xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học phí đổi thành giá dịch vụ đào tạo!

Thế Dũng - Phương Nhung

Vẫn chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Nhiều đại biểu đề nghị nên gọi là học phí, không nên đổi là giá dịch vụ đào tạo

Chiều 30-5, Quốc hội (QH)thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Nên giữ cụm từ học phí

Tại tổ Thái Bình, Hải Phòng, Bình Định, đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng vấn đề học phí quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH cần được tính toán lại. Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung dẫn kinh nghiệm tự chủ của trường này thẳng thắn: "Học phí vẫn là cụm từ quen thuộc. Nói thật là trong quá trình xây dựng tự chủ trường cũng thực hiện theo giá dịch vụ đào tạo nhưng chúng tôi vẫn đóng mở ngoặc là học phí để phụ huynh dễ hiểu. Vì thế nên giữ cụm từ học phí".

Về vấn đề nên gọi học phí hay giá dịch vụ đào tạo, ĐB Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết vẫn chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. "Vẫn gọi tên là học phí thôi nhưng bản chất là giá, vì phải tính toán đầy đủ các chi phí đào tạo. Vấn đề quan trọng là làm sao giá dịch vụ đào tạo phải bảo đảm cho các trường hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sinh viên khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ" - ĐB Huỳnh Thành Đạt nói.

Học phí đổi thành giá dịch vụ đào tạo! - Ảnh 2.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình đại biểu Quốc hội về giá dịch vụ đào tạo tại phiên họp tổ Ảnh: Thế Dũng

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng cho rằng vừa rồi, dư luận rối lên về phí và giá. "Vẫn nên gọi học phí, không nên đổi là giá dịch vụ đào tạo làm gì" - ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết nhiều nước không thu học phí cả cấp phổ thông lẫn ĐH hoặc chỉ thu tượng trưng. Từ đó, ông cũng đề nghị xem xét lại thu nhập bình quân của người Việt Nam có tương xứng với học phí của các ĐH tự chủ hoặc tư thục hay không? "Nếu thu nhập không bảo đảm, tức là học sinh không thể đi học ĐH, phải có chính sách cho người nghèo vay. Phải bổ sung mục nhà nước phải có chính sách cho vay với gia đình có thu nhập thấp, không bảo đảm trả được chi phí ĐH" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Giá dịch vụ đào tạo không phải là "thương mại hóa"!

Tham gia phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ phân trần: "Liên quan đến học phí đổi thành giá dịch vụ đào tạo là do mọi người hiểu chưa rõ. Trong điều 105 Luật Giáo dục ghi rõ là học phí và vẫn dùng học phí. Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ. Tên gọi đó vẫn còn. Tôi khẳng định vẫn gọi là học phí chứ không ai bỏ học phí".

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH thì căn cứ theo Luật Giá, học phí không phải bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp, trong đó có một số loại chi phí do nhà nước đặt hàng. Những chi phí này, áp dụng theo Luật Giá thì mới tính được giá. "Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá đã được áp vào chứ không phải tính tùy tiện. Ngay cả lệ phí thi, giờ không gọi là lệ phí nữa mà giá dịch vụ này cũng phải được xem xét và Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành" - ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ trưởng GD-ĐT cũng diễn giải việc không gọi là học phí mà là giá dịch vụ đào tạo để trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo hay khoản tiền mà đơn vị được thu và tính trong các định mức thì cũng phải xây dựng thang tính đúng, tính đủ. Như vậy, giá dịch vụ đào tạo phải được hiểu là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ GDĐH.

Trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH thêm một điều là giá dịch vụ đào tạo để phù hợp với tính đúng, tính đủ theo Luật Giá chứ trong Luật Giáo dục vẫn gọi là học phí. Tinh thần là các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từng bước tính đúng, tính đủ theo giá dịch vụ chứ giá dịch vụ không phải là "thương mại hóa". Các cơ sở giáo dục ĐH công lập được tính toán một cách minh bạch các chi phí. Trong thực tế, chi phí cho hoạt động đào tạo một học sinh, sinh viên tính vào học phí mà người học phải trả ở trường công lập chưa đủ. Học phí chỉ là một phần, phần còn lại tương đối lớn, nhà nước vẫn phải chi.

Cơ quan thẩm tra luật không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí

Sáng 30-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Ông Bình cho biết về giá dịch vụ đào tạo, đa số thành viên ủy ban tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ; tuy nhiên không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong dự thảo luật. "Việc sử dụng khái niệm học phí (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục" - báo cáo thẩm tra lưu ý và đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

V.Duẩn

Lo các trường có thể lạm thu

Phản hồi về đề xuất đổi học phí thành "giá dịch vụ đào tạo", GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, bày tỏ sự lo lắng các trường có thể lạm thu khiến sinh viên gặp khó khăn. GS Dong cho rằng "giá dịch vụ đào tạo" là tiền sinh viên nộp cho nhà trường trong khoảng thời gian nhất định về việc học tập của mình. Số tiền này các trường có thể tự ý đưa ra tùy theo dịch vụ, nhu cầu mà nhà trường cung cấp cho sinh viên. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các trường có thể lạm thu bởi trường chỉ cần giải thích "dịch vụ của tôi cao nên thu nhiều hơn" thì sinh viên biết kêu ai?". Theo GS-TS Dong, với việc thay chữ "phí" bằng "giá", các trường có thể lách qua quy định về phí của nhà nước, thay đổi giá (tức phí) tùy thích.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - phân tích, theo Luật Đầu tư, GD-ĐT là hoạt động kinh doanh có điều kiện..., giáo dục đã có thời gian được xếp vào hàng hóa công. Hàng hóa công vừa mang lại lợi ích tư và là hàng hóa tư về phương diện cá nhân được hưởng thụ lợi ích do giáo dục mang lại như cải thiện cơ hội việc làm, thu nhập, địa vị xã hội... nhưng nó cũng mang lại lợi ích công to lớn như đóng góp vào tăng năng suất, GDP, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường an ninh quốc phòng, phát triển bền vững đất nước, tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn, góp phần giảm tội phạm và tệ nạn xã hội... Vì thế, ông Vinh cho rằng việc xác định giá dịch vụ GD-ĐT phải rất cẩn trọng, bảo đảm sự hài hòa các lợi ích công và tư, bất cứ sự bất đối xứng nào đó trong việc thu tiền đều có thể dẫn đến xung đột lợi ích các bên. Mặt khác, mục tiêu của mọi nền giáo dục đều là chất lượng, hiệu quả và bình đẳng, vì thế với những vùng khó khăn về kinh tế - xã hội hoặc lĩnh vực đào tạo cần dành sự ưu tiên thì ứng xử của nhà nước về giá, phí và trợ phí hay trợ giá cần được tính đến.

PGS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhấn mạnh dù giá dịch vụ đào tạo do các trường tính toán và đưa ra, nhưng những gì được tính vào giá dịch vụ nhà nước phải quy định chứ không phải tính bất kể cái gì cũng được. Ví dụ, trong chương trình đào tạo có chi phí tiền lương giáo viên, chi phí giảng đường, chi phí thiết bị giảng dạy học tập… Những chi phí này được tính trong chi phí đào đạo để đưa ra mức giá cụ thể của dịch vụ đào tạo. Nhưng lấy tiền đi du lịch, nghỉ mát, tiền làm nhà của giáo viên để tính vào giá dịch vụ đào tạo thì không được. Theo ông Cường, cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát việc các trường tính giá dịch vụ đúng hay không để chấp nhận công bố mức giá đó. Nhà nước sẽ ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn để các trường dựa vào đó tự thực hiện và nhà nước kiểm tra xem họ thực hiện có đúng quy định không.

Yến Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo