xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bỏ quên đề án ngoại ngữ quốc gia?

Đặng Trinh

Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 có lộ trình thực hiện từ năm 2008-2020 dường như bị bỏ quên trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông dự kiến thực hiện đại trà từ năm 2018-2019

Một số chuyên gia giáo dục khi góp ý về dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố đã khá ngạc nhiên bởi dự thảo không hề nhắc đến yêu cầu dạy và học ngoại ngữ trong các bậc học. Trong đó đặc biệt bỏ quên việc đánh giá tổng kết để triển khai những hướng đi tiếp theo của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Không rõ học tiếng Anh kiểu nào

Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh (HS) phổ thông bắt buộc phải học một ngoại ngữ (gọi là ngoại ngữ 1) và được chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giải thích rằng với ngoại ngữ 1, HS vẫn bắt đầu học từ năm lớp 3 như chương trình cũ. Bởi Việt Nam có số lượng các dân tộc rất đa dạng, nhiều HS chỉ quen nói tiếng dân tộc, nếu đưa thêm môn ngoại ngữ ngay từ lớp 1 sẽ quá tải đối với HS vùng dân tộc thiểu số. Ông Thuyết cũng cho rằng nếu cơ sở giáo dục có điều kiện thuận lợi có thể tổ chức học ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1.

Một giờ học tiếng Anh của học sinh tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Một giờ học tiếng Anh của học sinh tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Một chuyên gia giáo dục cho rằng điều dễ nhận thấy nhất là sự thiếu đồng bộ, tính liên kết khi đặt yêu cầu, mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ 2020 trong tổng thể dự thảo chương trình phổ thông đối với việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM), cho hay hiện trường đang thực hiện 3 chương trình tiếng Anh, gồm tiếng Anh tích hợp, tiếng Anh theo đề án và tiếng Anh tăng cường. Tiếng Anh theo đề án được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 5 với thời lượng 4 tiết/tuần. So sánh với chương trình mới thì ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc nhưng thực hiện từ lớp 3 thì không biết ra sao.

Bà Phạm Thúy Hà cũng cho rằng tại TP HCM, riêng với tiếng Anh, phụ huynh và HS vẫn chuộng tiếng Anh tăng cường; còn với tiếng Anh đề án, do không phải đóng học phí nên phụ huynh cũng không phàn nàn gì khi cho con theo học. Trong khi đó, một hiệu trưởng tại quận 1, TP HCM cho rằng ngoại ngữ 1 mà dự thảo chương trình phổ thông đang nhắc đến chính xác là ngoại ngữ nào, tiếng Anh đề án hay tiếng Anh tăng cường vì mỗi địa phương có những đặc thù riêng.

Dễ dãi trong chiến lược đào tạo ngoại ngữ

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng chưa cần bàn đến tính hiệu quả của đề án ngoại ngữ quốc gia nhưng một dự thảo tổng thể về chương trình phổ thông mà không chú trọng vai trò của ngoại ngữ là thiếu sót lớn. Điều đó thể hiện ở việc thiếu tính kế thừa, phát huy, kể cả mạnh dạn vứt bỏ những hạn chế của một đề án ngoại ngữ mang tầm quốc gia được triển khai từ năm 2008.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, trong hội nghị góp ý dự thảo chương trình phổ thông tổng thể cho biết việc phân bổ số tiết ngoại ngữ bậc trung học chỉ có 3 tiết/tuần thì khó có thể thực hiện mong muốn biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân Việt Nam.

Một cán bộ phụ trách giáo dục tiểu học của một phòng GD-ĐT tại TP HCM nhận xét thay vì khoanh vùng để đặt ra yêu cầu về ngoại ngữ cho phù hợp thì chương trình lại ôm đồm tất cả các địa phương với nhau; “dễ dãi” trong chiến lược về ngoại ngữ. Bộ GD-ĐT có thể gom các tỉnh, thành không thể thực hiện được ngoại ngữ 1 từ lớp 1 để bố trí môn học phù hợp; còn các địa phương có điều kiện thì ngược lại. “Trong khi đó, nếu muốn cải thiện việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục như hiện nay, tiếp nối Đề án 2020 thì phải quyết liệt đối với ngoại ngữ, tập trung đầu tư, thực hiện cho tốt một ngoại ngữ đã, rồi hãy tính đến các ngoại ngữ 2” - vị này nói.

Ông Ngô Xuân Đông - Trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, TP HCM - nhận xét: Ngay ngoại ngữ 1 mà nhiều trường còn khó khăn thì nói gì đến ngoại ngữ 2. Hơn nữa, đã là môn tự chọn thì phải có nhiều môn. Ở bậc tiểu học, môn học tự chọn chỉ có duy nhất môn tiếng dân tộc thiểu số, bậc THCS thì môn tự chọn có tiếng dân tộc thiểu số và môn ngoại ngữ 2.

Không dám nghĩ đến ngoại ngữ 2

Tại TP HCM, dù là địa phương có điều kiện hơn các tỉnh, thành khác nhưng không phải tất cả quận, huyện đều có thể tổ chức việc dạy và học ngoại ngữ thuận lợi. Ông Trần Văn Toản, quyền Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, thông tin ở huyện Củ Chi hiện nay vẫn còn một số trường chưa thực hiện dạy ngoại ngữ cho HS vì không tuyển được giáo viên. Một số trường khác có thực hiện nhưng chỉ ở vài khối lớp chứ không phải 100% HS được học thì làm sao nghĩ đến ngoại ngữ 2.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo