xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lớp học không biên giới

ĐẶNG TRINH

Cuộc thi giáo viên (GV) sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) do một tập đoàn công nghệ khởi xướng từ năm 2014 đã khiến nhiều quốc gia có thế mạnh về CNTT thay đổi cách nhìn về Việt Nam. Bởi lẽ từ năm thứ 2 trở đi, Việt Nam năm nào cũng có GV vào vòng chung kết và đoạt giải nhất về sáng tạo giáo dục trên nền tảng CNTT của một cuộc thi GV sáng tạo toàn cầu.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu do Microsoft công nhận, có dịp tham dự các chương trình giảng dạy, tập huấn, tham quan… mô hình học tập của các nước trên thế giới. "Họ có nhiều kinh nghiệm, mô hình học tập thú vị quá! Tại sao mình không mang về chia sẻ cho GV của nước mình?" - cô Quyên thốt lên.

Nhưng để có thời gian đi hết các tỉnh - thành, tất cả các trường của đất nước thì rất khó khăn. Thế là cô Quyên bắt đầu nghĩ đến việc tận dụng triệt để CNTT để GV, học sinh mọi vùng miền có thể tiếp cận với các phương pháp dạy học sáng tạo. Diễn đàn giáo dục sáng tạo được thành lập từ ý tưởng ấy. Hàng trăm ngàn tình huống sư phạm, phương pháp giáo dục được chia sẻ và thảo luận, thực hành ngay trong lớp học bằng công cụ Skype. Như cách tạo một bài thuyết trình chuyên nghiệp, phương pháp tạo một lớp học hạnh phúc hay chỉ đơn giản là cách làm sao để tổ chức một buổi họp phụ huynh đầu năm thành công, những thảo luận xung quanh chuyện đội sao đỏ của trường có nên tồn tại, làm sao để GV có "lửa" trên bục giảng. Hằng tháng, các thành viên quản trị của diễn đàn sẽ chọn ra những bài viết hay, những tình huống sư phạm, những bài báo khoa học về giáo dục thế giới được dịch, biên tập, chắt lọc để tạo thành… một cuốn nội san dạy và học, GV có thể tải về tham khảo.

Lớp học không biên giới - Ảnh 1.

Một lớp học kết nối tổ chức tại Trường Việt Úc Ảnh: Nguyễn thị liễu

Việc đưa công nghệ đến với trẻ mầm non vùng cao là điều không dễ dàng. Thế nhưng, cô giáo Đỗ Thùy Quyên, giáo viên Trường Mầm non Suối Giàng, tỉnh Yên Bái, đã làm được điều đó từ diễn đàn giáo dục sáng tạo. Chỉ nhờ 1 chiếc máy tính, những đứa trẻ vùng cao được đi thăm Hồ Gươm, được nói chuyện với người nước ngoài, được giao tiếp với các thầy cô, bạn bè vùng xuôi.

Khoảng cách đến điểm chính của Trường Mầm non Suối Giàng là hơn 12 km, cách TP Yên Bái hơn 80 km. Học sinh ở trường 100% là người Mông, gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi. Mới đầu, khi biết về Skype, chính cô Thùy Quyên cũng rất bỡ ngỡ, không dám thực hiện ngay vì chưa hiểu hết các tính năng của Skype. Sau một khoảng thời gian quan sát, được các thầy cô khác trong cộng đồng chia sẻ, cô Quyên nhận thấy Skype rất có ích cho học sinh, đặc biệt là học sinh vùng cao không được tiếp cận với phương tiện truyền thông hiện đại.

Cuối năm học 2017-2018, cô Thùy Quyên muốn kết nối với các thầy cô vùng xuôi như một món quà chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Thế những lớp cô dạy nằm trong thôn, sóng điện thoại chập chờn, cô cứ phân vân sợ lỡ hẹn với các lớp khác. Nhưng cuối cùng, cô cũng kết nối thành công dù chỉ bằng điện thoại.

Học sinh người Mông vốn tiếng Việt còn rất hạn chế. Khi kết nối với các lớp học trong nước, cô giáo phải phiên dịch sang tiếng Mông. Dù vậy, trẻ vẫn rất háo hức. Ban đầu, cô kết nối cho trẻ tham quan hồ Gươm để trẻ có thể quan sát môi trường xung quanh. "Cơ bản nhất các con được giao tiếp tự tin hơn vì vốn sống trong bản, điều kiện giao tiếp bị hạn chế. Bất ngờ nhất là kết nối được với giáo viên người nước ngoài. Học sinh được học cách nói "hello" của tiếng Anh, phát âm các chữ cái, cách đếm. Bây giờ các em tự tin, gần gũi với cô giáo hơn. Tôi chỉ mong mạng ổn định để cùng kết nối cho học sinh ở nhiều lớp vì các em rất thích" - cô Quyên chia sẻ.

Xóa bỏ mọi biên giới lớp học với mong muốn tất cả học sinh đều được tiếp cận với công nghệ, truyền động lực cho GV đổi mới, sáng tạo là cách mà diễn đàn đang hướng đến. Bác sĩ - giảng viên Nguyễn Thị Hiệp Tuyết, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, là nữ giảng viên duy nhất của bậc ĐH ở Việt Nam tham gia diễn đàn Giáo dục toàn cầu năm 2018. Bác sĩ Hiệp cùng với 4 GV phổ thông vẫn hằng tuần livestream trên diễn đàn, tổ chức các lớp chia sẻ kinh nghiệm thực tế qua Skype, các chủ đề cho các GV phổ thông khác như "Sức khỏe sinh sản" hay "Phòng chống tác hại của thuốc lá"…. Các buổi chia sẻ cuốn hút đến nỗi nhiều trường THPT đã "đặt hàng" bác sĩ Tuyết nói chuyện trực tiếp với học sinh của mình thông qua Skype và có hình ảnh để tư vấn sức khỏe cho học sinh.

"Làm sao từng giờ dạy của mình phải giúp sinh viên phát triển tốt các kỹ năng học tập, kỹ năng về CNTT, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là phải mở rộng không gian lớp học, đưa ra thế giới. Những sinh viên ham thích ứng dụng CNTT trong việc tự học sẽ hình thành được phương pháp học tập cho mình. CNTT thúc đẩy kỹ năng của sinh viên, tự tin thuyết trình đứng trước đám đông, biết làm việc nhóm, biết cách triển khai công việc nhóm hiệu quả hơn, sinh viên dễ hòa đồng, biết chia sẻ" - bác sĩ Hiệp trải lòng.

Diễn đàn giáo dục sáng tạo Việt Nam hình thành bởi những nhà giáo tâm huyết với mong muốn ban đầu là chia sẻ những kinh nghiệm, bài giảng, tài nguyên dạy học… với khoảng 100 GV tham gia. Sau 2 năm thành lập, con số này đã là 12.000 thành viên, trong đó hơn 10.000 thành viên tương tác tích cực. Diễn đàn đã phá vỡ mọi không gian, biên giới lớp học, không chỉ thu hút các nhà giáo, sinh viên, học sinh, phụ huynh mà những người ngoài ngành như bác sĩ, kỹ sư, cho đến những giáo viên nước ngoài cùng tham gia. Tất cả chỉ vì một mục tiêu mang giáo dục sáng tạo đến với tất cả mọi GV, mọi ngôi trường tại Việt Nam.

Chỉ cần ở đâu có sóng điện thoại, có mạng internet là ở đó có lớp học.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo