xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhân bản vô tính bằng hạt kiểu mới

Lương Duy Cường thực hiện

Nghiên cứu sinh Cao Đình Hùng vừa được báo chí Úc đánh giá là đã tạo đột phá trong vòng 30 năm qua ở lĩnh vực công nghiệp và môi trường. Dù rất bận rộn với việc nghiên cứu, anh vẫn dành cho Báo Người Lao Động một cuộc phỏng vấn qua internet

- Phóng viên: Xin chúc mừng thành công của anh, nhưng cũng tò mò một chút là ở Việt Nam, công nghệ nhân bản vô tính thực vật bằng hạt nhân tạo mà anh thực hiện lâu nay đã được đề cập chưa?

 

img

- Nghiên cứu sinh Cao Đình Hùng: Ở Việt Nam, kỹ thuật này áp dụng rồi nhưng chủ yếu trên cây thân thảo, hoa cảnh và cây nông nghiệp chứ ít được thực hiện trên cây thân gỗ. Và điều quan trọng là trên toàn thế giới, công nghệ này lâu nay vẫn ách tắc vì không đưa được hạt nhân tạo ra trồng trực tiếp ngoài đất, hệ số tái sinh cũng thấp. Lý do là bị vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật trong đất xâm nhập làm cho hạt nhân tạo không nảy mầm và chết trong vòng 1-2 tuần. Nếu muốn trồng được ở đất tự nhiên, phải thông qua một phòng thí nghiệm rồi phải có một nhà kính và các chuyên gia chăm sóc.
 
- Nếu không đưa ra trồng được thì người ta ứng dụng kết quả nghiên cứu này vào việc gì?

- Cũng ứng dụng được nhưng chỉ sử dụng để chuyển giao giữa các phòng thí nghiệm hoặc để trao đổi, bảo tồn nguồn giống mà thôi.

 
- Vì vậy anh đã tập trung nghiên cứu để đưa hạt nhân tạo ra gieo trồng ở đất tự nhiên?

- Đúng vậy. Ban đầu tôi tập trung nghiên cứu về việc nhân bản vô tính trên cây thân gỗ, cụ thể với cây bạch đàn lai và cây gụ. Nhưng vì nhân giống các loại cây thân gỗ rất mất thời gian, sẽ khó thiết lập được các cánh rừng để chọn dòng ưu việt nên tôi đã nghĩ đến công nghệ hạt nhân tạo, dù biết cả thế giới đang ách tắc.

 

Cao Đình Hùng sinh năm 1974 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tốt nghiệp cùng lúc cử nhân sinh học và cử nhân ngoại ngữ ở ĐH Huế trước khi đến công tác tại Viện Sinh học Tây nguyên; học thạc sĩ ở ĐH Công nghệ Sydney và hiện đang là nghiên cứu sinh của Trường ĐH Sunshine Coast (Úc).

- Anh gọi hạt nhân tạo nên tôi cứ suy ra rằng nó chắc chắn không phải là hạt thật của cây? Vậy thực chất là mô phôi, tế bào hay là gì?
- Đúng vậy. Nó là một khối mô của cây nên được gọi là hạt nhân tạo. Nhưng điều quan trọng là ở chỗ chúng cho phép vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật khác xâm nhập hạt mà vẫn gieo trồng được bình thường xuống đất tự nhiên.
 

- Nghĩa là có thể đưa cho nông dân để họ tự gieo trồng được như bắp hay đậu mà không cần nhà kính hay chuyên gia...?

- Vâng. Đúng vậy. Hạt không bị hủy hoại nên nảy mầm được trực tiếp ở ngoài đất tự nhiên, được gọi là hạt nhân tạo kiểu mới; còn các loại hạt nhân tạo truyền thống trước đây thì sẽ bị hủy hoại bởi các vi sinh vật trong đất nếu đem gieo trực tiếp.
 
img

Phòng thí nghiệm nhân bản vô tính thực vật bằng hạt nhân tạo tại Trường ĐH Sunshine Coast (Úc). Ảnh: C.T.V

 
- Hình dung nó như thế nào? Từng hạt nhỏ hay bột?

- Là từng hạt nhỏ kích thước bằng hạt bắp, nói chung là cũng tùy loại cây.

 
- Nhưng kết quả nghiên cứu này đã được kiểm chứng trên thực tế chưa?

- Rồi chứ. Nó đã được các nhà khoa học chuyển ra vùng Queensland của Úc để nông dân gieo trồng và hiện rừng cây vẫn đang phát triển bình thường.

 
-l Lại tò mò hỏi anh tại sao nhân bản cây bạch đàn và gụ mà không là thứ cây nào khác? Ở Việt Nam, tôi thấy người ta bán cây giống bạch đàn nhiều lắm, có cần phải nhân giống theo kiểu của anh?

- Tôi nghiên cứu nhân bản chúng vì Chính phủ Việt Nam đã đưa cây bạch đàn làm một trong những cây trọng điểm để trồng rừng trong tương lai và cả hướng đến xuất khẩu nữa. Loại bạch đàn tôi nhân bản là bạch đàn lai chưa có ở Việt Nam nhưng “bố” và “mẹ” của nó thì đã có và sinh trưởng khá tốt ở các vùng thấp. Đó là bạch đàn Eucalyptus citriodora và bạch đàn Eucalyptus torelliana. Một loại có ưu điểm năng suất cao và chất lượng gỗ tốt, còn một loại thì chống chịu tốt với sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt. Bạch đàn lai sẽ mang ưu điểm của 2 loại này và hạt nhân tạo kiểu mới sẽ cho phép chúng ta thiết lập được các cánh rừng có sinh khối lớn một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

 
- Thế còn gụ? Dân miền Trung Việt Nam thường gọi cây gõ là gụ, một loại gỗ thuộc nhóm tứ thiết. Có phải là nó không?

- Không phải. Cây gụ mà tôi nghiên cứu có nguồn gốc từ châu Phi, cũng là cây gỗ rất quý hiếm nên rất được ưa chuộng ở Úc. Nó còn được dùng để làm dược liệu và hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy tôi rất vui vì được là người thứ hai trên thế giới nhân giống cây gụ thành công. 

 
- Sao không nghiên cứu một loại cây nào khác gần gũi hơn với việc trồng rừng ở Việt Nam?
- Vì tôi muốn giúp cho cả hai nước Việt Nam và Úc cùng phát triển về lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp.
 

- Trên tạp chí thực vật của Úc, PGS chuyên ngành thực vật học Stephen Trueman viết rằng công nghệ hạt nhân tạo kiểu mới của anh là “bước đột phá quan trọng trong vòng 30 năm qua ở lĩnh vực công nghiệp và môi trường”. Cụ thể, nó lợi ích hơn nhân bản vô tính ở những điểm nào?

- Về cơ bản, sẽ lợi ích hơn ở chỗ hệ số nhân giống nhanh, chuyển giao sản phẩm tận tay người sử dụng, cắt giảm phòng thí nghiệm sau khi tạo được hạt, cắt giảm quá trình chăm sóc cây con ở ngoài vườn ươm... nên sẽ giảm được giá thành rất lớn. Quan trọng nhất là sẽ cho ra đủ số lượng cây giống trong một quỹ thời gian nhất định mà các phương pháp nhân bản vô tính khác không làm được.

 
- Lãng mạn một chút, anh sẽ thực hiện điều đó ở Việt Nam chứ?
- Tất nhiên rồi. Vì đơn giản tôi là người Việt Nam, chịu ơn sinh thành và ăn học. Tôi sẽ quay về nơi công tác cũ và nếu lãng mạn hơn một chút, tôi sẽ thành lập những trung tâm cung cấp giống cây trồng nhân bản vô tính bằng hạt nhân tạo. Khi đó, nông dân nghèo quê tôi sẽ bớt vất vả.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo