Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định điểm nào, chỗ nào chưa hoàn thiện, Bộ sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng, đặc biệt là yêu cầu các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải rà soát, giải trình rõ và tiếp thu. Nếu điểm nào chưa phù hợp, Bộ chỉ đạo phải hoàn thiện để sách càng ngày càng tốt hơn.
"Tới đây Bộ cũng mở rộng thêm kênh góp ý, phản biện thêm ngay từ khâu mà các nhóm tác giả, các nhà xuất bản đề xuất bản thảo để có điều kiện cho đông đảo thầy cô, nhân dân góp ý" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri về SGK Tiếng Việt lớp 1 nặng, có nhiều nội dung chưa phù hợp. Phụ huynh học sinh, xã hội chưa hiểu rõ về phương pháp giáo dục mới, nhưng Bộ GD-ĐT cũng chưa phối hợp với giáo viên để hướng dẫn cho phụ huynh hiểu và đồng hành với giáo viên.
Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 rà soát lại toàn bộ nội dung sách
TS Phạm Tất Thắng đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến đóng góp của cử tri và có những hướng dẫn các thầy các cô thực hiện tốt truyền tải chương trình mới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự cầu thị của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong việc tiếp thu ý kiến góp ý. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần tăng cường hơn nữa thông tin về sách giáo khoa để xã hội biết và tinh thần là phải cầu thị, lắng nghe ý kiến phản biện. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tất cả mọi ý kiến, góp ý của người dân, đặc biệt liên quan đến giáo dục cần phải rất trân trọng.
"Khi còn nhiều ý kiến góp ý, bức xúc đến mức gay gắt thì chúng ta phải hết sức biết ơn, cám ơn và nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị. Cũng có những vấn đề thuộc về chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đúng thì chúng ta phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Còn những gì tiếp thu được thì tiếp thu, nhưng tinh thần đầu tiên là phải trân trọng thực sự bằng tấm lòng và phải tiếp thu một cách rất khoa học"- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng bên cạnh việc tiếp thu ý kiến góp ý, Bộ GD-ĐT nên có giải pháp để đưa các bản thảo sách lên mạng internet, từ đó xin ý kiến góp ý rộng rãi của toàn xã hội trước khi thẩm định. Điều này sẽ giảm bớt được các lỗi khi hoàn thiện sách.