Những tiết học như cô Thu Hà đang dạy nằm trong dự án dạy trẻ cách phòng chống xâm hại do TS Lê Thị Linh Trang, Trưởng Khoa Đại cương - Học viện Cán bộ TP HCM, khởi xướng từ năm 2015. Năm 2014, bộ phim “Bạn cần biết nói không” do TS Trang làm cố vấn với nội dung về phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em được giải vàng trong Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc. Đây là bộ phim với thông điệp đầy ý nghĩa và cần thiết nhưng chỉ được phát sóng ít lần. TS Trang đã nảy sinh ý tưởng đem thông điệp đó đến với các HS tiểu học tại TP HCM và nhận được sự cộng tác từ các giáo viên tâm huyết khác ở nhiều trường ĐH. Các thầy, cô trong nhóm thay phiên nhau đi dạy, không quản những trường ở vùng xa, vùng ngoại thành. Từ đó đến nay, hàng ngàn HS đã được tiếp cận với những thông điệp và kỹ năng cần thiết.
Nói về chương trình, TS Linh Trang tâm sự nếu 1 người trong cuộc sống cái gì cũng nghi ngờ, tính toán được mất thì không thể giúp được ai. “Tham gia chương trình Phòng chống xâm hại cho HS tiểu học, nhiều người hỏi tôi làm cái đó để làm gì? Tôi không giải thích nhiều vì tôi biết nhiều việc không phải chỉ làm cho lợi ích cá nhân mà còn cho xã hội” - cô nói. TS Trang kể trong quá trình thực hiện chương trình, nhiều lãnh đạo trường biết đến nhóm liên hệ, mời nhóm về giảng dạy cho HS. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không mặn mà, không hỗ trợ, thậm chí nếu hỗ trợ cũng chỉ vì nghĩ tới… thành tích.
Vượt qua những khó khăn, trên trang mạng xã hội của TS Trang và các thành viên tràn ngập những hoạt động với lịch giảng dạy miễn phí dày đặc, từ các trường tiểu học nội thành TP HCM, đến các quận, huyện xa trung tâm như Củ Chi, Thủ Đức, Cần Giờ… rồi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Họ miệt mài hoạt động với mong muốn mọi trẻ em đều phải được an toàn.
Nhẹ nhàng giúp trẻ nói lên sự thật
Tại buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” do báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Văn Hiến tổ chức ngày 16-3, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều ý kiến bổ ích liên quan đến nạn xâm hại tình dục trẻ em, nhận diện tội ác xâm hại tình dục trẻ em, dạy cho trẻ biết cách phòng vệ khi đứng trước nguy cơ bị xâm hại.
Tham luận tại buổi tọa đàm, PGS-TS Trần Thị Kim Xuyến, Trường ĐH Văn Hiến, cho biết trong những trường hợp xảy ra, có 2/3 trẻ không dám nói ra sự thật trong 1 năm, 50% giữ im lặng trong 5 năm. PGS cũng khẳng định các con số thống kê còn ít hơn hiện thực đang xảy ra. Nguyên nhân là do “quan niệm về sự kỳ thị của người bị hại khiến các em không dám nói lên sự thật”. Theo PGS Kim Xuyến, từ năm 2011-2015, cả nước có 5.000 trẻ bị xâm hại, cứ 8 phút là có 1 trẻ Việt Nam bị xâm hại. Độ tuổi bị xâm hại càng ngày càng thấp hơn.
TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng việc đầu tiên phải làm ngay và luôn là hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân và gia đình trước khi nói đến luật pháp. Phụ huynh bất an nhiều quá, gieo vào đầu con những lo lắng không đáng có. Điều này làm trẻ nghi ngờ xã hội, không yên tâm với các mối quan hệ xung quanh. Sự lo lắng thái quá đó không nên có. Phụ huynh cần dành thời gian giáo dục con mình trong những trò chơi, trong những cuộc nói chuyện. Hãy dạy trẻ biết tự bảo vệ mình, không nên dạy trẻ nhìn đâu cũng thấy tội phạm, nơi nào cũng không an toàn.
Một khách mời đặt câu hỏi “Đối tượng bị xâm hại thường nhỏ, yếu thế nên lấy lời khai các em rất khó. Làm sao để các em tin tưởng và chịu kể lại với người lớn?”. Các chuyên gia chia sẻ rằng đối với mẹ cần phải bình tĩnh, vỗ về để con vượt qua nỗi sợ bằng cách từ từ nghe con tâm sự chứ không giận hờn, tìm cho ra kẻ hại trẻ; nhớ lưu lại quần, không tắm cho con trong 24 giờ; yêu cầu cơ quan chức năng trưng cầu pháp y, sau đó đưa con đi thăm khám. “Quan điểm của tôi đúc rút được là mẹ phải bình tĩnh, nhẹ nhàng trò chuyện với con và phải ghi âm lời khai. Phía công an phải hết sức nhẹ nhàng, không để kẻ xâm hại biết để xóa hết các dấu hiệu”-luật sư Lê Ngọc Luân, Đoàn Luật sư TP HCM, lưu ý. Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang chia sẻ vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Vì vậy cần phải điều trị tâm lý cho mẹ trước tiên.
Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến xâm hại tình dục ngày càng tăng là do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh, hình thức xử phạt còn nhẹ nhàng so với tính chất tội phạm.
“Đối với xâm hại trẻ em, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện, dưới góc độ thể chế, xem điều luật có phù hợp hay chưa, công lý mới được thực thi pháp luật nghiêm minh chưa, nếu chưa thì cần xem xét lại để điều chỉnh. Công ước Quyền bảo vệ trẻ em năm 2016 quy định rất rõ ràng về trẻ em nhưng việc thực thi chưa đâu vào đâu. Đừng đánh trống bỏ dùi, cần có cuộc nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn trên lĩnh vực này” - bà Xuyến kiến nghị.
Châu Đoan