xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa thông tin thiết thực đến thí sinh

Nhóm PV Giáo dục

Đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm huyết của chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 đã giải đáp những băn khoăn, lo lắng của hơn 15.000 học sinh tại 9 tỉnh, thành

Chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của các sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường ĐH-CĐ và sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền đã chính thức khép lại sau 9 chương trình tổ chức tại Đắk Lắk, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hậu Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Chương trình đã thu hút hơn 15.000 học sinh THPT tham gia tư vấn trực tiếp, hàng trăm ngàn người theo dõi qua sóng truyền hình các địa phương và trên Báo Người Lao Động Online.

Giải quyết xung đột chọn nghề

Trăn trở, băn khoăn, lo lắng… là điều chúng tôi cảm nhận được khi tiếp nhận những câu hỏi các em đặt ra cho ban tư vấn. Tuy mỗi nơi học sinh quan tâm đến nhiều vấn đề khác nhau nhưng tựu trung lại, nhiều em vẫn còn rất mơ hồ, chưa xác định được ngành nghề mà mình sẽ chọn lựa. Cùng với những thay đổi đến chóng mặt về quy chế thi tuyển sinh ĐH-CĐ cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, áp lực thi cử đang đè nặng lên các học sinh.

Học sinh hào hứng tham gia chương trình tại Trường THPT Nguyễn Minh Quang, tỉnh Hậu Giang                          Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh hào hứng tham gia chương trình tại Trường THPT Nguyễn Minh Quang, tỉnh Hậu Giang Ảnh: TẤN THẠNH

Hàng trăm câu hỏi có nội dung tương tự thể hiện sự xung đột trong việc chọn ngành, chọn nghề của các học sinh hiện nay được đặt ra trong Chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014.

Em Trương Thị Hoài Thương, lớp 12/2 Trường THPT Trần Văn Dư (tỉnh Quảng Nam), chia sẻ: “Ước mơ của em là trở thành nhà báo nhưng bố mẹ lại muốn em thi vào trường sư phạm. Trong tương lai, ngành nào có cơ hội việc làm nhiều hơn để em có thể nói cho bố mẹ một cách rõ ràng nhất?”. Hay em Nguyễn Thị Ngọc Huyền, lớp 12C5 Trường THPT Lê Quý Đôn (tỉnh Hậu Giang), chia sẻ: “Em rất thích ngành sư phạm toán nhưng hiện nay, học sư phạm ra trường khó xin việc nên em rất hoang mang”.

Em Lê Thị Loan, lớp 12C1 Trường THPT Số 1 Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), đã gửi cho ban tư vấn hơn 2 trang giấy với hàng loạt câu hỏi về các ngành học quản lý nhà nước, quan hệ công chúng, luật dân sự… và cuối cùng em tâm sự: “Em có rất nhiều điều muốn hỏi vì hiện tại em vẫn chưa xác định được ngành dự định thi”.

Chương trình đã dành nhiều thời lượng để trao đổi với các em vấn đề hướng nghiệp, chọn ngành. ThS Hoàng Đức Bình, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, nhận định một số học sinh tỏ ra bản lĩnh trong việc lựa chọn nghề và trường, số lớn khác khá phân vân về việc chọn ngành theo tính cách, sở thích và nghề nghiệp.

“Tôi nhận thấy các em cần được tư vấn hướng nghiệp sớm hơn, nên mở rộng đến các học sinh lớp 10 và 11 hoặc đầu năm lớp 12 để đến thời điểm này, các em tập trung cho việc lựa chọn trường thi” - ThS Bình nói.

Tư vấn nhiệt thành

Nhiều câu hỏi quan tâm đến đổi mới tuyển sinh, điểm sàn, tuyển sinh riêng, các ngành bị dừng đào tạo, các ngành học ra trường dễ thất nghiệp... khiến ban tư vấn phải “giật mình”.

Một học sinh ở Quảng Nam đã hỏi thẳng đại diện Trường ĐH Quảng Nam vì sao sinh viên trường này tốt nghiệp lại thất nghiệp nhiều như vậy. Hay thí sinh Nguyễn Minh Anh, Trường THPT Lê Trung Đình (tỉnh Quảng Ngãi), đặt vấn đề sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm Trường ĐH Phạm Văn Đồng đều phải “lên núi” vài năm, sau đó mới được “xuống núi”; nếu theo học, liệu em có phải chịu cảnh này. Một học sinh Trường THPT Nam Hà (tỉnh Đồng Nai) hỏi: “Ngành tài chính ngân hàng và kinh tế đã bão hòa, vậy theo nhận định của các thầy cô thì sau 3-4 năm nữa, ngành nào sẽ là ngành “hot”, dễ kiếm việc?”…

“Ý nghĩa mang lại từ chương trình là các học sinh đã đưa ra nhiều hiến kế cho kỳ tuyển sinh mang tầm quốc gia, những dự báo cho tương lai chứ không chỉ là của những gì diễn ra trước mắt. Các em đôi lúc rất hiền, rất mộc mạc nhưng lại có lúc đặt câu hỏi xuất thần, mang tính vĩ mô mà những người làm quản lý phải ghi nhận một cách nghiêm túc” - TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP HCM, đánh giá.

Thầy Nguyễn Văn Định - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - cho rằng chương trình có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh. “Báo Người Lao Động và thầy cô trong ban tư vấn đã cung cấp những thông tin vô cùng bổ ích đến học sinh. Chương trình thật sự là cầu nối thông tin “sống “đến với các em” - thầy Định nói.

Ban tư vấn chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 là đội ngũ các thầy cô giáo, chuyên gia giàu kinh nghiệm, tâm huyết, hết lòng với học sinh, do đó nhiều nhà giáo tuổi đã cao vẫn bền bỉ đến với học sinh nhiều vùng xa xôi. Hình ảnh các thầy đội nắng mưa nán lại dù chương trình đã kết thúc để tiếp tục trả lời cho những học sinh cuối cùng là hình ảnh sẽ còn đọng mãi.

Sau mỗi chương trình, hành trang của các phóng viên, biên tập viên, thầy cô giáo như nặng hơn thêm vì hàng trăm câu hỏi của thí sinh chưa được giải đáp do thời lượng của chương trình có hạn. Đó chính là trăn trở nhưng cũng là động lực để chúng tôi lại bắt đầu những công việc tiếp theo nhằm Đưa trường học đến thí sinh năm tới đến được với nhiều học sinh hơn nữa…

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM:

Cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết

Chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 phủ sóng trên diện rộng và ở mỗi nơi, chương trình đều có sự chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt, từ địa điểm, âm thanh... cho đến nội dung, đội ngũ các chuyên gia tư vấn.

Chương trình thu hút được sự quan tâm của đông đảo thí sinh từ đầu đến cuối nhờ người dẫn chương trình duyên dáng, nắm bắt được câu hỏi của thí sinh để chuyển đến các chuyên gia tư vấn phù hợp. Đội ngũ chuyên gia tư vấn đến từ nhiều trường ĐH, CĐ khác nhau, có kết hợp với nhiều trường ở địa phương đã cung cấp cho thí sinh đầy đủ các thông tin cần thiết. Trong bối cảnh tuyển sinh ĐH-CĐ được cải tiến, điều chỉnh nhằm thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tôi tin rằng chương trình Đưa trường học đến thí sinh sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin hướng nghiệp, tuyển sinh của học sinh và cả phụ huynh.

Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TỈNH Ninh Thuận:

Rất bổ ích

Chương trình đã thể hiện sự quan tâm của Báo Người Lao Động, các trường ĐH-CĐ, thầy cô giáo đã không quản đường sá xa xôi đến với các học sinh, trong đó có tỉnh Ninh Thuận, để cung cấp những thông tin bổ ích. Ưu điểm của chương trình là đã thu hút được đông đảo chuyên gia tư vấn nổi tiếng, các trường ĐH hàng đầu, qua đó giải quyết rốt ráo những băn khoăn, trăn trở của các em trước kỳ thi quan trọng. Dù đã hết giờ nhưng nhiều thầy cô vẫn nán lại để tư vấn cho các em. Đó là hình ảnh rất cảm động.

Tôi mong Báo Người Lao Động sẽ tổ chức thật nhiều chương trình như thế này.

TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP HCM:

Thiết thực, khó… dứt

Hai phần chính trong chương trình là “trường học” và “thí sinh” đã ngày càng gần nhau hơn. Cởi mở, thiết thực, chân thành, thẳng thắn... là những gì mà chúng tôi chứng kiến trong chuỗi chương trình. Ban tổ chức - Báo Người Lao Động và sở GD-ĐT các tỉnh đã làm vai trò cầu nối giữa trường học và học sinh rất tốt. Sự gắn kết diễn ra một cách trung thực, gắn với những câu hỏi rất gần với cuộc sống và giải quyết căn cơ băn khoăn của các em. Thật khó có thể dứt được khi nhìn thấy ánh mắt đợi chờ của các học sinh. Tôi muốn gửi lời xin lỗi vì chưa trả lời hết câu hỏi của các em...

 

Thư cảm ơn

Báo Người Lao Động trân trọng cảm ơn các đơn vị phối hợp tổ chức chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014: Sở GD-ĐT, Trường THPT Lê Quý Đôn và Đài PT-TH Đắk Lắk; Sở GD-ĐT, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi và Đài Truyền hình TP HCM; Sở GD-ĐT, Trường THPT Nguyễn Minh Quang, Trường THPT Lê Quý Đôn (thị xã Ngã Bảy) và Đài PT-TH Hậu Giang; Sở GD-ĐT, Trường ĐH Quảng Nam và Đài PT-TH tỉnh Quảng Nam; Sở GD-ĐT, Nhà Văn hóa Lao động và Đài PT-TH tỉnh Quảng Ngãi; Sở GD-ĐT Khánh Hòa và Trường THPT Trần Cao Vân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa); Sở GD-ĐT, Trường THPT Chu Văn An và Đài PT-TH tỉnh Ninh Thuận; Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai); Thị đoàn Thuận An và Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương (tỉnh Bình Dương).

Các trường ĐH, CĐ đồng hành với chương trình tư vấn tuyển sinh: ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường Quốc tế PSB, Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, Trường ĐH Sư phạm TP HCM cùng các trường ĐH, CĐ tại các địa phương.

Công ty CP Phân bón Bình Điền đã tài trợ chương trình và trao 50 suất học bổng, trị giá 1 triệu đồng/suất, cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo