xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiện đại hóa sách giáo khoa

Hoàng Lan Anh

Sách giáo khoa sau năm 2015 phải được xây dựng trên các quan điểm quan trọng nhất của giáo dục hiện đại là lấy học sinh làm trung tâm

GS Trần Đức Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục - NXB Giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh những đổi mới và hiện đại hóa sách giáo khoa (SGK) phổ thông phải được bắt đầu từ những đổi mới về tầm nhìn và quan niệm đối với SGK.
img
Dự kiến năm 2016, sách giáo khoa mới sẽ thay thế sách cũ Ảnh: Tấn Thạnh

Quan niệm mới

Điều này thể hiện rất rõ ở các nước phát triển như Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Điển… và một số nước đang phát tiển như Singapore, Hàn Quốc. GS Leif Oestman, Trường ĐH Tổng hợp Upsala (Thụy Điển), cho biết trước đây nhiều cuốn SGK phổ thông của Thụy Điển được thiết kế và biên soạn theo quan điểm thuần túy khoa học, nội dung cấu trúc mang nặng tính hàn lâm. Trong những thập kỷ gần đây, đã có những đổi mới căn bản trong quan niệm xây dựng chương trình - SGK ở Thụy Điển. SGK mới được thiết kế theo quan điểm khoa học ứng dụng, tích hợp lồng ghép các giá trị của đời sống thực tế…

Từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến, ông Trần Đức Tuấn khẳng định SGK phổ thông mới phải là công cụ hữu hiệu để tổ chức dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, tăng cường hoạt động dạy học hợp tác và tương tác, vừa là sản phẩm vừa là công cụ của công nghệ dạy học, là công cụ đắc lực của giáo dục phát triển bền vững. Năm tiêu chuẩn và 10 tiêu chí cơ bản đổi mới và hiện đại SGK cũng đã được xác lập, trong đó nhấn mạnh đến tính sư phạm, tính khoa học - hiện đại, tính thực tiễn và bền vững. GS-TS Nguyễn Lộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng việc biên soạn chương trình và SGK sau năm 2015 phải chú trọng vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hằng ngày, chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh giải quyết các vấn đề thực tế.

“SGK phải cung cấp nội dung dạy học, là nơi khởi đầu, kích thích sự tìm tòi kiến thức từ các nguồn khác nhau. SGK phải tạo cơ hội cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực theo phương châm lấy quá trình học tập của học sinh làm trung tâm cũng như vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống” - ông Lộc nói.

GS Đinh Quang Báo (bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015) cho biết với tư tưởng đổi mới này, mô hình cấu trúc SGK sẽ có nhiều thay đổi. Phần nội dung môn học không trình bày đơn vị bài học theo tiết học mà theo chủ đề nội dung tương ứng với các tình huống tích hợp. Ông Báo cũng lưu ý việc thiết kế các chủ đề về nội dung cần chú ý đến mỗi chủ đề có tính trọn vẹn nhất định và đặt tiêu đề tương ứng với các cấu trúc: phần - chương - chủ đề - các hoạt động. Việc tổ chức học các chủ đề trong SGK phải bảo đảm các nội dung: cần biết gì, cần nghiên cứu đề tài khoa học nào, câu hỏi thảo luận và các hoạt động nhóm là gì, câu hỏi trắc nghiệm và đề cương báo cáo kết quả nghiên cứu. Theo ông Báo, với cấu trúc trên, SGK sẽ thực sự là một cẩm nang tổ chức dạy học, trong đó hoạt động tìm tòi là đơn vị cấu trúc với các mã hóa về kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Nhiều rào cản và thách thức

Khẳng định SGK mới trong nhà trường hiện đại vừa là nơi chứa đựng thông tin khoa học lớn vừa là kịch bản định hướng tổ chức các hoạt động dạy - học, GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh các tác giả SGK phải có năng lực “2 trong 1”. Theo chuyên gia này, ở nước ta không có cơ sở (viện hay trung tâm) nghiên cứu biên soạn SGK riêng biệt như ở một số nước khác, vì thế không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về việc biên soạn SGK. “Phần lớn các tác giả tự rút kinh nghiệm qua tham gia nhiều đợt biên soạn SGK nên tuy rất uyên bác về chuyên môn nhưng còn hạn chế về tri thức giáo dục học. Đó thực sự là một khó khăn” - ông Đinh Quang Báo đánh giá.

Bên cạnh đó, việc các trường sư phạm vẫn đi theo lối mòn trong giảng dạy cũng là một rào cản của công cuộc đổi mới. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng trong những lần đổi mới trước, các trường sư phạm gần như đứng ngoài cuộc dù phần đông đội ngũ làm chương trình và viết SGK là các thầy cô trong trường. GS Nguyễn Khắc Phi - nguyên Tổng Biên tập NXB Giáo dục - cũng đánh giá các trường sư phạm đang chậm chân trong khâu đổi mới để bắt kịp chương trình - SGK. “Dự kiến năm 2016 sẽ có SGK mới thí điểm, việc dạy học phải theo chủ đề, kết hợp kiến thức liên môn. Bậc THCS sẽ không còn các môn lý, hóa, sinh dạng độc lập nữa mà chỉ còn môn khoa học nhưng các trường sư phạm vẫn đào tạo như hiện nay thì giáo viên làm sao hòa nhập được” - GS Phi băn khoăn. Ông cũng lo lắng ở các nước tiên tiến, việc đào tạo giáo viên luôn đi trước chương trình - SGK ít nhất 5 năm; còn ở nước ta, trong những lần đổi mới trước, giáo viên luôn chạy theo chương trình - SGK.

Trước những thách thức này, TS Hoàng Thanh Tú, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), khẳng định chỉ khi chương trình - SGK được triển khai đồng bộ với các điều kiện khác nhau như tập huấn cho giáo viên, phương tiện dạy học, trang thiết bị… thì mới mong đạt được hiệu quả.

Thiếu tiêu chí đánh giá

Việc thiếu tiêu chí đánh giá SGK là nguyên nhân khiến việc biên soạn gặp nhiều khó khăn. GS-TS Mike Horsley, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế về SGK (Úc), cho biết hằng năm, Hiệp hội Các NXB Úc đều tổ chức bình chọn SGK và tài liệu dạy học tốt nhất. Tiêu chí đánh giá cũng không phải bất biến mà tùy vào nhận thức xã hội ở mỗi người. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận cần phải có hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ xuất phát cho các tác giả viết SGK, đồng thời làm công cụ cho việc đánh giá, giúp bộ trong việc phê duyệt, cho phép sử dụng SGK.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo