẻ nhưng mùa đông lại ấm áp, đặc biệt, từ màu nâu đỏ, ngói lợp càng lâu năm sẽ phủ màu rêu, đen bóng lên rất đẹp”, ông Lê Tô, ở đường Ngự Bình, TP Huế có nhà lợp bằng ngói liệt hơn 50 năm nay cho biết.

Cuối ngày, từng chồng ngói được đưa vào lò. Đến khi nào đủ cho 1 mẻ (khoảng 160 ngàn viên) thì đốt lò nung ngói. Việc đốt lò do chủ lò và 1-2 thợ có tay nghề thực hiện. Để nung xong mẻ ngói, phải mất 20-25 ngày đỏ lửa liên tục (tùy theo thời tiết). 12 ngày đầu, lửa nhỏ vừa phải rồi tăng dần đến 5 ngày cuối cùng, lửa đốt thật mạnh rồi mới khóa lò; để nguội trong 7-10 ngày lấy ngói ra. Khi được hỏi, nguyên liệu đốt là củi có thể thay bằng vật liệu khác? Chỉ có thể đốt bằng củi để điều chỉnh nhiệt độ, nếu dùng than đá thay thế, ngói sẽ mo ngay vì nhiệt cao, không đều, anh Quân cho hay.

Trong quá trình sản xuất, sự phân công lao động giữa nam- nữ, giữa chủ lò với thợ rất chặt chẽ để đảm bảo việc cho ra lò một mẻ ngói thành công. Trong một gia đình, nghề làm ngói được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, vì vậy, tất cả các lò làm ngói tại Nam Thanh đều là bà con dòng họ với nhau. Trong đó, khâu in ngói cần sự khéo léo, tỉ mỉ, thường do phụ nữ đảm nhận; còn thợ làm đất, thợ lò thường do đàn ông làm do đây là những công việc cần đến sức khỏe.

 

Xếp ngói liệt ra phơi

Xếp ngói liệt ra phơi

Hiện nay, mỗi viên ngói liệt có giá 750 đồng, bình quân một mẻ bán được 150 - 200 triệu đồng (160 ngàn viên). Khách hàng chủ yếu là các gia đình có nhu cầu thay mới ngói đã hư hại ở các nhà rường, nhà xưa, di tích Huế và các điểm du lịch, nhà hàng trong và ngoài nước...

Trước đây, cả vùng Nam Thanh thực sự là một làng nghề lớn, đem lại công ăn việc làm và sự ấm no cho dân làng, giờ đây, trước nguy cơ mai một do thiếu nguồn nguyên liệu, anh Quân cùng những người thợ làm ngói làng Nam Thanh vẫn theo nghề, sống chết với nghề để “giữ lấy cái nghề thủ công truyền thống mà tổ tiên để lại”.

 

Theo Quy ước làng văn hóa Nam Thanh, do có công sản xuất nhiều gạch ngói cung cấp cho việc xây dựng kinh thành, làng Nam Thanh được triều đình nhà Nguyễn ban tặng 7 sắc phong, gồm: 3 sắc phong dưới thời vua Duy Tân và 4 sắc phong dưới thời Khải Định. Hiện nay, dân làng còn bảo quản và lưu giữ các bản sắc phong có giá trị văn hóa lịch sử này để tỏ lòng biết ơn các vị tiền nhân.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo