xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phải thể chế hóa “Quyền im lặng”

Tiến sĩ - luật sư PHAN TRUNG HOÀI

“Quyền im lặng” của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam... đã được đặt ra tại phiên họp vào ngày 23-9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi. Vấn đề sẽ rõ hơn qua ý kiến của một số chuyên gia pháp lý

Trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự (TTHS) của nhiều nước, việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý và sự tham gia ngay từ đầu của luật sư nhằm hỗ trợ cho người bị tình nghi phạm tội khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam đã được luật hóa, trở thành một trong những nguyên tắc tố tụng cơ bản.

“Quyền im lặng” về bản chất là sự cụ thể hóa cách thức bảo đảm thực hiện nguyên tắc nói trên. Điển hình là “Lời cảnh báo Miranda” đã trở thành án lệ theo một phán quyết năm 1966 của Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ Miranda kiện Arizona. Theo đó, trước khi thẩm vấn, cảnh sát phải thông báo cho người bị tình nghi phạm tội như sau: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư nhưng vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư”.

Phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định còn có nhiều ý kiến quá khác nhau về “Quyền im lặng”Ảnh: TTXVN
Phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định còn có nhiều ý kiến quá khác nhau về “Quyền im lặng”Ảnh: TTXVN

Không buộc phải chứng minh vô tội

Đặc trưng chủ yếu của mô hình TTHS thẩm vấn của Việt Nam không coi vụ án hình sự là tranh chấp, xung đột pháp lý giữa các bên, do đã xâm hại tới trật tự công cộng, lợi ích chung của xã hội, công dân nên nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, trong mô hình TTHS Việt Nam, việc tìm kiếm sự thật vụ án được xác định bằng phương pháp điều tra, thẩm vấn ở tất cả các giai đoạn tố tụng; điều tra, thẩm vấn ngay tại phiên tòa vẫn là phương pháp chủ yếu được áp dụng, việc tranh tụng chỉ diễn ra trong khi xét xử.

Tuy nhiên, đặc điểm nói trên của mô hình TTHS Việt Nam cũng cho thấy nguyên tắc “Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” và “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội” đã được ghi nhận (điều 10 và 72 Bộ Luật TTHS). Theo điểm p khoản 1 điều 46 Bộ Luật Hình sự năm 1999, việc “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Những quy định nói trên cho thấy người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo theo Bộ Luật TTHS Việt Nam vẫn có quyền không khai nhận hành vi phạm tội nếu không tự nguyện và có quyền nhờ luật sư, người khác bào chữa cho mình.

Tháo gỡ rào cản

Hiện nay, tại khoản 4 điều 31 Hiến pháp năm 2013, Bộ Luật TTHS và các văn bản dưới luật đã khẳng định và quy định người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư và người khác bào chữa ngay từ thời điểm bắt người tạm giữ hoặc khởi tố bị can. Đây là quyền Hiến định, phù hợp với Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự, chính trị của công dân mà Việt Nam đã gia nhập từ năm 1982.

Vấn đề là làm thế nào thể chế hóa “Quyền im lặng” cho phù hợp với đặc điểm ở Việt Nam? Hiện Đảng và nhà nước đã ban hành và có nhiều giải pháp nhằm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, vị trí, vai trò của luật sư trong TTHS đã có những bước chuyển rất quan trọng. Do đó, cần sửa đổi Bộ Luật TTHS theo hướng bảo đảm quyền tiếp cận ngay từ đầu của luật sư đối với người bị tình nghi phạm tội ngay khi bị triệu tập lấy lời khai do có đơn thư, tin báo tố giác tội phạm, khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Các cơ quan và người tiến hành tố tụng khi bắt giữ một công dân phải thông báo, giải thích về quyền tự bào chữa và nhờ luật sư, người khác bào chữa, lập biên bản ghi nhận yêu cầu luật sư của họ và tạo điều kiện ngay lập tức tạo điều kiện cho luật sư được hiện diện trước khi lấy lời khai người bị tình nghi phạm tội.

Ngoài ra, phải tháo gỡ rào cản lớn nhất hiện nay khi tham gia tố tụng bằng cách hủy bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với luật sư và trợ giúp viên pháp lý, thay vào đó bằng thủ tục đăng ký tham gia bào chữa, để có thể tiếp cận ngay lập tức với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người đại diện hợp pháp hoặc của người thân thích. Luật sư được quyền chủ động làm việc với thân chủ, trong tầm nhìn chứ không trong tầm nghe, không bị hạn chế số lần và thời gian làm việc trong giờ hành chính để có thể trợ giúp thật sự có hiệu quả cho họ. 

Giới hạn thời gian

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP HCM, nếu đưa quy định về “Quyền im lặng” vào luật, điều tra viên sẽ thông báo người bị bắt, tạm giữ, tạm giam... có quyền khai hoặc im lặng cho đến khi có luật sư. Đây là quy định rất tiến bộ để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tất nhiên, khi họ im lặng thì điều tra viên phải đáp ứng nhu cầu và có thể ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án nên hiển nhiên phải có thêm quy định về giới hạn thời gian giữ im lặng, khi vượt khung thời gian quy định thì điều tra viên có quyền thực hiện nhiệm vụ của mình khi không có mặt luật sư.

Ph.Dũng

 


img
Luật sư Nguyễn Kiều Hưnghãng Luật Giải phóng (TP HCM):

Đã có một tư duy khác

Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Nếu hiểu quy định này theo nghĩa “Quyền im lặng” và “Quyền có luật sư” của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam (đối tượng) thì sẽ không gây tranh luận. Tuy nhiên, đã có một tư duy khác gây bất lợi cho họ rằng họ có “Quyền nhờ luật sư” chứ không phải “Quyền có luật sư”.

Pháp luật TTHS ở nước ta quy định “Quyền nhờ luật sư” nhưng rất khó thực hiện vì xảy ra một số trường hợp muốn nhờ luật sư nhưng không biết mời luật sư nào và bằng cách nào (vì bị cách ly với bên ngoài), vì không có tiền hoặc gia đình mời nhưng phải từ chối vì một số lý do tế nhị... Khi bị bắt, các đối tượng bị cách ly hoàn toàn (đó là nguyên tắc tố tụng tại Việt Nam), chỉ có luật sư (do người nhà của đối tượng mời) mới được tiếp cận nhưng phải xin cấp giấy chứng nhận bào chữa, rồi phải mất một thời gian khá dài mới gặp được vì chờ lịch hỏi cung của điều tra viên. Trong thời gian này, việc hỏi cung vẫn diễn ra nên khi luật sư gặp được đối tượng thì đôi lúc mọi chuyện đã rồi. Việc ép cung, mớm cung hay nhục hình sẽ diễn ra trong giai đoạn này (nếu có); lời khai có thể đã theo một “kịch bản” do cán bộ điều tra lập ra.

Trường hợp khác, đối tượng dính án hình sự có trường hợp là kẻ phạm tội chuyên nghiệp nhưng cũng có trường hợp là nông dân nghèo vô tình phạm tội. Nghèo thì không có tiền để mời luật sư và cũng không biết địa chỉ luật sư cung cấp dịch vụ miễn phí cho người nghèo để tiếp cận. Bất đắc dĩ họ phải chấp nhận lựa chọn “Quyền tự bào chữa”. Không loại trừ một số điều tra viên không muốn sự có mặt của luật sư từ đầu nên dù đối tượng và gia đình họ có ý định mời luật sư thì cũng bị cản trở, thậm chí luật sư không được cấp giấy vì nhận được lời từ chối của đối tượng.

Nhiều nước thừa nhận công dân của họ có “Quyền im lặng” và “Quyền có luật sư”, bảo đảm “Quyền có luật sư” của đối tượng. Nếu đối tượng không có điều kiện thuê luật sư, cơ quan tố tụng sẽ giới thiệu luật sư trợ giúp miễn phí cho họ nên chuyện bức cung, nhục hình, án oan, án sai hiếm khi xảy ra.

Nếu bảo đảm “Quyền im lặng” được thực thi thì sẽ hạn chế án oan sai, nhà nước cũng tiết kiệm được ngân sách vì đỡ phải bồi thường cho án oan; điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán buộc phải nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp; luật sư cũng sẽ có nhiều cơ hội để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Như thế có phải là cách rất tốt để xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh.

D.Cường ghi

img
ThS Huỳnh Văn Út - Thẩm phán TAND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau:

Cần chuẩn bị kỹ càng

Mô hình tố tụng ở nước ta hiện nay là mô hình thẩm vấn, vì vậy cơ quan tiến hành tố tụng có tâm lý “Trọng cung hơn trọng chứng”. Tức là khi chính miệng bị can, bị cáo thừa nhận họ phạm tội thì cơ quan tố tụng mới yên tâm. Trong khi đó, quyền im lặng gắn với quyền con người. Với thực tế ở nước ta, muốn thực hiện “Quyền im lặng” cần phải có lộ trình bởi thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, hiện đại. Chúng ta cũng chưa đủ trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất để thực thi điều luật này.

Mặc dù khó khăn nhưng cần thiết ghi nhận “Quyền im lặng” trực tiếp vào Bộ Luật TTHS để có sự chuẩn bị kỹ càng, nghiêm túc rồi hãy thực thi. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng điều luật chỉ tồn tại trên giấy. “Quyền im lặng” được quy định và thực thi tốt sẽ hạn chế thấp nhất oan sai trong TTHS. Qua đó, thúc đẩy việc thực thi tốt nhất quyền con người được thế giới ghi nhận.

D.Nhân ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo