xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa ẩm thực Việt vươn ra thế giới

Xuân Hòa

Sau thời gian dài ấp ủ ý tưởng và đầu tư công sức, sáng 9-9-2016, tại TP HCM, Ban Vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam chính thức ra mắt với 16 thành viên gồm các nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên gia ẩm thực, doanh nghiệp...

Nhân dịp này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, Trưởng Ban Vận động thành lập hiệp hội, xung quanh kế hoạch hoạt động của hội.

Phóng viên: Không còn nghi ngờ gì nữa, ẩm thực Việt đã vượt không gian để từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế qua hàng loạt giải thưởng hấp dẫn: phở đứng hạng nhất, bún chả được trang du lịch nổi tiếng National Geographic vinh danh là 1 trong 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới; sự kiện Christine Hà đạt giải nhất cuộc thi Masterchef tại Mỹ… Thế nhưng đến nay, ẩm thực Việt vẫn cứ loay hoay trong việc định vị thương hiệu. Theo ông cái khó do đâu?

- Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, ẩm thực Việt đã có sự thay đổi theo quá trình hội nhập với các nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn giữ được nét “hồn Việt” rất đặc trưng; được xem như một phần bản sắc dân tộc. Khi nền kinh tế phát triển thì ẩm thực Việt cũng chuyển từ giai đoạn “ăn no” sang “ăn ngon”. Bên cạnh đó, từ lúc Việt Nam mở cửa bước ra thế giới thì sự cạnh tranh quốc gia ngày càng khắc nghiệt và đòi hỏi nhiều sự khác biệt, vượt trội để khẳng định vị thế. Ẩm thực Việt được xem là có nhiều sự khác biệt vượt trội nhất so với tất cả loại hình khác.


Ông Nguyễn Quốc Kỳ

Ông Nguyễn Quốc Kỳ

Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới đã dùng ẩm thực để quảng bá hình ảnh đất nước thông qua sự khác biệt nhằm xây dựng thương hiệu của mình. Đây là điều kiện để ẩm thực Việt trở về đúng giá trị “viên ngọc quý” của mình với đặc trưng lấy tự nhiên làm gốc, sạch và xanh, vừa ngon lại lành, cách chế biến phong phú và đa dạng theo vùng miền. Nhưng qua nhiều biến cố lịch sử và những thăng trầm, giá trị văn hóa ẩm thực Việt đang bị lãng quên. Do đó, cái khó hiện nay là chúng ta không nhận thức được đất nước mình đang sở hữu một tài nguyên vô cùng to lớn là ẩm thực nên chúng ta bỏ lỡ cơ hội, lãng phí tiềm năng quý báu này. Trong khi thế giới lại nhìn thấy vấn đề trước chúng ta. Chúng ta rất tự hào về phở, về món ăn đường phố nhưng thế giới lại giúp chúng ta tôn vinh ẩm thực Việt, đưa nó vượt qua biên giới, trở thành sứ giả của văn hóa Việt.

img


Ẩm thực Việt đã có sự thay đổi theo quá trình hội nhập với các nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn giữ được nét “hồn Việt” rất đặc trưng Ảnh: Shutterstock

Ẩm thực Việt đã có sự thay đổi theo quá trình hội nhập với các nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn giữ được nét “hồn Việt” rất đặc trưng Ảnh: Shutterstock

Thời gian gần đây, chúng ta đề cập nhiều đến ẩm thực nhưng vẫn chưa chú ý đầu tư nghiêm túc, bài bản và sâu rộng vì chúng ta không nghĩ ẩm thực có thể tạo sự khác biệt trong cạnh tranh quốc gia. Chúng ta chỉ xem ẩm thực đơn giản là ngành tiêu dùng mà quên rằng đó chính là hồn thiêng sông núi, giúp bảo tồn, phát triển văn hóa Việt; là cái nôi chuyên chở tất cả hồn Việt từ thuở hồng hoang sang thời hiện đại, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì thế chúng ta cần thay đổi nhận thức trong việc định vị, xây dựng kế hoạch khai thác đầu tư, phát triển ẩm thực đúng tầm của nó. Hiện nay chúng ta có rất nhiều cuộc thi về ẩm thực nhưng chỉ dừng lại ở một game show mà không tạo được giá trị văn hóa lớn, sự vượt trội để phát triển. Điều này thật đáng tiếc.

Thưa ông, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ẩm thực Việt xứng đáng trở thành thương hiệu quốc gia để quảng bá không chỉ cho ngành du lịch mà cả hình ảnh đất nước. Ông nghĩ gì về điều này?

- Nhiều nước trên thế giới đã định vị, gắn món ăn vào hình ảnh đất nước như Thụy Sĩ nổi tiếng với chocolate, Pháp có rượu vang, Hà Lan tự hào về phô mai... Vậy Việt Nam với nền văn minh lúa nước thì xây dựng thương hiệu gì? Tuy đứng đầu thế giới về nông thủy hải sản nhưng chúng ta chỉ xuất nguyên liệu thô. Vậy tại sao chúng ta không chế biến thành ẩm thực để tạo hương vị riêng, thành sản phẩm có giá trị cao cấp giúp chúng ta thu trọn vẹn lợi nhuận cao nhất? Nên nhớ bánh mì do người Pháp mang sang nhưng qua bàn tay chế biến khéo léo của người Việt đã tạo sự thăng hoa cho sản phẩm. Vậy sao chúng ta không phát triển món ăn Việt? Còn nhớ trước đây lẩu cấp đông, chả giò cấp đông... của Việt Nam được người nước ngoài, Việt kiều ưa chuộng, nay đã bị lãng quên. Đó là do chúng ta đánh mất cơ hội quảng bá thương hiệu của mình.

Trong thương hiệu quốc gia, ngành du lịch đang bị cạnh tranh gay gắt. Để quảng bá du lịch, Campuchia dùng kỳ quan thế giới Angkor Wat, Angkor Thom... Chúng ta có thể dùng Hạ Long, Hội An hoặc các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể khác để quảng bá nhưng sẽ rất tốn kém. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng biển để quảng bá cho du lịch nhưng trên thế giới còn nhiều bãi biển đẹp như thế mà người ta đã làm thương hiệu trước. Trong bối cảnh đó thì ẩm thực lại khác. Có một câu nói biểu tượng: tình yêu đến nhanh nhất qua con đường bao tử! Thật vậy, ẩm thực chuyển tải nhanh nhất thông điệp của người muốn giới thiệu lại tốn ít chi phí, mang tính tự nguyện. Đó còn là văn hóa cảm nhận, du khách có thể tạo cảm tình với một đất nước chỉ sau một bữa ăn ngon đúng như các cụ mình vẫn dạy: miếng ngon nhớ lâu. Nhờ văn hóa truyền miệng của du khách, ẩm thực Việt thêm lung linh, hấp dẫn, gia tăng giá trị.

Không chỉ thế, chúng ta còn hàng chục ngàn nhà hàng Việt trên thế giới đang hằng ngày hằng giờ bán món ăn Việt Nam, góp phần quảng bá ẩm thực Việt. Trong khung cảnh nhà hàng nào cũng trang trí theo phong cách Việt thì du khách sẽ cảm nhận đậm đà văn hóa Việt dù ở xa Việt Nam hàng chục ngàn cây số. Thế thì tại sao chúng ta không tập họp lại thành một dấu ấn giá trị văn hóa để quảng bá khi ẩm thực Việt hoàn toàn đủ điều kiện để thành thương hiệu du lịch, thương hiệu quốc gia với sự đặc sắc nổi tiếng đã được thế giới công nhận, lại mang giá trị kinh tế cao. Cũng thông qua ẩm thực góp phần gìn giữ bảo tồn văn hóa dân tộc. Vì thế câu trả lời của tôi là tại sao không?

img

Như thế, phải chăng cần một tổ chức đưa ẩm thực Việt ra khỏi “ao làng” để vươn ra biển lớn…?

- Hiện nay do nhiều nguyên nhân, ẩm thực Việt đang bị lai tạp lẫn lộn, không giữ được bản sắc Việt. Ngoài ra, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực hiện còn hạn chế, manh mún, chưa thật sự có một tổ chức đủ lớn để khai thác tốt các tiềm năng văn hóa ẩm thực sẵn có. Vì vậy, Ban Vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép thành lập Ban Vận động để kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trở thành hội viên của hiệp hội nhằm cùng chung tay xây dựng văn hóa ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia, góp phần vươn ra thế giới.

Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò tập hợp tất cả những tinh hoa ẩm thực, phát hiện, sưu tầm nuôi dưỡng, góp phần bảo tồn nét văn hóa độc đáo, giá trị bản sắc dân tộc; tạo đầu mối để quy tụ nguồn lực toàn xã hội, phát triển ẩm thực trong nước và chuyển tải ra bên ngoài. Bên cạnh đó, khi văn hóa ẩm thực Việt Nam phát triển sẽ là kênh quảng bá truyền thông hiệu quả nhất. Đây còn là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh ngành hàng lương thực, thực phẩm nông lâm ngư nghiệp cải thiện cán cân thương mại, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Những năm gần đây, ẩm thực truyền thống đã và đang được các chuyên gia nghiên cứu, định chuẩn lại từng món ăn với mong muốn đưa ẩm thực Việt thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

img

Ông có thể tiết lộ đôi chút về chiến lược quảng bá ẩm thực Việt trong thời gian tới của hiệp hội?

- Việc thành lập hiệp hội chỉ là bước khởi đầu trên hành trình rất dài, đầy thách thức. Đây không phải là một cuộc chơi mà là một sứ mệnh to lớn mà các thành viên hiệp hội đều ý thức sâu sắc và thấy trách nhiệm nặng nề: bảo tồn khai thác, gìn giữ và phát triển giá trị truyền thống của ẩm thực Việt; đưa ẩm thực Việt lên một tầm cao mới, tạo sự cạnh tranh; làm cầu nối thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước; là nhịp cầu nâng cao vị thế Việt Nam ở nước ngoài; kết nối dân tộc và bạn bè thế giới. Dựa trên những nhiệm vụ đó, hiệp hội sẽ xây dựng từng chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn phát triển. Nhìn chung, hiệp hội đang đối mặt với hàng núi công việc như ghi chép, giữ lại chất xám của những bậc tiền bối; phát hiện những tài năng mới; sản xuất thực phẩm sạch; xác định, xây dựng lại vùng nguyên liệu; thiết kế công nghiệp chế biến một số món ăn tiêu biểu của Việt Nam để xuất khẩu; hình thành nhà hàng mẫu Việt Nam; thiết lập hồ sơ ẩm thực Việt trình lên UNESCO để công nhận Di sản Văn hóa nhân loại; xúc tiến quảng bá...

Cám ơn ông và chúc hiệp hội thành công trong việc đưa ẩm thực Việt vươn ra biển lớn.

Từ ngày 23 đến 25-9, đại diện Ban Vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ tham dự “Cuộc gặp toàn cầu lần thứ nhất về ẩm thực truyền thống” do Bộ ngoại giao Mexico tổ chức tại thành phố Mexico. Cuộc gặp gỡ này là nỗ lực của chính phủ Mexico nhằm thúc đẩy nền ẩm thực như một ngành chiến lược giúp bảo tồn, phát triển các phong tục tập quán, truyền thống, kiến thức văn hóa của Mexico. Nó được thiết kế như một không gian đối thoại nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt về nhà bếp truyền thống - một trong những trụ cột chính của di sản bất kỳ nền ẩm thực nào; nhằm ca ngợi sự đa dạng của các loại hình ẩm thực thế giới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo