xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo dục nghề nghiệp: Một cổ hai tròng

Theo Tuổi Trẻ

Một hệ thống giáo dục mà có đến hai hệ trung cấp, hai hệ cao đẳng! Đó là chuyện chưa từng có ở bất cứ hệ thống giáo dục nào trên thế giới.

Chưa tháo gỡ điều bất hợp lý này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp tục oằn mình khổ sở trong sự phân chia quản lý từ cấp trung ương đến địa phương. Và chuyện thống nhất đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp lại được đặt ra.

Có thể thấy cùng với sự ra đời của hệ cao đẳng nghề (CĐN) và trung cấp nghề (TCN), có một cơn “địa chấn” cũng đang diễn ra trong lòng hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) VN. Ngay sau khi Luật giáo dục 2005 được thông qua, đã phát sinh nhiều câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp: hệ TCN và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) khác nhau như thế nào, TCN sẽ khác hệ công nhân kỹ thuật (tiền thân của nó) ra sao? Và ngay cả hệ CĐN cũng có quá nhiều bất ổn khi nó tồn tại song song với hệ CĐ hiện nay.

Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM thẳng thắn cho rằng sự tồn tại song song hai hệ trung cấp, hai hệ CĐ với hai đầu mối quản lý quả thật là một sự “kinh dị” trong hệ thống giáo dục VN. Trong thư gửi ông Nguyễn Văn An, chủ tịch Quốc hội, ngày 21-5, Hội Cựu giáo chức VN cũng bức xúc cho rằng: “Tình hình này thực chất đang làm rối loạn hệ thống giáo dục thống nhất... Đứng về quan điểm xây dựng một nền giáo dục quốc dân của một quốc gia, rõ ràng đây là một hệ thống bất hợp lý mà cho đến nay chưa thấy tồn tại ở một đất nước nào trên thế giới”.

Và sự “rối loạn” đang thật sự diễn ra! Ngay trong năm học 2006 này, các trường CĐ, ĐH có tham gia dạy nghề sẽ đào tạo cùng lúc hệ TCCN và TCN. Sẽ phải đào tạo như thế nào khi cả hai đều là trung cấp nhưng phải dạy chương trình khác nhau, một sẽ cấp bằng theo mẫu Bộ GD-ĐT và một theo mẫu của Tổng cục Dạy nghề? Đó là chưa kể rồi đây liệu các nhà tuyển dụng sẽ phân biệt và bố trí công việc thế nào giữa hai anh trung cấp và hai anh CĐ!

Theo số liệu từ Tổng cục Dạy nghề, hiện có 212 trường ĐH, CĐ và TCCN đang tham gia dạy nghề. Trong đó, gần 50% số trường TCCN có qui mô đào tạo nghề chiếm từ 50-70% qui mô đào tạo chung của trường. Những con số này cho thấy dù không thuộc sự quản lý của ngành lao động nhưng các trường TCCN có những đóng góp lớn trong đào tạo nghề.

Trên thực tế, với “tên tuổi” và uy tín của mình, các trường TCCN thu hút được nhiều HS học nghề hơn cả các trường thuộc ngành lao động! Thế mà, không hiểu vì sao dự thảo Luật dạy nghề và cả dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục và Luật lao động về dạy nghề (do Bộ LĐ-TB&XH biên soạn), phần cơ sở dạy nghề trình độ trung cấp lại không có các trường TCCN?

Theo những văn bản này, các trường TCCN đã thật sự bị gạt ra bên lề hoạt động dạy nghề? Đã có quá nhiều ý kiến của các chuyên gia đề nghị những người có chức trách ghi thêm vài chữ vào văn bản để các trường TCCN “được” tiếp tục tham gia dạy nghề, tiếp tục làm công việc mà trước nay họ vẫn làm. Tiếc rằng những đề nghị này đến nay chỉ nhận được sự im lặng! Có phải khi đã có các trường TCN, ngành dạy nghề không cần đến các trường TCCN nữa? Hay đây chỉ là “vấn đề tế nhị” giữa hai bộ?

Luật dạy nghề: vội vã và thiếu cơ sở?

Nhưng những rắc rối, lấn cấn không chỉ xuất hiện ở cấp trung ương giữa hai bộ. Ở cấp tỉnh, công tác quản lý mảng GDNN còn phức tạp và rắc rối hơn nhiều. Có một thực tế đáng buồn ở các địa phương: dù ai cũng biết TCCN và dạy nghề không thể tách rời nhau, nhưng cán bộ quản lý dạy nghề ở các sở LĐ-TB&XH và cán bộ quản lý TCCN không thể “ngồi lại với nhau” vì giữa họ là sự ngăn cách chưa thể dỡ bỏ.

Và hẳn nhiên, các trường và người đi học là nạn nhân của chuyện phân chia quyền lực quản lý này. Cùng dạy ngoại ngữ, tin học nhưng nếu đào tạo cấp chứng chỉ A, B, C thì các cơ sở đào tạo đăng ký với sở GD-ĐT; còn nếu đào tạo diện cấp chứng chỉ nghiệp vụ, dạy nghề phải đăng ký với sở LĐ - TB&XH! Khổ nhất là các trường TCCN, CĐ và ĐH có dạy nghề quanh năm vật vã với hàng chục loại biểu mẫu, báo cáo khác nhau do các cơ quan quản lý từ sở lên bộ ở cả ngành giáo dục và ngành lao động (chưa tính các loại báo cáo cho các cơ quan chủ quản của các trường này).

Nhìn chung, các trường này báo cáo và chịu sự quản lý từ 2-5 cơ quan cấp trên. Bất cứ ở đâu, trong bất kỳ cuộc họp nào các trường cũng than phiền về tình cảnh quản lý chồng chéo, “một cổ nhiều tròng” này.

Ngay từ khi lĩnh vực này được tách làm đôi (năm 1998), dư luận từ các trường nghề đã đặt vấn đề cần thống nhất đầu mối quản lý GDNN cho cấp cơ sở bớt... khổ. Điều này hoàn toàn hợp lý và thực tế từ các trường cho thấy việc phân chia đầu mối quản lý GDNN tám năm qua không hề tạo thuận lợi gì cho các trường và xã hội.

Ông Nguyễn Minh Thành, chủ tịch Hội Dạy nghề TP.HCM, tâm tư: “Hình như khi làm luật chúng ta chưa bám sát mục đích điều chỉnh sự bất hợp lý này, chưa kể năng lực quản lý GDNN hiện cũng yếu và thiếu. Ta muốn tăng sức mạnh cho GDNN nhưng tại sao ta lại chia tách lĩnh vực này làm hai?”.

Vấn đề tưởng đơn giản và hiển nhiên như thế nhưng đặt trong thực trạng quản lý GDNN nước ta hiện nay lại trở thành một điều xa vời. Tất cả những “lấn cấn” trong quản lý GDNN cũng xuất phát từ chuyện lĩnh vực này thuộc quyền quản lý của hai bộ và mỗi bộ nhìn về một hướng.

Góp thêm một tiếng nói với Quốc hội với tư cách là những cử tri có nhiều năm gắn bó với mảng GDNN, Hội Cựu giáo chức VN cho rằng: việc đưa Luật giáo dục 2005 đi vào cuộc sống hiện còn gặp nhiều trở ngại do những vấn đề “đại sự” về cơ cấu hệ thống giáo dục vẫn chưa được làm rõ. Trong điều kiện đó, việc ban hành Luật dạy nghề vào thời điểm này dường như là vội vã và thiếu cơ sở.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo