Lùi kỳ thi về cuối tháng 7 sẽ gây xáo trộn lớn
Đại diện các trường ĐH cho rằng điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia 2020 cần cân nhắc nhiều yếu tố để tránh làm xáo trộn lớn ảnh hưởng đến HS, đến kế hoạch đào tạo của các trường ĐH.
Việc dời thời gian học kỳ II về từ tháng 4 đến tháng 7 có lẽ không khó khăn nhiều đối với những lớp không phải là cuối cấp nhưng với lớp cuối cấp như khối 12 thì việc dời thời gian học kỳ II như trên và kỳ thi THPT quốc gia tổ chức cuối tháng 7 sẽ khó khăn vô cùng, bởi sau kỳ thi còn có hàng loạt công việc tiếp theo chắc chắn sẽ gây xáo trộn đến mức rất khó để sắp xếp.
Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP HCM nhìn nhận lâu nay, kỳ thi THPT quốc gia thường được tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 6 để sau đó là hàng loạt công việc tiếp theo như chấm thi, cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, các trường ĐH xác định điểm trúng tuyển, thông báo thí sinh làm thủ tục trúng tuyển, nhập học...
Với quy trình này, các trường thông báo điểm trúng tuyển từ ngày 1-8 và làm thủ tục trúng tuyển đến hết ngày15-8, sau đó các trường gọi nhập học rồi khai giảng để ổn định công tác đào tạo từ tháng 9. Nay, nếu kỳ thi dời về cuối tháng 7, nghĩa là trễ 5 tuần thì sớm nhất đầu tháng 10 mới bắt đầu tổ chức đào tạo như vậy là quá trễ. Chưa kể, với những HS chờ kết quả tốt nghiệp THPT để đi du học thì cũng trễ.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam, cho rằng điều chỉnh thời gian năm học là rõ rồi vì lẽ ra HS đã trở lại trường từ ngày 3-2 nhưng nay đã đồng loạt nghỉ hết tháng 2 (trễ 3 tuần). Nghỉ tiếp tháng 3 hay không còn tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo và cần nhớ rằng đến lúc này, TP HCM vẫn không phải là nơi bùng phát dịch bệnh, cũng không có trường hợp nào bệnh lây lan trong cộng đồng mà chỉ có 3 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm từ nơi khác về điều trị tại TP.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng ở thời điểm này mà kiến nghị nghỉ hết tháng 3 là không có căn cứ. Việt Nam tuy có ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nhưng không đến mức phải cho HS-SV nghỉ học. Dẫu vậy thì HS-SV cũng nghỉ hết tháng 2 và không nên nghỉ tiếp tháng 3. Nếu nghỉ tiếp sẽ xáo trộn toàn bộ từ công việc của những phụ huynh có con nhỏ đến kế hoạch tổ chức năm học của các cơ sở đào tạo.
TS Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị nếu từ nay đến hết tháng 2, TP vẫn không có trường hợp nào bị dịch bệnh thì HS vẫn có thể đi học trở lại từ tháng 3. Trong năm học còn có 2 tuần dự trữ, nếu sử dụng quỹ thời gian này cùng với việc tăng tiết thì chắc chắn không cần phải kết thúc năm học vào tháng 7 mà vẫn có thể kết thúc vào tháng 5 như mọi năm. Còn nếu kết thúc vào tháng 7, thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7 thì ảnh hưởng đến hàng loạt công việc tiếp theo, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của các trường ĐH, CĐ không chỉ năm nay mà ảnh hưởng đến các năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhận định việc sắp xếp thời gian biểu học tập để bù cho 2 tháng không đơn giản. Kế hoạch học tập hằng năm chỉ có 2 tuần dự trữ cùng với các kỳ thi cuối cấp, ngành giáo dục sẽ khó xoay xở.
Chưa kể, việc nghỉ học kéo dài sẽ khiến HS bị hụt kiến thức và giảm động lực học tập. Ông Ngai đề xuất ngành giáo dục cân nhắc kỹ, có thể cuối tháng 2 xem xét diễn biến dịch bệnh, tham khảo ý kiến ngành y tế và cấp trên để đưa ra quyết định.
Huy Lân