Thương mại hóa 2 giống lúa mới chịu được mặn và kháng bệnh

12 Tháng 04, 2018 | 15:19

(NLĐO) – Hai giống lúa mới do Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu có những phẩm chất nổi trội phù hợp để sản xuất gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Chiều 12-4, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Viện Lúa ĐBSCL và Tập đoàn Lộc Trời ký kết chuyển giao công nghệ và sử dụng độc quyền hai giống lúa mới OM18 và OM 9577 cho Tập đoàn Lộc Trời. 

Hai giống lúa trên được chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm từ năm 2011 do nhóm tác giả của Viện Lúa ĐBSCL gồm  PGS.TS. Trần Thị Cúc Hòa và Kỹ thuật viên Huỳnh Thị Phương Loan, riêng giống lúa OM9577 có thêm sự tham gia của TS Phạm Trung Nghĩa.

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết 2 bên ký kết hợp tác trong việc thương mại hóa giống lúa, tạo nguồn kinh phí cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giống lúa mới. Cụ thể, Viện Lúa ĐBSCL sẽ hưởng 200 đồng/kg lúa giống mà Tập đoàn Lộc Trời bán ra.  

Đây là hai giống lúa có những phẩm chất nổi trội, phù hợp để canh tác trong cả ba vụ, thích hợp trồng cả trong các vùng hạn, mặn ở ngưỡng khoảng 4‰. Những năm qua, xu hướng nhiễm mặn gia tăng tại ĐBSCL gây thiệt lớn đối với sản xuất lúa trong vùng, đặc biệt ở các tỉnh ven biển nên việc cải tạo giống lúa thích ứng với tình hình mới rất bức thiết.

OM9577 có khả năng chống chịu rầy nâu, đạo ôn và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá; giống OM18 kháng bệnh đạo ôn; cả 2 giống đều cho năng suất cao (7-8 tấn/ha vụ Đông Xuân) và gạo phẩm chất tốt, phù hợp xuất khẩu gạo ở phân khúc chất lượng cao.

Thương mại hóa 2 giống lúa mới chịu được mặn và kháng bệnh - Ảnh 1.

Nông dân nhổ bỏ lúa lẫn trong ruộng lúa giống của Tập đoàn Lộc Trời

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục Bảo vệ thực vật, khẳng định vai trò số 1 của giống lúa trong việc cải thiện năng suất, chất lượng gạo, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân.

Theo PGD.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhu cầu hạt giống lúa thuần vùng ĐBSCL hiện vào khoảng 400.000 -500.000 tấn/năm, trong đó chỉ 30% là hạt giống được cấp xác nhận có chứng chỉ. "Thị trường hạt giống hiện nay không khuyến khích nhiều công ty đầu tư sản xuất hạt giống có chất lượng cao để cung cấp cho thị trường do tình trạng xâm phạm bản quyền hạt giống, một số công ty tầm trung cũng không nộp tiền tác quyền đầy đủ.

Ngoài ra, thị trường hạt giống có nhiều loại kém chất lượng do các công ty làm ăn theo kiểu chụp giựt, mua lúa hàng hóa về bán giống. Hiện nay, các quy định về mức xử phạt vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện hành vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cần nghiên cứu điều chỉnh cách tính mức phạt phải cao hơn, nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm, sao cho mức phạt tối thiểu cũng phải cao hơn lợi nhuận xác định được do hành vi vi phạm gây ra"- PGS.TS Chín kiến nghị.

Ngọc Ánh

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).