xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Luật Giáo dục (sửa đổi): Có 2 ý kiến về thi THPT là tổ chức thi và không thi, xét cấp bằng tốt nghiệp

Bảo Trân

(NLĐO)- Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) có 2 ý kiến về thi THPT là có tổ chức thi và không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần giao Chính phủ lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự án luật và lùi lại thông qua vào kỳ họp QH thứ 7 (tháng 5-2019).

Chiều nay 8-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trình bày báo cáo một số vấn đề xin ý kiến UBTVQH về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UBVH,GD,TN,TN-NĐ) Phan Thanh Bình cho biết về thi tốt nghiệp THPT, Luật Giáo dục hiện hành quy định "học sinh học hết chương trình THPT, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT".

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết về vấn đề này có 2 loại ý kiến.

Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông (GDPT) của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.

Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.

"Thường trực UBVH, GD, TN, TN-NĐ ủng hộ ý kiến thứ nhất"- ông Bình nhấn mạnh.

Về một vấn đề quan trọng khác của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là về bằng tốt nghiệp THPT và bằng tốt nghiệp trung cấp.

Theo ông Bình, hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp và Quyết định số 1981 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, người có bằng tốt nghiệp THCS, khi hoàn thành chương trình trung cấp, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng, đại học thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa THPT.

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thúc đẩy phân luồng, liên thông, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định công nhận tương đương hoặc bổ sung điều kiện cho việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp THPT với bằng tốt nghiệp trung cấp, cho phép người có bằng trung cấp được thi/tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.

Trong điều kiện chưa thể công nhận tương đương văn bằng thì cần có cơ chế để tạo điều kiện cho người học trung cấp sau khi học, thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng văn hóa THPT và được sử dụng giấy chứng nhận này (cùng với bằng tốt nghiệp trung cấp) để dự tuyển và học lên trình độ đào tạo cao hơn.

Còn về giáo dục tiểu học sẽ tiến hành xác nhận trong học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học; giáo dục THCS theo hướng xét để cấp bằng tốt nghiệp THCS.

Luật Giáo dục (sửa đổi): Có 2 ý kiến về thi THPT là tổ chức thi và không thi, xét cấp bằng tốt nghiệp  - Ảnh 1.

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh: Quang Hiếu

Cho ý kiến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói thẳng: "Xây dựng dự án luật này cần rất thận trọng vì thời gian qua xảy ra "vấn đề" trong điểm thi THPT quốc gia. Tôi cho rằng dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được QH thông qua vào kỳ họp QH thứ 6 này (tháng 10-2018) là hơi sớm. Dự luật cần được xem xét, nghiên cứu cho chín hơn, có thể lùi đến kỳ họp sau. Trước tình hình thực tế vừa qua, QH thận trọng nghiên cứu thấu đáo vì kỳ thi THPT liên quan rất nhiều luật này".

Đồng tình với ông Nguyễn Hạnh Phúc về sự quan trọng của Luật Giáo dục (sửa đổi), Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng ngay cơ quan thẩm tra dự án luật cũng nêu ra 2 ý kiến là có tổ chức kỳ thi THPT và không tổ chức thi.

"Theo ý kiến cử tri, việc tổ chức kỳ thi THPT tốn kém chỉ nhằm lọc ra 2%, có năm trên 1% thì có nên tổ chức không hay là chỉ xét học lực. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có khẳng định không thi THPT thì có đảm bảo chất lượng đào tạo không do nhiều nguyên nhân như kiểm tra, giám sát chưa chặt…; hay phải thi thì các cháu mới học thì Bộ trưởng cần trả lời rõ" - bà Hải đặt vấn đề.

Trưởng Ban Dân nguyện cho biết trước đây, kỳ thi đại học là kỳ thi nghiêm túc nhất nhưng theo Luật Giáo dục (sửa đổi) thì chỉ có kỳ thi THPT.

"Vậy làm thế nào để kỳ thi THPT chọn được 98% tốt nghiệp và thực hiện được kỳ thi nghiêm túc cho việc xét chọn đầu vào đại học. Bản thân tôi 15 năm chấm thi đại học bằng tay rất nghiêm túc thì có đưa được sự nghiêm túc vào kỳ thi THPT. Trong phòng thi đại học do trường tổ chức rất nghiêm túc trong việc tuyển chọn và bản thân thí sinh cũng cạnh tranh nhau. Phương án thi 2 trong 1 là rất tốt nhưng khâu tổ chức, cơ sở vật chất và ngân hàng đề thi thì nghiêm túc, chặt chẽ hơn"- bà Hải đề nghị.

Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho hay cử tri và bản thân bà thấy rằng từ sự nghiêm túc của kỳ thi đại học trước đây thì một số đại học có thể tổ chức thêm 1 kỳ thi để tuyển sinh đầu vào.

Ủng hộ thi THPT, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu kinh nghiệm của ông và các con của ông là để tốt nghiệp THPT thì phải học thêm, tập trung học từ khi bước vào lớp 10 và học rất nghiêm túc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh cũng nhất trí phải có thi THPT vì "học là phải thi" và kỳ thi 2 trong 1 là phù hợp.

"Vấn đề ở đây là tổ chức kỳ thi 2 trong 1 sao cho phù hợp nhất"- ông Thanh nhìn nhận.

Cho ý kiến dự Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu vấn đề thi tốt nghiệp có 2 loại ý kiến đã khẳng định đây là vấn tác động đến xã hội rất lớn.

"Dự Luật Giáo dục (sửa đổi) cần lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Việc lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân sẽ nhận được sự đóng góp thấu đáo, nghiên cứu kỹ lưỡng từ xã hội để dự luật khả thi hơn. Lấy ý kiến rộng rãi để khi QH quyết định cũng hợp với ý kiến nhân dân và nhân dân sẽ đánh giá cao quyết định của QH"- ông Hà Ngọc Chiến nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh đồng tình với đề nghị về việc cân nhắc thêm phương án để các trường ĐH có thêm 1 kỳ thi để giữ được truyền thống nghiêm túc của các kỳ thi đại học trước đây.

"Đồng tình với việc dành thêm thời gian để ban soạn thảo hoàn chỉnh dự luật. Để khi luật được thông qua có sự đồng thuận cao trong xã hội và đi vào đời sống" - bà Thuý Anh mong mỏi.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đặt vấn đề trước đây kinh tế đất nước khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng kỳ thi rất tốt mà nay lại cứ "trục trặc".

"Dự luật cần nghiên cứu thật kỹ để giáo dục ổn định chứ năm nào cũng có thay đổi, năm nào sách giáo khoa cũng thay đổi..."- ông Lưu chia sẻ.

Luật Giáo dục (sửa đổi): Có 2 ý kiến về thi THPT là tổ chức thi và không thi, xét cấp bằng tốt nghiệp  - Ảnh 2.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự luật này vẫn đưa ra cho ý kiến vào kỳ họp QH thứ 6 (tháng 10-2018), sau đó QH giao cho Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để hoàn thiện và lùi lại thông qua vào kỳ họp QH thứ 7, tháng 5-2019.

Chủ tịch QH nhấn mạnh: "Đây là vấn đề lớn, tác động, ảnh hưởng đến từng nhà nên làm dự luật cần thấu đáo và lấy kiến rộng rãi nhân dân giống như làm Luật Đất đai trước đây được thông qua quy trình 3 kỳ họp".

Theo Chủ tịch QH, thành tựu của nền giáo dục trong nhiều năm qua là rất lớn nhưng xây dựng luật về giáo dục cứ phải thông qua 3 kỳ họp cho chắc.

"Đổi mới là cần thiết nhưng đừng để người dân năm nào cũng phải lo lắng năm nay thay đổi sách, chương trình, cách thức thi THPT... như thế nào"- Chủ tịch QH kết luận.

Trước ý kiến của UBTVQH, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện luật và xin được cho ý kiến và thông qua luật tại kỳ họp QH thứ 7.

"Việc tiếp thu, hoàn chỉnh luật sẽ làm nghiêm túc. Ngay cả thi THPT tới đây Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức 1 hội nghị lớn để xin ý kiến góp ý"- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng chốt lại Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ lùi không thông qua tại kỳ họp thứ 6 như dự kiến để cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 5-2019.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo