xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CLIP: Chuyện về “Ông Hổ” nghĩa tình trên đất cù lao

Bài - ảnh - clip: KỲ ĐỒNG

(NLĐO) - Hiện nay, mộ Ông Hổ được phục dựng nằm trong khuôn viên “Bửu Long Cổ Tự”. Đây là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách khi đến với Mỹ Hòa Hưng.

Clip Ông Hổ nghĩa tình trên mảnh đất cù lao

Nằm giữa dòng sông Hậu, cách đôi bờ Long Xuyên và Chợ Mới một chuyến phà, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang nổi tiếng là mảnh đất quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, nơi đây còn thắm đượm về câu chuyện nghĩa tình giữa hổ và người, để rồi tên gọi "Cù lao Ông Hổ" đến nay được nhiều người biết đến.

CLIP: Chuyện về “Ông Hổ” nghĩa tình trên đất cù lao - Ảnh 2.

Mộ Ông Hổ nằm bên trong khuôn viên Bửu Long Cổ Tự

Cù lao Ông Hổ nằm trọn vẹn ở xã Mỹ Hòa Hưng, nơi vẫn giữ được đậm chất hồn quê với những cung đường uốn lượn được bao phủ rợp bóng mát bởi những hàng cây. Cù lao Ông Hổ vốn nổi tiếng có nhiều tuyến đường quanh co kéo dài hơn 40km, chạy dọc theo 12 con rạch, 14 con kênh được nối nhịp qua 38 cây cầu trải khắp cù lao. Bởi có nhiều con đường cắt ngang tạo thành ngã ba ngã tư, nên khách phương xa muốn dạo quanh cù lao phải hỏi người dân bản xứ.

Sau khi lên phà Trà Ôn (phường Bình Khánh, TP Long Xuyên), chúng tôi có hơn 15 phút ngắm dòng sông Hậu hiền hòa và hướng về phía xa là Cù lao Ông Hổ được phủ dày bởi những tán cây xanh.

CLIP: Chuyện về “Ông Hổ” nghĩa tình trên đất cù lao - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Tri thường kể lại câu chuyện hổ nghĩa tình cho khách đến thăm cù lao

Đặt chân lên bờ, chúng tôi hỏi người dân bản xứ đường đến chùa Ông Hổ, rồi cứ thế băng qua mấy cây cầu, chạy dọc theo mấy đoạn kênh, tận hưởng cái mát mẻ của hàng cây tỏa bóng mát 2 bên đường. Những ngôi nhà xưa nằm xen kẽ những ngôi nhà mới xây khang trang khiến khách phương xa cảm nhận Cù lao Ông Hổ vẫn là một làng quê đậm chất Nam Bộ.

Đến "Bửu Long Cổ Tự", nơi mà người dân trong vùng quen gọi là chùa Ông Hổ, chúng tôi tình cờ gặp được ông Nguyễn Văn Tri, nguyên là lãnh đạo xã Mỹ Hòa Hưng, đồng thời cũng là bậc cao niên ở cù lao này.

CLIP: Chuyện về “Ông Hổ” nghĩa tình trên đất cù lao - Ảnh 4.
CLIP: Chuyện về “Ông Hổ” nghĩa tình trên đất cù lao - Ảnh 5.
CLIP: Chuyện về “Ông Hổ” nghĩa tình trên đất cù lao - Ảnh 6.

Mộ Ông Hổ được phục dựng bằng cả tấm lòng và sự kính trọng của người dân trong vùng

Ông Tri kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện khai sinh tên gọi cù lao Ông Hổ, rằng: Tôi cũng được nghe ông bà kể lại, không biết bắt đầu từ lúc nào, vùng đất này được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu. Sau này, những người đi khai hoang đầu tiên đến đây rồi dựng nhà, lập làng, làm ăn, sinh sống cho đến ngày nay. Tên gọi Cù lao Ông Hổ gắn liền với một câu chuyện đã lưu truyền suốt bao thế hệ người nơi đây.

Xưa kia, có đôi vợ chồng lớn tuổi chèo xuồng đi bắt cá, vớt củi trên sông, thấy trên mảng lục bình có một con vật nhìn giống như con mèo. Chèo xuồng đến gần, ông bà mới biết đó không phải là con mèo mà là chú hổ con đang vừa đói vừa lạnh, thấy thương nên ông bà đem về nuôi dưỡng. Từ đó, hổ lớn lên trong tình thương của con người nên nó rất hiền lành.

Một thời gian sau, ông bà vì tuổi cao sức yếu nên qua đời, lúc này người dân đến đây sinh sống cũng nhiều hơn nên hổ cũng vượt sông đi sâu vào rừng. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên nhất chính là hàng năm tới ngày giỗ của ân nhân, hổ đều mang về một con heo rừng hoặc nai rừng đặt bên mộ rồi lặng lẽ bỏ đi.

CLIP: Chuyện về “Ông Hổ” nghĩa tình trên đất cù lao - Ảnh 7.
CLIP: Chuyện về “Ông Hổ” nghĩa tình trên đất cù lao - Ảnh 8.

Mỹ Hòa Hưng hôm nay khoác lên mình diện mạo mới, nhiều ngôi nhà khang trang hơn

"Dân làng thấy con vật sống có nghĩa có tình nên đặt tên nơi đây là Cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ… Câu chuyện như thế được lưu truyền suốt bao năm qua, trước nhất là để giải thích tên gọi của vùng đất này, thứ 2 nó dạy cho thế hệ sau hiểu về cốt cách của người dân xứ cù lao sống chân thành, tình nghĩa đã cảm hóa được loài mãnh thú hoang dã" - ông Tri bồi hồi kể.

Hiện nay, mộ Ông Hổ được phục dựng nằm trong khuôn viên "Bửu Long Cổ Tự". Đây là điểm đến yêu thích của đông đảo du khách khi đến với Mỹ Hòa Hưng.

Ông Nguyễn Sĩ Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết: "Mỹ Hòa Hưng vốn đã nổi tiếng, bởi nơi đây chính là quê hương của Bác Tôn. Người dân nơi đây bao đời sống hiền hòa, luôn nỗ lực lao động sản xuất để phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, phần lớn trong tổng số hơn 5.500 hộ dân của xã đều có nhà cửa khang trang, không còn cảnh dột nát. Du khách đến với Mỹ Hòa Hưng đều dễ dàng nhận ra hệ thống điện, đường, trường, trạm, chợ của xã đã khác xưa, tất cả được đầu tư hoàn chỉnh".

Những đổi thay của Cù lao Ông Hổ hôm nay là minh chứng tươi đẹp cho mảnh đất tình người trên xứ cù lao. Ai yêu thích thiên nhiên, muốn thưởng ngoạn cảnh sống yên bình thì có thể về Cù lao Ông Hổ ngắm nhìn cảnh sắc và lắng nghe những câu chuyện nghĩa tình để yêu hơn vùng đất cù lao được dòng sông Hậu chở che, bồi lắng phù sa bao đời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo