xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người truyền cảm hứng

NGUYỄN VŨ THU TRANG

Khai giảng năm học 2013-2014, ai cũng vui vì trường khang trang hẳn. Hỏi "tiền đâu mà thầy làm?", thầy nói nhờ một nhà thầu xây dựng làm với lời hứa sẽ trả nợ dần trong 3 năm học. Hỏi tiếp thầy có lo không, mắt thầy ngấn lệ

Năm 1982, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, ngành vật lý, thầy Nguyễn Hoàng Chương vào Lâm Đồng nhận công tác. Tưởng chừng xứ đất đỏ bazan, nơi chỉ hai mùa mưa nắng, không níu chân được người thanh niên lãng mạn, đầy năng lượng, vậy mà gần 40 năm, Bảo Lộc trở thành quê hương thứ hai của thầy.

Dạy hay, quản lý giỏi

Ngày đầu tiên vào lớp tôi, thầy dạy bài "Công và công suất", tình huống nêu ra chẳng giống sách giáo khoa (mà tôi thường nhìn vào để trả lời khi thầy cô hỏi). Thầy trò cùng dạy và học; cuối tiết, tôi hiểu được công (cơ học) một cách tường tận. Những tiết học sau, rồi lớp 11, lớp 12, cả lớp đều mong đến giờ thầy để được học, hiểu; chúng tôi thích thú cách thầy dạy học nêu vấn đề; bài nào thầy cũng bắt đầu từ một tình huống.

Ra trường, chúng tôi mỗi đứa một nghề, khi có dịp gặp nhau, ai cũng nhớ cách dạy độc đáo của thầy. Tôi theo nghề giáo, bài học năm xưa của thầy, "nỗi nhớ bay lên" giúp tôi tự tin trên bục giảng.

Sau ba năm công tác tại Trường THPT Bảo Lộc (1982 - 1985), do nhu cầu phát triển giáo dục tại địa phương, thầy là một trong những người tiên phong cắm cọc, đo đất, chuẩn bị cho việc thành lập Trường cấp 2-3 Lộc Thanh (nay là Trường THPT Lộc Thanh), xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc. Thầy vừa dạy, kiêm Bí thư Đoàn, tổ trưởng chuyên môn trong 4 năm. Tình yêu nghề nghiệp giúp thầy vượt qua khó khăn, thiếu thốn.

Năm 1987, mô hình học sinh làm Bí thư Đoàn trường, giáo viên làm cố vấn - Đoàn trường Trường cấp 2-3 Lộc Thanh triển khai mà thầy là "nhà thiết kế". Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng hồi ấy - cô Trương Thị Mai (nay là Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) đặc biệt quan tâm, ngợi khen.

Năm 1990, thầy được điều về lại Trường THPT Bảo Lộc, tiếp tục công việc giảng dạy, làm Bí thư Đoàn trường, tổ trưởng chuyên môn, Phó hiệu trưởng. Những năm này, chất lượng giáo dục Trường THPT Bảo Lộc dẫn đầu tỉnh Lâm Đồng, là một trong những trường THPT chất lượng cao của cả nước.

Tháng 11-2005, thầy chuyển công tác, về làm Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. 27 tháng công tác, thầy mang luồng gió mới, nâng tầm Trường THPT Lộc Thành, khẳng định sự thay đổi của trường.

Tháng 3-2008, thầy có quyết định về lại làm Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lộc. Ngôi trường tiếp tục phát triển dưới sự dẫn dắt của thầy, trường nằm trong tốp 100 trường THPT có điểm thi vào đại học cao nhất của cả nước. Học sinh của trường vào chung kết năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ IX…

Người truyền cảm hứng - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương

Người truyền cảm hứng - Ảnh 2.

Thầy Chương và cháu nội

Giúp thêm tự tin, tiến bộ

Tháng 9-2012, thầy nhận quyết định về làm Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, ngôi trường vùng ven của TP Bảo Lộc. Tại trường này, thầy lăn xả, thay đổi cảnh quan trường lớp, nền nếp học và dạy. Thầy chia sẻ kinh nghiệm dạy học. Bài học năm xưa của thầy giáo vật lý Nguyễn Hoàng Chương nay là bài dạy về đổi mới phương pháp soạn giảng của thầy hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Chương. Có thầy, giáo viên thêm mạnh dạn, tự tin. Lúc chưa được, thầy khuyên không nản lòng; khi hiệu quả, thầy khen.

Tổ tiếng Anh của tôi, ngày đó chật vật lắm, chưa có học sinh giỏi cấp tỉnh; thi tốt nghiệp THPT thì số em đạt điểm từ 5,0 trở lên chỉ mấy em. Thầy quyết định phải tạo chuyển biến cho tổ này. Khi tổ sinh hoạt chuyên môn, thầy trao đổi với chúng tôi về dạy học chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Thầy thổi luồng gió mới đến từng giáo viên trong tổ. Dịp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bồi dưỡng chuyên môn (tiếng Anh), thầy xin để tất cả giáo viên trong tổ cùng dự (theo quy định, mỗi trường chỉ cử tổ trưởng), thầy mời giáo viên tiếng Anh giỏi ở các trường khác đến tập huấn cho chúng tôi, thầy tổ chức phụ đạo, khuyến khích bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Anh. Thầy trải lòng: "Tự tin lên, không thành công cũng thành nhân". Chất lượng môn tiếng Anh ngày mỗi tiến bộ, có học sinh đoạt giải nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, Huy chương bạc toàn quốc cuộc thi Olympic tiếng Anh. Khi biết tin, thầy và chúng tôi vui mà… khóc, giọt nước mắt hạnh phúc trong ngôi trường hạnh phúc!

Mấy năm sau, Trường THPT Lộc Phát tự hào ghi tên mình vào nhóm trên trong các trường THPT của tỉnh Lâm Đồng. Ngôi trường có cảnh quan thân thiện, đẹp; chất lượng dạy học và giáo dục phát triển toàn diện. Ngày càng có nhiều học sinh chọn theo học tại trường, điểm tuyển sinh vào lớp 10 của trường từ hạng chót nay vươn lên xếp thứ 8/58 trường THPT tại tỉnh Lâm Đồng năm học 2019 - 2020; tỉ lệ tốt nghiệp THPT nhiều năm liền trên 99%. Những hoạt động trải nghiệm được học sinh yêu thích, những đề kiểm tra (có mấy đề kiểm tra môn ngữ văn, báo chí cả nước đưa tin, được xây dựng từ ý tưởng của thầy). Học sinh của trường mong đến giờ chào cờ để được nghe những điều thầy kể.

Thầy tâm nguyện cùng với dạy chữ, người thầy phải dạy dỗ học trò nên người tử tế, năng động, sống có ước mơ. Thầy chăm lo, đầu tư cho đội ngũ giáo viên vững vàng về chuyên môn, yêu nghề, chuẩn mực. Trường THPT Lộc Phát được tặng Bằng khen của Bộ GD-ĐT, được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh!

Người truyền cảm hứng - Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT Lộc Phát hôm nay

Vay tiền sửa trường

Tám năm công tác cùng thầy, nhiều kỷ niệm thân thương, mỗi ngày đến trường như được an vui hơn, cảm xúc ấy không chỉ của riêng tôi mà còn của rất nhiều thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Tháng 9-2012, phát biểu trong ngày nhận bàn giao chức vụ hiệu trưởng, thầy mạnh mẽ "cùng thầy cô quyết tâm thay đổi". Xin chủ trương của Sở GD-ĐT Lâm Đồng, trao đổi những vấn đề cần làm ngay, nhất là về cơ sở vật chất. Trong mỗi kỳ họp toàn thể giáo viên, thầy vận dụng các mối quan hệ thân quen. Nhờ vậy, chỉ từ tháng 5-2013 đến tháng 9-2013, Trường THPT Lộc Phát có cổng trường, tường rào mới, các phòng học sáng đẹp hẳn lên. Khai giảng năm học 2013-2014 (sau một năm thầy vào trường), thầy cô, phụ huynh, học sinh - ai cũng vui vì trường khang trang hẳn. Chúng tôi hỏi thầy: "Tiền đâu mà thầy làm?", thầy trầm ngâm: "Thầy nhờ một nhà thầu xây dựng làm, người này vốn là cha mẹ học sinh cũ của thầy, với lời hứa sẽ trả nợ dần trong 3 năm học". Tôi hỏi thầy lo không, mắt thầy ngấn lệ.

Lớp học trò ngày ấy nghịch lắm, hay cúp tiết, bỏ học, nay thấy trường đẹp nên thích đến trường, các em dần thay đổi… Tập thể giáo viên của trường cũng trưởng thành trong ngôi trường được làm mới bằng cả trách nhiệm, tâm huyết, đổi mới, sáng tạo của thầy Nguyễn Hoàng Chương.

Ngày ấy và bây giờ, thầy đã nghỉ hưu nhưng phong cách luôn trẻ. Với thầy, nói là làm - dẫu khó khăn. Để dạy tốt, thầy khích lệ giáo viên tự học, xây thói quen đọc sách, thiết kế chương trình nhà trường, đổi mới kiểm tra, ở lĩnh vực nào cũng có thầy sẻ chia, thấu hiểu.

Các bài viết của thầy - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, trên tạp chí "Khoa học giáo dục", những trải lòng của thầy trên các báo lớn của cả nước về những vấn đề thời sự, thiết thân của ngành giáo dục đều thể hiện rõ trí tuệ, tâm huyết của thầy, một cán bộ quản lý tiêu biểu của ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng. Nay hai con trai của thầy cũng đã trưởng thành, công việc ổn định, thầy có thêm "chức" ông. Với thầy, trường học hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, đó là trái ngọt mà cây đời ban tặng. 

Những giọt nước mắt

L.A, học sinh mới vào lớp 10 được ít hôm là đánh bạn cùng lớp, L.A dùng mũ bảo hiểm giáng đòn tới tấp... Biết chuyện, thầy gặp riêng từng em nắm sự việc cụ thể, xử lý theo quy định. Tôi nhớ, thầy không công bố kỷ luật trước toàn trường mà về lớp trao đổi riêng. L.A (và nhóm bạn tham gia đánh nhau) được thầy trực tiếp hướng dẫn vệ sinh trường lớp, đọc sách thư viện để thi hành "án kỷ luật". Thầy dõi theo và tuyên dương trước toàn trường khi các em này đạt thành tích. Trong sự thân thương đó, em nào cũng tiến bộ, L.A vươn lên trong học tập, em học giỏi, là thành viên đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi vật lý của trường. Chia sẻ với đại biểu toàn tỉnh về trường tôi dự chuyên đề "Xây dựng trường học hạnh phúc", L.A xúc động kể lại chuyện xưa, em khóc, chúng tôi khóc và thầy cũng khóc...

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Người truyền cảm hứng - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo