xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chấm phá thành Vienna

Xuân Hòa

“Nếu Paris là một cô gái yểu điệu và quý phái; Munich là một chàng trai tràn trề nhựa sống thì Vienna là một quý ông thành đạt và cương nghị”

Đó là lời ví von hết sức duyên dáng của cô bạn thân trước ngày tôi khởi hành đến Vienna (Áo) - thủ đô âm nhạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2001.

Thành phố di sản

Thật ra tôi chưa có cơ hội thân tình với một “quý ông thành đạt” nào để hiểu xem họ lịch lãm và hấp dẫn ra sao nhưng đặt chân đến Vienna, tôi như bừng tỉnh sau chuyến bay dài vất vả và quyết định phải “tập trung vào chuyên môn” dù chỉ citytour nhẹ nhàng trên xe qua những phố xá của thủ đô. Đi ngang qua thắng cảnh nào, tôi cũng nghe các thành viên trong đoàn hỏi dồn hướng dẫn viên: có xuống xe chỗ này không, đẹp không chịu nổi! Chúng tôi “chết ngộp” với Vienna là phải bởi lẽ cả thiên tài âm nhạc Johann Strauss còn quyến luyến thành phố này qua bản nhạc du dương “Dòng sông xanh”: “Sông về, sông cười ròn tiếng. Yêu mối tình bên bờ thành Vienna. Đôi giang hồ quay về bờ bến. Ngỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao thiên đàng”. Cũng chẳng khó hiểu khi dòng sông Danube dài 1.840 km, uốn lượn qua nhiều quốc gia châu Âu nhưng nhờ âm điệu của Strauss mà hầu như mọi người đều ngộ nhận một cách ưu ái rằng dòng sông xanh này là của riêng thủ đô Áo! Thật kỳ diệu, không chỉ sản sinh ra một thiên tài Strauss, cái nôi của âm nhạc cổ điển châu Âu còn là quê hương của rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Mozart, Beethoven, Schubert... Có lẽ vì thế mà dạo bước trên đường phố Vienna tôi không ngạc nhiên với nhiều con đường, công viên, nhà hát... mang tên các nhạc sĩ và lúc nào cũng văng vẳng bên tai tôi thanh âm của những bản nhạc dìu dặt theo điệu valse lãng mạn, ma quái!

Dù từng đặt chân đến biết bao thành phố ở khắp 5 châu 4 biển nhưng tôi phải xiêu lòng trước vẻ đẹp của Vienna: vừa cổ kính, kiêu sa vừa duyên dáng, tinh tế.


Một góc thành Vienna Ảnh: Thanh Hương

Một góc thành Vienna Ảnh: Thanh Hương

Vienna rộng 440 km2, chỉ có 2 triệu dân nhưng tráng lệ với rất nhiều công trình kiến trúc “vượt không gian và thời gian”. Cả thành phố như một khu vườn xanh tươi, điểm xuyến bằng những hàng cổ thụ cao ngất, những bãi cỏ mát mắt, những vườn hoa rực rỡ sắc màu trong công viên rộng lớn. Hoa còn tràn ngập bên đường, trên các khung cửa sổ nhà dân. Yêu màu xanh và sở hữu nhiều cây xanh nhất thế giới nên năm 2008, Vienna được bình chọn là “thành phố có môi trường đáng sống nhất thế giới”. Tuy nhiên theo hướng dẫn viên, số cây xanh ở đây đã bị Melbourne (Úc) qua mặt và thành phố này cũng đạt danh hiệu “Thành phố đáng sống nhất thế giới”. Thông tin này làm tôi dù ở Áo nhưng lòng bỗng hướng về Úc và muốn chia sẻ vinh quang này với một người thầy, người anh đang sống ở Melbourne.

May mắn cho tôi khi đến đây vào ngày cuối tuần nên có cơ hội nhìn thấy các công viên tổ chức những buổi hòa nhạc giao hưởng ngoài trời hoàn toàn miễn phí. Những gia đình ùa về đây, người lớn và trẻ con cùng chơi trên bãi cỏ, tắm nắng... trong không khí vô cùng hạnh phúc!

img

Một nét đặc trưng của Vienna mà hiếm thành phố nào trên thế giới có được là những cặp tuấn mã đẹp cường tráng ung dung chở khách giữa thủ đô xen lẫn những dòng xe hơi bóng lộn mà vẫn không quê mùa kệch cỡm; trái lại còn trở nên nổi bật khác thường. Đúng như người ta nhận định: ngựa là một phần không thể thiếu trong đời sống thành Vienna. Còn nữa, những chuyến tàu điện hai màu đỏ - trắng leng keng cũng tạo thành một nét riêng rất sống động, duyên dáng ở Vienna.

Dù “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng tôi vẫn dễ dàng nhận ra bất cứ chỗ đẹp nhất ở góc phố nào cũng dành cho quán cà phê. Chả thế mà năm 2009, nghệ thuật uống cà phê của Vienna được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nổi bật nhất thế giới. Vì thời gian không cho phép, tôi chưa có cơ hội thưởng thức cà phê Áo nhưng theo lời hướng dẫn viên thì thật hấp dẫn khi khách có thể ngồi hàng buổi với tách cà phê mà được phục vụ bánh ngọt miễn phí lại không bị ai quấy rầy!

Cổ kính thành Vienna

Lướt qua trung tâm thành phố, tôi được giới thiệu về đại lộ nổi tiếng Ringstrasse bao quanh khu phố cổ và được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đó là con đường vành đai xây năm 1385 trên khu đất xưa là tường thành thời trung cổ bảo vệ cho thành phố. Dọc con đường này là những công trình kiến trúc tiêu biểu của Vienna: Cung điện Hoàng gia Hofburg, Tòa Thị chính, Tòa nhà Quốc hội, nhà hát Opera quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên, Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật... Ngồi trên xe, xuyên qua lớp cửa kính để chiêm ngưỡng Tòa nhà Quốc hội, tôi thật sự ngưỡng mộ kiến trúc sư Theophil Von Hansen - người đã tạo ra công trình uy nghiêm đồ sộ theo kiến trúc La Mã và bỏ công xây dựng trong 10 năm, từ năm 1873. Tòa Thị chính thành phố cũng nằm cạnh đó với kiến trúc Gothic, rộng 20.000 m2, tháp chính cao 98 m; phía trước thường tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm. Sừng sững giữa lòng thành phố, biểu tượng của Vienna hơn 800 năm qua là nhà thờ St.Stephan, nơi Mozart từng kết hôn; được xây theo kiến trúc pha trộn giữa Roman và Gothic từ đầu thế kỷ XII trên nền của 2 nhà thờ cũ bị tàn phá. Đây là nhà thờ quan trọng và đẹp nhất nước Áo, từng chứng kiến bao thăng trầm lịch sử. Nhà thờ xây bằng đá vôi, dài trên 107 m; rộng 40 m; chiều cao nhất là 136 m, cao nhất châu Âu. Nhà thờ có 23 chuông, quả chuông lớn nhất Boomer cũng lớn nhất Áo, thứ nhì châu Âu, được đúc năm 1711 từ súng đại bác chiếm được của người Hồi giáo xâm lược. Khi rung lên, tiếng chuông vang xa đến nỗi mọi người ở đâu trong thành phố cũng nghe. Thế mà đau lòng xiết bao khi nhạc sĩ lừng danh thế giới Beethoven lại không nghe được, dù nhìn thấy đàn bồ câu bay ra từ tháp chuông đang rung!

img

Cung điện hoàng gia - đỉnh cao quyền lực

Từng nghiêng mình ngưỡng mộ trước sắc đẹp mê hồn của Hoàng hậu Sissi - “Nữ hoàng đẹp nhất thế giới” thời ấy - trong bộ phim cùng tên nên khi đến Vienna, tôi đã thỏa lòng khi tận mắt chiêm ngưỡng nơi bà từng trải qua những ngày tháng truân chuyên, dù đã trở thành mẫu nghi thiên hạ! Theo lời hướng dẫn viên thì thời hoàng kim, dòng họ Habsburg đã xây hai lâu đài tráng lệ là Cung điện Mùa đông (Hofburg Imperial Palace) và Cung điện Mùa hè (Schonbrunn Palace). Đây là gia đình hoàng tộc giàu có, thế lực nhất châu Âu thời cận đại. Do tham quyền cố vị mà thông qua các cuộc hôn nhân với các hoàng gia khác cũng như hôn nhân cùng dòng tộc, dòng họ Habsburg tiếp tục trị vì Áo, Bohemia, Hungary, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Croatia, Ireland, Bồ Đào Nha... trong nhiều thế kỷ.

Cung điện Mùa đông Hofburg - biểu tượng của Di sản Văn hóa Vienna, xây dựng năm 1275, rộng mênh mông, là nơi gia đình Hoàng gia Áo đã hưởng lạc hơn 6 thế kỷ, từ thời Rudolf đệ nhất năm 1279 đến thời Charles đệ nhất năm 1918. Hiện nay, một phần cung điện trở thành Thư viện Quốc gia, một phần là Bảo tàng Dân tộc; phần còn lại là Phủ Tổng thống. Bước vào trong cung điện Hofburg - nơi ở của Hoàng đế Franz Josef I và Hoàng hậu Sissi - nổi tiếng, những thước phim ấn tượng tôi đã xem cứ ùa về đầy ắp. Đứng trong không gian sang trọng bậc nhất thế giới nhưng tôi vẫn cảm nhận sự lạnh lẽo, cô đơn trong từng số phận con người ở đây và hiểu được phần nào nỗi lòng của Hoàng hậu Sissi dù bà đã trải qua những giây phút hạnh phúc nhất với mối tình lãng mạn cùng Hoàng đế Franz Josef I cũng là anh họ của bà!

img

Rời Cung điện Hofburg, tôi đến Cung điện Mùa hè Schonbrunn - nơi hoàng đế Pháp Napoleon từng ngự trị từ năm 1806 đến 1809. Được xây dựng năm 1752, Schonbrunn gồm 2.000 phòng, một vườn hoa vĩ đại, nhà nguyện, rạp hát cũng như sở thú riêng được xem là sở thú đầu tiên trên thế giới. Cung điện và vườn Schonbrunn là công trình đặc trưng kiến trúc Baroque và là điểm tham quan tráng lệ, lộng lẫy nổi tiếng ở Áo; do kiến trúc sư Johann Bernhard Fischer Von Erlach thiết kế. Từng mệnh danh là Versailles thu nhỏ, Cung điện Schonbrunn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1996. Trước đó, năm 1953, cung điện Schonbrunn đã được nhà sản xuất Kurt Ulrich đưa vào tác phẩm điện ảnh kinh điển “Hoàng hậu Sissi” kể về những biến cố và bi kịch cuộc đời của người phụ nữ bạc mệnh này. Theo gương Kurt Ulrich, một số nhà quay phim khác cũng chọn Schonbrunn để ghi hình những bộ phim như “A breath of scandal” do minh tinh Sophia Loren đóng vai chính, James Bond cũng thủ vai trong “The living daylights” hay ngôi sao điện ảnh Sophia Coppola trong phim “Marie Antoinette”... Đây cũng là nơi nhà thiên tài âm nhạc Mozart đến chơi nhạc để kiếm tiền phụ giúp gia đình khi mới 6 tuổi. Hiện nay, cung điện Schonbrunn là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, chương trình lễ hội quan trọng của đất nước và thu hút khoảng 8 triệu lượt khách tham quan hằng năm.

Do thời gian có hạn nên tôi chỉ tham quan một vài phòng và ngắm nghía no mắt những bộ sưu tập tranh cực kỳ giá trị mô tả cuộc sống sang trọng, vương giả của gia đình Habsburg qua nhiều thế hệ. Người xưa thường nói “Không ai giàu 3 họ, chẳng ai khó 3 đời”; thế mà dòng họ Habsburg lại có thể ung dung “ngồi trên thiên hạ” không dưới 8 đời để rồi lại nhận lấy một kết quả chẳng mấy tốt đẹp! Thế mới hay cuộc sống là vô thường!

Rời Vienna, tôi cảm thấy mình chông chênh giữa những cảm giác vui buồn lẫn lộn. Viết về Vienna thế này tôi thấy bút lực của mình còn quá kém cỏi. Có nên “đổ thừa” cho thời gian quá ngắn chưa đủ để “cảm” hết về Vienna trong khi thủ đô này quả thật là kén khách khi tôi nghe hướng dẫn viên bảo rằng nếu không đủ tầm thì khó yêu Vienna một cách đủ chín! Thế thì phải hẹn lần tái ngộ khác!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo