xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Duyên, nghiệp với trẻ khuyết tật

Bài và ảnh: Đặng Trinh

Nếu không có tình yêu trẻ, sự cảm thông vô bờ bến đối với những mảnh đời khiếm khuyết thì các thầy cô rất khó trụ được với nghề

Buổi gặp mặt, giao lưu “Những bóng hồng thầm lặng” do Công đoàn Giáo dục TP HCM tổ chức sáng 14-11 đã tri ân, tôn vinh 114 giáo viên đại diện cho hàng ngàn giáo viên dạy giáo dục đặc biệt trong toàn thành phố.  Ở đó, các giáo viên đã chia sẻ rất thật về nghề.

Kiên nhẫn, yêu thương

Nhiều giáo viên  dạy trẻ khuyết tật cho biết giáo viên mầm non, tiểu học đã cực hơn giáo viên các khối khác rất nhiều nhưng giáo viên dạy khuyết tật, hòa nhập còn khó khăn gấp bội. Chính vì thế, chọn nghề giáo đã là một cơ duyên nhưng giáo viên dạy giáo dục đặc biệt không những là cơ duyên mà còn như một cái nghiệp.

Vì những cơ duyên như thế mới có chuyện đang từ một giáo viên mầm non bình thường, cô Quách Thị Mộng Tuyền - Trường Mầm non Hoa Phượng, quận Thủ Đức - lựa chọn mảng giáo dục khó khăn này. Khi nhìn thấy trẻ suốt ngày la hét, tự cắn tay mình, không chịu tiếp xúc, cũng không cho ai tới gần hay có em bị bạn cắn chảy máu chỉ khóc mà không biết gọi cô, lòng cô Tuyền đau như cắt. “Làm sao để trẻ biết phân biệt được gì nên làm, nói những điều mình muốn chứ không phải hành hạ mình trong đau đớn như vậy?  Dang tay nhận trẻ khuyết tật vào lớp giống như một trách nhiệm không thể chối bỏ. Những đứa trẻ ấy, hơn ai hết cần tình yêu của gia đình, thầy cô, bạn bè” - cô Tuyền chia sẻ lý do gắn bó với nghề.

 

Từ trái qua: Các cô Nguyễn Thị Thu Lan, Quách Thị Mộng Tuyền và Hoàng Thị Thu Hường
Từ trái qua: Các cô Nguyễn Thị Thu Lan, Quách Thị Mộng Tuyền và Hoàng Thị Thu Hường

 

Thầy Lê Thái Minh Hầu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận 5 - cho biết dạy một trẻ khuyết tật cần đầu tư công sức bằng dạy một lớp trẻ bình thường. Bởi trẻ khuyết tật không những trí tuệ kém mà suy nghĩ, hành động đôi khi còn tự phát, không kiểm soát được. Sự tiến bộ của trẻ, dù rất chậm nhưng vẫn là thành công từ sự kiên nhẫn của người thầy.

Suốt 17 năm gắn bó với giáo dục chuyên biệt, cô Nguyễn Thị Thu Lan - giáo viên Trường chuyên biệt Ánh Dương, quận 12 - vẫn không thể nào quên một em học sinh 13 tuổi được nhận vào trường. Em đã 13 tuổi nhưng ngô nghê và không tập trung học hành. Khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình mới biết cha mẹ em đã ly hôn, em sống với ông nội và chính người cha ruột, trong lúc không kiềm chế được, đã xâm hại em. Em học được một tháng rồi nghỉ ở nhà. “Từ một cô bé vui tươi hồn nhiên bỗng trở thành người vô thức khiến tôi cứ ám ảnh mãi. Thế nên, ngoài giờ ở lớp, tôi gọi điện, đến nhà động viên em. Đến nay, em đã có thể làm được việc nhà, ở trong nhà mà không tỏ ra sợ hãi, xa lánh ai hết thì tôi mới yên tâm được một chút” - cô Lan kể.

Trăn trở với nghề

Cô Hoàng Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền, quận 2 - bày tỏ: “Giáo dục chuyên biệt cần sự phối hợp rất cao giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Điều quan trọng nhất là gia đình có chấp nhận con mình như thế hay không vì không ai yêu thương, hiểu con bằng cha mẹ”.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Lan, trong giáo dục trẻ khuyết tật, việc phát hiện, can thiệp sớm hết sức quan trọng vì từ 0-3 tuổi là giai đoạn vàng để phát triển tốt nhất. Khi nghi ngờ một đứa trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt, người làm công tác giáo dục đặc biệt phải khéo léo trong tư vấn phụ huynh để họ chấp nhận hạn chế của con mình, sẵn sàng đưa trẻ đến cơ sở y tế chẩn đoán kịp thời, từ đó mới lựa chọn giáo dục phù hợp. “Làm tốt công tác can thiệp sớm khi trẻ có vốn từ ngữ nhất định sẽ thuận lợi hơn khi giáo dục hòa nhập” - cô Lan nói.

Thầy Lê Thái Minh Hầu cho rằng giáo dục chuyên biệt hiện nay đang gặp khó khăn lớn về đội ngũ vì công việc này rất kén giáo viên và vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng. “Giáo viên nuôi dạy trẻ rất khó khăn vất vả, dạy trẻ bình thường được điểm 10 là bình thường nhưng trẻ hòa nhập được từ 4 lên 6 điểm là đã vui vô cùng” - thầy Hầu nói.

Theo thầy Hầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định giáo viên dạy hòa nhập nếu có văn bằng trình độ thì hưởng phụ cấp 70%. Trước đó, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tiên phong nhận trẻ học hòa nhập nhưng giáo viên không có chế độ nào. Cách đây 3 năm, nhờ đề nghị của Sở GD-ĐT, TP mới quyết định trợ cấp hằng tháng. Nhưng đối chiếu theo văn bản của bộ, mỗi lớp hòa nhập chỉ được tối đa 2 em/lớp. Giáo viên giảng dạy được trợ cấp 260.000 đồng/tháng/em. Tuy nhiên trên thực tế, số trẻ hòa nhập rất đông. “Năm học hiện tại, trường có 194 em học hòa nhập và hội nhập. Có lớp nhận đến 4 em hòa nhập nhưng giáo viên chỉ được trợ cấp 2 em…” - thầy Hầu trăn trở.

 

Ngành giáo dục còn nợ các thầy cô

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết chính các thầy cô làm công tác giáo dục đặc biệt đã làm ngành giáo dục TP ấm lòng, là nơi tin tưởng gửi gắm của nhiều phụ huynh ở các địa phương khác. “Chúng tôi còn nợ các thầy cô vì công sức của họ bỏ ra quá lớn nhưng chế độ trợ cấp thì chẳng đáng bao nhiêu. Những quy định không hợp lý, sở sẽ kiến nghị để điều chỉnh, đồng thời có giải pháp để các thấy cô có cơ hội học tập nhằm giáo dục chăm sóc trẻ tốt hơn. Để các thầy cô phải bỏ tiền túi đi học thì chúng tôi rất xót” - ông Sơn nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo